02:51 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Ninh Thuận: Tràn lan trang trại điện mặt trời áp mái nhà núp bóng sản xuất nông nghiệp

Minh Khoa - Nguyễn Phong | 14:54 13/04/2021

(THPL) - Điều kiện để được đấu nối và hưởng ưu đãi về giá bán điện là phải có dự án chăn nuôi, trồng trọt, tận dụng tầng mái công trình lắp pin năng lượng. Lợi dụng quy định này, một số doanh nghiệp đã xây dựng các trang trại "ma" nhằm trục lợi chính sách.

Nông trại nông nghiệp hay nông trại năng lượng?

Tháng 04/2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt số 13/2020/QĐ-TTg nhằm khuyến khích phát triển điện mặt trời Việt Nam. Đối với điện mặt trời áp mái nhà (ĐMTAMN), chỉ cần có dự án nông nghiệp và thỏa thuận đấu nối với công ty điện lực địa phương trước ngày 31/12/2020, dự án sẽ được bán điện với giá tốt nhất.

Lợi nhuận chênh lệch từ các dự án điện mặt trời áp mái nhà cao hơn hẳn so với các dự án điện khác, nên trong thời gian qua ĐMTAMN trở thành một xu hướng kinh doanh không chỉ của các hộ gia đình, mà còn xuất hiện hàng loạt ở các trang trại. Tuy là trang trại nhưng việc chăn nuôi, trồng trọt chỉ là tấm bình phong để các doanh nghiệp đứng sau lách luật, hòng trục lợi chính sách.

Hàng loạt trang trại đăng ký hoạt động nông nghiệp nhưng chưa thấy con gì, cây gì ngoài điện mặt trời.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại xã Phước Ninh, huyện Thuận Nam có 7 trang trại đang áp dụng mô hình này với 5 trang trại thực hiện theo thông tư 27, 2 trang trại còn lại áp dụng thông tư 02 của Bộ NN-PTNT. Công suất mỗi trang trại đều ở mức 1 MWp trở xuống. Theo hồ sơ do xã Phước Ninh cung cấp các trang trại này đều đăng ký sản xuất nông nghiệp là chính. Trên thực tế, hầu hết diện tích đất của các trang trại này đều có quy mô lớn, nhưng việc canh tác chăn nuôi đều thực hiện rất sơ sài, nếu không muốn nói chỉ làm năng lượng không hề làm nông nghiệp. Điển hình như, Công ty cổ phần Điện Mặt Trời Phước Ninh 1, 2(thôn Hiếu Thiện, xã Phước Ninh, huyện Thuận Nam), ngoài những dãy nhà tôn thấp lè tè được lắp các tấm pin áp mái, còn lại trang trại chỉ loe hoe dăm ba con cừu và tuyệt nhiên không có bóng cây nào ngoài cỏ dại.

Trong quá trình ghi nhận thực tế, tại một trang trại ĐMTAMN có vị trí cạnh trụ sở UBND xã Phước Ninh, mặc dù, không thuộc diện tích đất quốc phòng hay thuộc phạm vi bí mật nhà nước, nhưng khi phóng viên vừa tiếp cận bên ngoài hàng rào công ty, người đàn ông tên Phụng đã lệnh cho bảo vệ can thiệp không cho quay phim chụp ảnh. Được biết, người đại diện pháp luật của công ty này là bà Ngô Thu Hà. Bà này còn đại diện các doanh nghiệp khác như Công ty cổ phần điện mặt trời PHƯỚC NINH 3; Công ty cổ phần năng lượng mới Solar Max Miền Trung; Công ty cổ phần năng lượng mới Solar Max Gia Lai.

Cán bộ xã "làm thuê" cho trang trại?

Tiếp phóng viên tại trụ sở, ông Trịnh Vinh Quang, Chủ tịch UBND xã Phước Ninh cho biết: Chủ đầu tư của nhiều dự án không phải là người địa phương, hơn thế, những chủ đầu tư điện mặt trời cũng không phải là chủ trang trại, mà chỉ thuê mái của trang trại để đầu tư. Hoàn toàn không có việc làm nông nghiệp kết hợp lắp điện mặt trời để phục vụ sản xuất. Ngoài ra, cũng chưa có trang trại nào chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tất cả chỉ mới dừng lại ở việc đăng ký biến động.

Tại phòng làm việc của Chủ tịch xã, phóng viên hoàn toàn bất ngờ khi ông Quang giới thiệu cán bộ nông nghiệp xã là ông Phụng, ông này chính là người ra lệnh cho bảo vệ cản trở, xua đuổi phóng viên tại công ty Phước Ninh 1, 2. Giải thích với phóng viên, ông Phụng cho biết mình làm thuê cho công ty này.

Ông Phụng (chống cằm) cán bộ xã làm thuê cho doanh nghiệp, người xua đuổi phóng viên tại công ty Phước Ninh 1,2.

Không khả quan hơn xã Phước Ninh là mấy, các trang trại thuộc xã Phước Dinh có phần còn sơ sài hơn. Tại trang trại của gia đình bà Nguyễn Phạm Cẩm Tú,  hàng loạt nhà tôn, khung sắt được dựng trên diện tích đất khoảng 2ha với mái nhà lắp pin mặt trời và đã đấu nối truyền tải điện đưa vào khai thác. Điện thì đã bán, tiền đã thu về nhưng việc trồng trọt chăn nuôi trong trang dường như chưa từng xảy ra. Trên nền đất thẩm màu của trang trại không một chút ánh nắng, chỉ có lơ thơ vài ngọn cây đã khô héo, thế nhưng trong danh mục kê khai của xã Phước Dinh, trang trại này được đầu tư xây dựng cả chục tỉ đồng để trồng nghệ đen và chăn nuôi Cừu. Nếu không được đọc danh mục kê khai từ trước, có lẽ chúng tôi sẽ lầm tưởng đây là một dự án năng lượng chứ không phải trang trại nông nghiệp.

Cách đó không xa, khu trang trại của bà Hoàng Thị Thúy Hiền cũng có quy mô khá lớn với tổng diện tích khoảng 1,3ha. Trên diện tích rộng lớn, hạ tầng trang trại bao gồm các hệ thống mái nhà được phủ kín bởi các tấm pin năng lượng mặt trời đã được hòa lưới điện. Trang trại này có tổng vốn đầu tư 5 tỷ đồng, danh mục đăng ký là chăn nuôi cừu nhưng hiện tại việc chăn nuôi chưa được triển khai. Người dân sống xung quanh trang trại này cho biết, trang trại này xây dựng nuôi trồng, nhưng chưa hề thấy nuôi trồng cây gì, con gì, chỉ thấy làm điện rồi để đấy.

Đối phó và lách luật!

Để hưởng nhiều ưu đãi và né tránh các thủ tục pháp lí, nhiều dự án đã đăng ký làm điện và chăn nuôi cùng một lúc nhưng thực tế là mua dự án đầu tư. Nếu không lấy chăn nuôi làm cái cớ thì việc đấu nối điện sẽ rất chậm, vì để thực hiện một dự án điện mặt trời trên đất nông nghiệp cần phải có sự phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng đất và trải qua nhiều cuộc thẩm định. Riêng dự án điện áp mái trang trại, các chủ trại chỉ cần xin xác nhận của cơ quan chức năng cấp huyện, cấp xã về hình thành mô hình kinh tế trang trại là đã có thể triển khai.

Một cán bộ xã Phước Nam (huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận) cho biết: “Hiện nay, địa bàn xã Phước Nam có 5 trang trại kết hợp dự án điện với chăn nuôi, trồng trọt, trong số này, có 4 trang trại chăn nuôi, trồng trọt loe ngoe. Những trang trại này đều thực hiện từ năm 2019 và đến năm 2020 đã hoàn thành và đưa vào khai thác điện”. Dường như các trang trại này được xây dựng không phải để chăn nuôi, mà cốt yếu là để hợp thức hóa để hoàn thiện khâu đăng ký kinh doanh.

Điện đã đấu nối đi vào khai thác, nhưng trang trại vẫn "vườn không nhà trống".

Để rộng đường dư luận, phóng viên đã liên hệ Công ty Điện lực và Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận để có góc nhìn đa chiều hơn về vấn đề nêu trên. Ông Đỗ Nguyên Hưng, Giám đốc Công ty Điện lực Ninh Thuận cho hay, phía điện lực chỉ thỏa thuận đấu nối điện với khách hàng nếu họ đảm bảo được các tiêu chí về áp mái của Bộ Công Thương. Bên cạnh đó, việc đấu nối điện với khách hàng sẽ phụ thuộc vào khả năng truyền tải của lưới điện khu vực đó, tức là còn khả năng truyền tải thì ngành điện sẽ ký hợp đồng, còn không còn thì thôi.“Chỉ cần có mái an toàn là cho đấu nối. Còn vấn đề họ có chăn nuôi hay không thì thuộc thẩm quyền chức năng địa phương”, ông Hưng khẳng định.

Trao đổi với Sở Công Thương Ninh Thuận, ông Võ Đình Vinh, Phó Giám đốc sở cho biết vấn đề này không thuộc thẩm quyền quản lý của Sở Công thương. Thời gian qua, việc phát triển này cũng không có ý kiến của tỉnh hay ngành mà người mua và người bán tự thương lượng ký kết hợp đồng với nhau.

Khuyến khích chuyển đổi mục đích sử dụng ở những vùng đất khô cằn, hoang hóa để đầu tư điện mặt trời mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn là chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp và hộ cá thể lợi  dụng chủ trương này để biến tướng một cách tràn lan, thiếu sự kiểm soát sẽ mang lại hậu quả vô cùng nặng nề đối với sản xuất nông nghiệp cũng như tạo áp lực lớn lên cả nền kinh tế của tỉnh nhà. Cần phải có biện pháp chế tài để đưa việc xây dụng loại hình sản xuất điện này vào khuôn khổ theo quy hoạch tránh tình trạng tự phát tràn lan vừa trục lợi chính sách, vừa thu hẹp diện tích đất nông nghiệp như hiện nay.

Minh Khoa - Nguyễn Phong

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu