15:00 ngày 25/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Phòng khám đa khoa Nam học Sài Gòn “vẽ bệnh” moi tiền khách hàng?

10:08 23/07/2020

(THPL) - Không những “vẽ bệnh” moi tiền, “hù dọa” sức khỏe của khách hàng, Phòng khám đa khoa (PKĐK) Nam học Sài gòn còn có dấu hiệu sử dụng nhiều nhân viên không phải là bác sĩ để “phán bệnh” cho bệnh nhân?

Thời gian qua, Tòa soạn Thương hiệu và Pháp luật điện tử liên tục nhận được phản ánh liên quan đến vấn nạn “vẽ bệnh” nhằm thu tiền chữa trị tại PKĐK Nam học Sài Gòn (số 495 Cộng Hòa, phường 15, quận Tân Bình, TP.HCM).

Phòng khám đa khoa Nam học Sài Gòn nơi bị khách hàng phản ánh về tình trạng “vẽ bệnh” moi tiền người có nhu cầu tới khám bệnh.

Nhận được phản ánh, phóng viên (PV) Thương hiệu và Pháp luật điện tử đã tiến hành thâm nhập, tìm hiểu thực tế nhằm có thông tin khách quan cung cấp đến bạn đọc. Và đúng như phản ánh, theo ghi nhận của chúng tôi, tại PKĐK Nam học Sài Gòn có rất nhiều dấu hiệu vi phạm về cả chuyên môn lẫn đạo đức nghề nghiệp.

Dù khỏe mạnh, vào khám “ắt” ra bệnh

Trong vai người có dấu hiệu bị đau phần dương vật, chúng tôi có mặt tại địa chỉ 495 Cộng Hòa để được bác sĩ PKĐK Nam học Sài Gòn thăm khám.

Tại đây chúng tôi được nhân viên lễ tân tiếp đón, hướng dẫn tận tình. Theo ghi nhận, nhiều bệnh nhân vào thăm khám tại phòng khám này đều phải đóng phí khám bắt buộc là 100 nghìn đồng, ngoài số tiền trên họ còn phải đóng thêm với các gói khám tùy vào từng dịch vụ.

Hoàn thành các thủ tục, tiếp đến chúng tôi được nhân viên lễ tân dẫn lên tầng 2 để bác sĩ thăm khám. Trong căn phòng khoảng 15m2, có 3 người (2 nữ ,1 nam) mặc áo blouse trắng được giới thiệu là bác sĩ, thế nhưng theo quan sát tất cả đều không đeo biển tên, biển hiệu.

Trình bày một số triệu chứng, biểu hiện, chúng tôi được nam bác sĩ yêu cầu kiểm tra dương vật, lấy dịch niệu đạo, xét nghiệm máu, nước tiểu, giang mai, sùi mào gà, HIV… Người này còn “mồi chài” bệnh nhân bằng cách giảm giá 50% chi phí khi thực hiện đầy đủ các xét nghiệm.

Sau khi đóng tiền xét nghiệm gần 1,3 triệu đồng, chúng tôi tiếp tục được nhân viên hướng dẫn đi lấy máu, nước tiểu để xét nghiệm.

Khoảng 30 sau, chúng tôi được mời vào phòng thăm khám ban đầu. Tại đây, một người tự xưng là trợ lý của bác sĩ, không đeo biển tên, biển hiệu và bắt đầu “phán bệnh”: “Qua kết quả xét nghiệm thì em bị bệnh lậu, đây là 1 căn bệnh nguy hiểm nó chỉ đứng sau bệnh HIV, giang mai, sùi mào gà. Riêng bệnh lậu của em thì chị dám đảm bảo với em điều trị bằng thuốc sẽ hết 100%, nhưng em phải đảm bảo điều trị đúng phác đồ của bác sĩ đưa ra”.

Khi được chúng tôi hỏi về quy trình và kinh phí để chữa trị, người phụ nữ này cho biết: “Căn bệnh của em giờ phải cho truyền thuốc kháng sinh vào tĩnh mạch 7 ngày cộng với điều trị để tiêu hết viêm mủ là 10 ngày, chi phí trong 7 ngày đầu là 1,533 triệu đồng, 10 ngày sau thì mỗi ngày 1 triệu đồng”.

Vẽ bệnh hù nạn nhân sợ tới chết!

Nhận thấy chúng tôi có vẻ lưỡng lự chữa trị, người này liền nói: “Bệnh này nếu em không chữa trị sau này em sinh con sẽ bị lậu trong mắt, nó là một căn bệnh nguy hiểm. Bây giờ em cứ điều trị đi, tối về em lên mạng search google xem bệnh lậu nó nguy hiểm như thế nào?”.

Để thoát khỏi phòng khám, PV phải viện lý do không đem đủ tiền và nhờ sự trợ giúp của người nhà thì mới có thể tiến hành chữa trị được. Giả vờ mang kết quả khám bệnh ra thì người nhà xem để xin tiền chữa trị.

Đối với trường hợp PV khám tại PKĐK Nam học Sài Gòn, nữ nhân viên trung tuổi không đeo biển tên, biển hiệu xưng là trợ lý bác sĩ đã “tự biên tự diễn” và “bắt” PV có bệnh theo ý muốn rồi yêu cầu chữa trị theo cách mà phòng khám đặt ra.

Nữ nhân viên trung tuổi không đeo biển tên, biển hiệu xưng là trợ lý bác sĩ liên tục nhấn mạnh về sự nguy hiểm của căn bệnh mà mình vừa vẽ ra cho người đến khám bệnh hoảng sợ.

Như vậy mặc dù phóng viên là người khỏe mạnh bình thường nhưng khi đến PKĐK Nam học Sài Gòn thì “buộc” phải có bệnh. Các nhân viên tại phòng khám này đã dùng những chiều trò “hù dọa” bệnh nhằm mục đích chữa trị  với mức giá lên đến hàng chục triệu đồng.

Liên quan đến những dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng tồn tại và xảy ra tại PKĐK Nam học Sài Gòn, PV Thương hiệu và Pháp luật điện tử sẽ cung cấp toàn bộ video, hình ảnh, tài liệu có dấu hiệu sai phạm và đề nghị Sở Y tế TP.HCM vào cuộc kiểm tra và xử lý.

Thương hiệu và Pháp luật điện tử sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc ở các kỳ sau.

Tràng Giang - Huy Bình

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu