21:00 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Nông dân Lâm Đồng chặt bỏ cây chè do thu nhập giảm sút

15:01 16/11/2018

(THPL) - Thu nhập từ cây chè ngày càng giảm sút, trong khi xuất khẩu gặp khó khăn khiến nông dân tỉnh Lâm Đồng chuyển đổi sang loại cây trồng khác.

Theo báo VnExpress, thời điểm cuối năm 2015, toàn tỉnh Lâm Đồng có 21.000 ha chè, tập trung chủ yếu ở huyện Bảo Lâm và TP Bảo Lộc vì vùng đất này có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp. Tuy nhiên tính đến tháng 9 năm nay, toàn tỉnh chỉ còn 13.000 ha.

Điều đáng nói là người dân Lâm Đồng đã gắn bó cùng cây chè gần 100 năm nay, với những danh trà nổi tiếng trong và ngoài nước có xuất xứ từ vùng chè B’ Lao hay Cầu Đất - Đà Lạt. Thế nhưng, hiện tại nhiều vườn chè đang bị chủ nhân phá bỏ để chuyển đổi sang cây trồng khác cho thu nhập cao và thị trường ổn định hơn.

Nhiều cây chè nở hoa vì chậm thu hoạch ở trang trại Cầu Đất - Đà Lạt. Ảnh: Mạnh Dương/báo VnExpress

Theo tính toán của một số hộ trồng chè ở xã Lộc Quảng, huyện Bảo Lâm, thì một ha chè chất lượng cao mỗi năm cho thu nhập khoảng 160 triệu đồng, sau khi trừ  chi phí người trồng chỉ lãi trên 50 triệu, thua nhiều loại cây trồng hiện nay, trong khi cây chè cần rất nhiều công lao động từ khâu chăm sóc và thu hái. Giá cả vật tư đầu vào và nhân công vài năm gần đây tăng là một trong những nguyên nhân khiến người trồng khó có lãi.

Theo báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Đậu Văn Xuân, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Lâm cho biết, 3 năm qua, diện tích trồng chè trong huyện giảm hàng nghìn ha, đặc biệt trong năm 2018 giảm mạnh. Trước tình hình sản xuất, tiêu thụ chè khó khăn thì nhiều nông dân tiến hành trồng xen cà phê.

Đến thời điểm này, khi cà phê bước vào thời kỳ kinh doanh thì bà con chặt bỏ chè. Tương tự, tại vùng chè TP Bảo Lộc, theo số liệu của Phòng Kinh tế thành phố, từ năm 2015 đến nay, diện tích trồng chè đã giảm từ 7.000 ha xuống còn 3.000 ha.

Gắn bó với cây chè hàng chục năm, ông Đoàn Trọng Phương, Giám đốc Công ty CP Chè Lâm Đồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam không khỏi trăn trở: “Nông dân làm chè vất vả nhưng thu nhập phập phù, năm được năm mất. Mấy năm nay, thời tiết thất thường, giá cả bấp bênh, công lao động và giá cả vật tư tăng cao, làm chè chẳng có lãi, bà con không còn thiết tha...”.

Nhiều nông dân phản ánh, mặc dù có một số công ty, doanh nghiệp đến thu mua, song sản phẩm tiêu thụ rất chậm và bán giá thấp. Trong đó có cả chuyện o ép khi thu mua khiến không ít người trồng nản lòng. Nhiều tháng sau mới nhận được tiền bán nợ. Bà con khó xoay xở để có vốn nuôi vườn chè.

Ông Đậu Văn Xuân cho biết: “Mặc dù chính quyền địa phương đã có nhiều khuyến cáo cũng như tuyên truyền để người dân giữ lại diện tích, song việc lựa chọn cây, con gì để phát triển kinh tế là quyền lựa chọn của nông dân. Hơn nữa, chính quyền địa phương cũng khó định hướng loại cây trồng này cho người dân, bởi so với các loại cây trồng thì cây chè đang lép vế”. 

Hồng Minh (Tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu