01:19 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Phú Yên: Doanh nghiệp thu mua “mất tích”, hàng trăm tấn khoai lang Nhật bỏ thối ngoài đồng

| 13:17 29/09/2018

(THPL) - Ký hợp đồng cam kết bao tiêu, nhưng đến ngày thu hoạch Công ty TNHH Nông nghiệp Bazan (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) bỗng nhiên mất tích. Doanh nghiệp mất tích đẩy nông dân vào tình thế không đầu ra với hàng trăm tấn khoai lang Nhật đành ngậm ngùi bỏ khoai thối ngoài đồng.

Nước mắt trên luống khoai lang

Những ngày này, gần 10 hộ dân ở xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh (tỉnh Phú Yên) đứng ngồi không yên khi tiếp nhận thông tin trụ sở Công ty TNHH Nông nghiệp Bazan (Công ty Bazan) liên tục đóng cửa, điện thoại liên lạc thì không có tín hiệu. Số vốn hàng trăm triệu đồng để đầu tư trồng khoảng 7 hecta khoai đến nay hầu như mất trắng.

Phu-Yen-Lua-dan-trong-khoai-lang-Nhat-cam-khoai-di-mat-hut-l---a-d--n-tr---ng-khoai-lang-1537896998-width770height472.jpg
Nông dân xã Đức Bình Đông bất lực nhìn diện tích trồng khoai lang Nhật Bản không được thu mua. (Ảnh: Dân Việt)

Theo báo Dân Việt, gia đình ông Nguyễn Thế Trường (thôn Đức Hòa) mất ăn, mất ngủ, khi hơn 2 tấn khoai lang mà ông trồng theo đúng quy trình của Công ty TNHH Nông nghiệp Bazan và đã được thu mua, nhưng đến nay vẫn chưa được thanh toán tiền.

Thảm cảnh hơn ông Trường là anh Trương Văn Khánh (thôn Chí Thán). Để đầu tư trồng khoai lang Nhật Bản, anh Khánh vay ngân hàng 120 triệu đồng. Đợt đầu anh thu được 2,5 tấn và bị quỵt tiền như ông Trường, nhưng với diện tích 2,2ha còn lại, anh Khánh không biết xử lý như thế nào khi khoai lang đã quá tháng tuổi nên củ khoai bị sâu bệnh hơn 1/2 diện tích.

“Diện tích và sản lượng khoai lang quá lớn, tôi không biết phải làm gì. Nếu nhổ khoai để bán ngoài chợ thì bán biết khi nào cho hết, còn nếu để lại tôi cũng chỉ biết phá bỏ, chứ bây giờ không biết cách nào liên hệ với Công ty TNHH Nông nghiệp Bazan để lấy tiền”, anh Khánh buồn bã nói.

Chính quyền địa phương cũng bị lừa?

Theo ông Nông Văn Trình, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Bình Đông, mô hình trồng khoai lang Nhật Bản đã được lãnh đạo UBND xã nghiên cứu kỹ mới phổ biến cho người dân. Các hộ dân, lãnh đạo UBND đã được Công ty TNHH Nông nghiệp Bazan tạo điều kiện đi tham quan mô hình trồng tại các huyện M’Đrắk, Ea H’leo (Đắk Lắk) và các vùng lân cận của tỉnh Đắk Nông.

Xét về mặt kinh tế, mô hình trồng khoai lang Nhật Bản mang lại hiệu quả cao cho người trồng. Theo hợp đồng, Công ty TNHH Nông nghiệp Bazan sẽ thu mua của người dân với giá bảo hiểm (thấp nhất) là 7.000 đồng/kg/ loại 1, nếu giá thị trường cao hơn, công ty sẽ thu mua theo giá thị trường (có thể lên đến 16.000 đồng/kg.

Trước khi triển khai mô hình trồng khoai lang Nhật Bản tại xã Đức Bình Đông, Hội Nông dân xã phối hợp với Công ty TNHH Nông nghiệp Bazan phổ biến quy trình và giới thiệu về loại cây này. Để tạo niềm tin, Công ty TNHH Nông nghiệp Bazan còn cho người dân ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình trồng và hứa sẽ thu nguồn tiền này sau khi thanh toán tiền thu khoai lang của người dân.

Nếu đạt năng suất 2 tấn/sào, người dân thu được 14 triệu đồng, trừ các chi phí, lời được khoảng 6 triệu đồng/sào sau 4 tháng trồng và chăm sóc. Đây là con số ổn định hơn so với các loại cây trồng khác, vì thế UBND xã Đức Bình Đông quyết định tạo điều kiện để Công ty TNHH Nông nghiệp Bazan phối hợp với người dân triển khai mô hình trồng khoai lang Nhật Bản.

Tuy nhiên, đến thời điểm này những con số ấy chỉ tồn tại trên giấy còn những con dấu của UBND xã Đức Bình Đông và Công ty TNHH Nông nghiệp Bazan bị nhòe đi bởi những giọt nước mắt và mồ hôi của những người nông dân tay lấm chân bùn, khi họ gần như mất trắng tiền của và công sức vì mô hình trồng khoai lang Nhật Bản.

Theo thống kê của UBND xã Đức Bình Đông, hiện có hơn 10 hộ trồng khoai lang Nhật Bản với tổng diện tích là 7ha. Đây được xem là những người đi tiên phong để tìm hướng đi mới, cải thiện thu nhập từ mô hình nông nghiệp trồng cây ngắn ngày. Tuy nhiên, kết quả mà họ nhận được là sự trắng tay.

Điều đáng nói trong bản hợp đồng đầu tư và thu mua khoai lang giữa người dân và Công ty TNHH Nông nghiệp Bazan có sự xác nhận của lãnh đạo UBND xã Đức Bình Đông. Theo nhiều người dân, họ đã báo lên chính quyền địa phương, nhưng việc tìm ra cách giải quyết không phải là chuyện đơn giản.

Trụ sở công ty vẫn có người đi bằng cửa sau

phu yen
Cửa trước của công ty Bazan luôn luôn được khóa chặt. (Ảnh: Dân trí)

Theo báo Dân trí, liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Đình Quốc, Chủ tịch UBND xã Đức Bình Đông nói: “Việc nông dân không bán được khoai, chính quyền địa phương cũng rất lo lắng. Chính quyền địa phương đã nhiều lần liên lạc nhưng đại diện bên phía Công ty Bazan không bắt máy. Để rõ ngọn ngành, xã đã cử đoàn cán bộ chạy xe lên trực tiếp trụ sở Công ty Bazan (159 Nguyễn Tri Phương, P. Thành Công, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) nhưng trụ sở này đóng cửa nên đoàn đành ra về.

Về phía thực hiện hợp đồng, đến thời điểm hiện tại Công ty Bazan đã phá vỡ hợp đồng với nông dân. Vì vậy, hiện chính quyền và người dân đang nhờ các bên tư vấn về quy trình thủ tục để tiến hành khởi kiện đối với công ty này…” ông Trình cho biết.

Để tìm hiểu về công ty này, PV Dân Trí tại Đắk Lắk trao đổi với một cán bộ công an Phường Thắng Lợi (TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), cán bộ này cho biết, tại địa chỉ 159 Nguyễn Tri Phương của một hộ dân đã cho Công ty TNHH Nông nghiệp Bazan thuê để kinh doanh. Tuy nhiên, những người thuê chỉ kinh doanh giờ hành chính không ở lại nên họ không đăng ký tạm trú tạm vắng.

“Tại địa chỉ này vẫn có người ra vào ở khu vực sau nhà, còn cửa chính để kinh doanh đều khóa cửa khoảng 2 tháng nay”, vị cán bộ này cho hay.

 

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu