13:53 ngày 28/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Phó Thủ tướng yêu cầu siết chặt kỷ cương, kỷ luật giải ngân vốn đầu tư công

15:36 14/04/2023

(THPL) - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các bộ ngành, cơ quan trung ương phải siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong công tác giải ngân vốn đầu tư công; phải xác định rõ, đây là trách nhiệm của người đứng đầu.

Trước đó ngày 13/4, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Tổ trưởng Tổ công tác số 1 của Thủ tướng Chính phủ về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đã họp với 17 bộ, ngành, cơ quan trung ương về giải ngân vốn đầu tư công.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 Thủ tướng giao cho 17 bộ, ngành, cơ quan trung ương thuộc Tổ công tác số 1 là trên 38,319 nghìn tỷ đồng, bố trí cho 22 nhiệm vụ và 80 dự án. Đến nay, 17 bộ, ngành, cơ quan trung ương đã phân bổ chi tiết đạt 91,2% kế hoạch, số vốn còn lại chưa giao kế hoạch là gần 3,4 nghìn tỷ đồng của 8 cơ quan. Trong quý I/2023, tổng số giải ngân của 17 bộ, ngành, cơ quan trung ương đạt 0,04% kế hoạch, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của cả nước (10,35%).

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong những năm gần đây, nhìn chung tiến độ giải ngân những tháng đầu năm của các đơn vị này đều thấp và tăng dần trong thời gian tiếp theo, hầu hết cả năm đạt 90 - 100% kế hoạch.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu siết chặt kỷ cương, kỷ luật giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: VGP

Nguyên nhân chủ yếu giải ngân vốn đầu tư công thấp là công tác tổ chức thực hiện (lập kế hoạch, chuẩn bị thủ tục đầu tư dự án) chưa sát sao, chưa phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong số đó, Ngân hàng Nhà nước được giao 24.283 tỷ đồng, chiếm đa số (63%) trong tổng số vốn giao cho 17 bộ, ngành cơ quan trung ương thuộc Tổ công tác số 1.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, Phó thống đốc Thường trực Đào Minh Tú, cho biết kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước năm 2023 có 318,9 tỷ đồng là bố trí cho thực hiện công trình xây dựng cơ bản của ngành ngân hàng, số vốn còn lại 23.965.000 tỷ đồng là nguồn vốn của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nằm trong gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã có khả năng phục hồi sau dịch Covid-19.

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, quá trình giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% không được như mong muốn, bởi nhiều nguyên nhân như: do quy định chưa sát, điều kiện thực tiễn đã thay đổi…. Đáng nói, Nghị quyết 43/2022/QH15 quy định tiêu chí cứng là "có khả năng phục hồi" - đây là điều kiện để được hưởng chính sách ưu đãi này. Tuy nhiên, "cả ngân hàng thương mại và doanh nghiệp đều rất khó xác định thế nào là "có khả năng phục hồi" cho nên rất khó thực hiện", dẫn đến tiến độ giải ngân chưa cao.

 Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị các bộ, ngành phải thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, coi công tác giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên bám sát tình hình thực tiễn, đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc cho từng dự án, nhiệm vụ cụ thể. Vốn đã có mà không giải ngân được, thì dòng tiền, thanh khoản của nền kinh tế cũng bị ảnh hưởng; nếu để "tích tiểu thành đại", đọng vốn nhiều sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế và chính sách tài khóa, tiền tệ, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời yêu cầu các bộ ngành, cơ quan trung ương phải siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong công tác giải ngân vốn đầu tư công; phải xác định rõ, đây là trách nhiệm của người đứng đầu.

Phó Thủ tướng lưu ý, các bộ, ngành cần chủ động rà soát trên tinh thần những dự án khó triển khai thì có thể điều chuyển vốn trong nội bộ; đề nghị các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu phải nâng cao trách nhiệm hơn nữa, phân công đúng người đúng việc, kịp thời khen thưởng, động viên các cán bộ làm tốt, có hiệu quả và có biện pháp phù hợp những trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ; lưu ý bộ, ngành quản lý nhà nước phối hợp tốt với các địa phương để tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho triển khai, tổ chức thực hiện dự án, cũng như việc thanh toán, quyết toán; rà soát, kịp thời đề xuất các giải pháp để tháo gỡ vướng mắc về hành chính, cũng như về pháp lý để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch đề ra.

Thanh Mai (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu