11:29 ngày 27/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

PCI 2016: Đà Nẵng trụ vững ngôi đầu bảng, Hà Nội có tiến bộ

11:00 14/03/2017

(THPL) – Theo Báo cáo thường niên Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2016 vừa được công bố sáng nay, Đà Nẵng năm thứ 4 liên tiếp trụ vững ngôi đầu bảng, còn Hà Nội đứng thứ 14 và là lần đầu tiên lọt vào danh sách nhóm điều hành tốt.

Ngày 14/3, VCCI phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố Báo cáo thường niên Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2016. Đây là bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng về chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố tại Việt Nam, được công bố liên tiếp 12 năm trở lại đây. 

Theo bảng xếp hạng PCI năm nay, Đà Nẵng tiếp tục có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tốt nhất, đạt 70 điểm. Đáng chú ý trong 12 lần công bố PCI thì Đà Nẵng có 7 lần thành phố này dẫn đầu cả nước kể từ khi PCI được công bố.

Xếp thứ 2 là Quảng Ninh với 65,6 điểm, ghi nhận thứ hạng cao nhất từ trước đến nay của địa phương này. Đồng Tháp với 64,96 điểm đứng ở vị trí thứ 3. Đây là lần thứ 9 địa phương này lọt vào top 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành cao nhất.

Bình Dương (63,57 điểm) và Vĩnh Long (62,76 điểm) trở lại trong nhóm những tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành xuất sắc nhất cùng với Lào Cai (63,49 điểm).

Hà Nội xếp thứ 14, lần đầu tiên lần đầu tiên lọt vào danh sách nhóm điều hành tốt. 

Cũng theo bảng xếp hạng, các tỉnh như Thái Nguyên, TP.HCM, Vĩnh Phúc và Quảng Nam nhận được nhiều đánh giá tích cực của các doanh nghiệp dân doanh về các nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh. TP HCM xếp thứ 8 với 61,72 điểm, giảm 2 bậc so với năm ngoái.

Hà Nội lần đầu tiên sau nhiều năm đã vượt ngưỡng 60 điểm, lọt vào nhóm có chất lượng điều hành tốt, ở vị trí 14 trong 63 tỉnh, thành phố.
Những nỗ lực của Hà Nội được cộng đồng ghi nhận nhiều nhất ở chỉ số thành phần chi phí thời gian và chi phí không chính thức, lần lượt tăng 0,3 và 0,4 điểm so với 2015. Cụ thể, 53% doanh nghiệp cho biết “không phải đi lại nhiều lần để lấy dấu và chữ ký”, tăng 4% so với năm 2015 và 15% so với cách đây 2 năm.

Đánh giá chung về kết quả PCI năm 2016, VCCI cho biết, so với năm 2015 đã có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố tiếp tục được duy trì xu hướng cải thiện. Sự chuyển biến ghi nhận rõ ở các lĩnh vực có tính năng động, tiên phong của chính quyền tỉnh, chi phí không chính thức, đào tạo lao động, cạnh tranh bình đẳng, đăng ký doanh nghiệp.

Tuy nhiên, vấn đề thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai vẫn còn chưa thuận lợi và môi trường pháp lý chưa an toàn vẫn là một số trở ngại chính đối với nhiều doanh nghiệp.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, chia sẻ: “Tôi vui mừng vì không chỉ thấy ngôi sao cải cách như Đà Nẵng mà ngay cả những địa phương ở cuối bảng xếp hạng cũng có sự thay đổi tích cực. Hà Nội, TP. HCM dần bớt sức ì và có những giải pháp táo bạo. Đang có cuộc đua trong cải thiện môi trường, năng lực cạnh tranh và năm 2016 ghi nhận dàn đồng ca PCI đã đồng điệu hơn, lan tỏa hơn”,.

Ông Lộc cũng đánh giá, kết quả PCI 2016 phản ánh những dấu hiệu khởi sắc với doanh nghiệp dân doanh trong nước. Lần đầu tiên trong 12 năm qua quy mô vốn trung bình của doanh nghiệp tăng lên mức cao nhất, bình quân 18,1 tỷ đồng, gấp đôi so với cách đây 10 năm. Tỷ lệ doanh nghiệp tuyển dụng thêm lao động tăng thêm 1%, lên 13% sau một năm.

Theo ông Lộc, đích đến của PCI không phải là thứ tự xếp hạng mà là những dư địa cải cách, bài học cải cách được chia sẻ, lan tỏa thực hiện tốt để nâng cao chất lượng điều hành kinh tế, năng lự cạnh tranh.

Điều tra các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cho thấy, 11% doanh nghiệp tiết lộ đã tăng vốn đầu tư, 63% tuyển dụng thêm lao động mới, mức cao nhất trong 5 năm qua. Hơn một nửa doanh nghiệp tham gia khảo sát (khoảng 800 doanh nghiệp) có ý định mở rộng hoạt động kinh doanh.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, nhận xét, các doanh nghiệp FDI đánh giá chi phí gia nhập thị trường và tham nhũng vặt đã giảm bớt. “Tuy nhiên nhiều nhà đầu tư vẫn e ngại về môi trường kinh doanh bình đẳng, việc tiếp cận thông tin về tài liệu ngân sách, kế hoạch, quy hoạch. Các thủ tục hành chính hậu đăng ký kinh doanh vẫn cần được đơn giản hoá, giảm bớt chi phí, gánh nặng cho doanh nghiệp”, ông Tuấn nhấn mạnh. 

Kết quả điều tra PCI 2016 cũng cho thấy, một số lượng lớn các doanh nghiệp đã nỗ lực phòng chống ô nhiễm môi trường ngay chính tại doanh nghiệp mình. 75% doanh nghiệp FDT và 73% doanh nghiệp dân doanh hiện đang áp dụng các “chính sách xanh” (giảm thiểu ô nhiễm bằng cách sử dụng nguyên liệu và năng lượng tiết kiệm, hiệu quả nhất).

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh hay PCI (viết tắt của Provincial Competitiveness Index) là chỉ số đánh giá và xếp hạng chính quyền các tỉnh, thành của Việt Nam về chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp dân doanh.

Thảo Nguyên

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu