02:41 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Ninh Thuận: Người dân đứng đâu “giữa đôi bờ điện mặt trời và nước”?

Minh Khoa - Nguyễn Phong | 13:23 04/04/2021

(THPL) - Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, các loại hình năng lượng sạch được đầu tư ồ ạt như điện gió, điện mặt trời. Việc phát triển nguồn năng lượng sạch là phù hợp và cần thiết đối với vùng đất khô hạn, ít mưa nhất cả nước này. Tuy nhiên, thực trạng một số doanh nghiệp kinh doanh điện mặt trời xây dựng công trình trong khu vực hồ thủy lợi có thật sự phù hợp, mang lại lợi ích cho người dân hay không thì cần phải có câu trả lời cụ thể.

Nỗi niềm của người dân thôn Bàu Ngứ

Là nơi có cường độ, số giờ nắng cao nhất cả nước, tỉnh Ninh Thuận là điểm sáng cho ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện mặt trời (ĐMT) phát triển. Những năm qua, UBND tỉnh đã thu hút đầu tư, mời gọi và tạo điều kiện khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Hiệu quả thu được là khả quan, riêng trong năm 2020, chỉ số tăng trưởng lên đến 129,93%, giữ vai trò chủ chốt dẫn dắt mức tăng trưởng chung của ngành công nghiệp và toàn nền kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, ngoài sự tăng trưởng kinh tế, điện mặt trời cũng để lại những hậu quả đắt giá mà người gánh chịu trực tiếp không ai khác chính là người dân địa phương.

Nhận được phản ánh của người dân thôn Bàu Ngứ, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) về hiện trạng thiếu nước dùng sinh hoạt cũng như cho chăn nuôi gia súc, gia cầm, phóng viên của Thương hiệu & Pháp luật đã trực tiếp đến làm việc để ghi nhận những nỗi niềm của bà con nơi đây.

Qua tiếp xúc, chúng tôi được biết, nước cho sinh hoạt và chăn nuôi ngày càng khô hạn, dẫn đến hệ quả đàn bò và cừu của người dân chết dần chết mòn, buộc phải bán đổ bán tháo với giá rẻ mạt, làm cho cuộc sống của người dân trở nên vô cùng khó khăn. Cần phải nói thêm, đồng bào dân tộc Chăm nơi đây xem chăn nuôi gia súc là nguồn thu nhập chính, nên việc phải bán gia súc bằng mọi giá là điều cực chẳng đã nhưng không còn lựa chọn nào khác.

Người dân thôn Bàu Ngứ cung cấp thông tin.

Bà Nguyễn Thị Mạnh (56 tuổi, thôn Bàu Ngứ, xã Phước Dinh) cho biết: “Đi vùng kinh tế mới từ năm 1975, gia đình tôi quyết định chọn vùng đất xung quanh hồ làm nơi sinh sống và canh tác Mãng cầu. Trung bình mỗi năm, cánh đồng Mãng cầu mang lại cho gia đình 50 triệu đồng lợi nhuận. Đến năm 2005, chính quyền địa phương vận động người dân thôn Bàu Ngứ di dời làm hồ dân sinh với mục đích đảm bảo nguồn nước tưới tiêu và chăn nuôi gia súc làm lợi cho dân. Hưởng ứng lời kêu gọi đó, gia đình tôi một mặt kêu gọi chòm xóm, một mặt tự mình hiến 1500m2 đất canh tác để làm gương. Cứ ngỡ có hồ, việc trồng trọt chăn nuôi của bà con sẽ phần nào thuận lợi hơn. Nhưng đến khi dự án điện mặt trời hồ Bàu Ngứ triển khai, toàn bộ khu vực xung quanh lòng hồ đều bị công ty xây dựng tường rào bao quanh, bít luôn cả con đường dân sinh mà từ xưa nay người dân sử dụng đi từ thôn vào hồ. Đất đai nằm trong khu vực dự án bị thu hồi với chỉ vài chục triệu đồng hỗ trợ, gia đình không có công ăn việc làm, giờ tôi cũng chỉ biết lấy mấy m2 đất làm tạm căn chòi để che mưa nắng”.

Người phụ nữ Chăm bên mảnh đất khô cằn vì thiếu nước ngay bên hồ.

Cùng cảnh ngộ với bà Mạnh, 11 ha đất của gia đình anh Kiều Gia Thiên và chị Miễu Thị Hoàng Hạnh trước đây nhờ vào nước hồ trồng trọt quanh năm, nay cũng trở thành vùng đất hoang hóa do thiếu nguồn nước tưới. Kinh tế gia đình cũng trở nên khó khăn hơn. Trò chuyện với chúng tôi, anh Thiên tâm sự: “Trước và sau khi ĐMT vào xây dựng, lượng nước và hiện trạng lòng hồ đã bị thay đổi rất nhiều, không còn được nhiều như trước đây. Người ta không cho chúng tôi lấy nước, muốn lấy thì phải làm đơn xuống xã xin trong khi từ xưa đến nay nhà tôi ở sát hồ”. Không còn nguồn nước, gia đình anh Thiên đành phải chấp nhận bán đổ bán tháo đàn cừu hơn 200 con, đàn bò cũng vì vậy mà phải lùa đi chăn thả xa hơn. Còn rất nhiều phản ánh nữa mà trong khuôn khổ bài báo này chúng tôi không tiện liệt kê lên tất cả. Cũng theo phản ánh, việc thiếu nước trầm trọng này bắt đầu từ khi hồ thủy lợi Bàu Ngứ và thượng lưu của nó xuất hiện sự có mặt của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Phát triển Trường Thành (Công ty Trường Thành).

Thực tế hiện trường và sự im lặng bất thường của chính quyền sở tại

Tại nhà máy ĐMT hồ Bàu Ngứ, tháng 1/2021, PV đã từng liên hệ và được ông Trần Ngọc Sơn, giám đốc điều hành của nhà máy dẫn đi một vòng quanh khu vực triển khai các tấm pin. Ông Sơn cho biết: “hiện có khoảng 1200m2 tấm pin bị chìm trong nước do trong quá trình thi công chưa lường hết cao trình nước hồ” . Khi được hỏi những tấm pin bị chìm trong nước như vậy liệu có hư hỏng và gây ô nhiễm đối với nguồn nước hay không thì ông cho biết sẽ kiểm tra đánh giá sau. Trả lời câu hỏi của PV, phải chăng lắp đặt hệ pin gần hồ chứa nước sẽ tận dụng được nước để rửa pin?. Ông Sơn cho hay: “mỗi năm chỉ phải rửa pin vài ba lần nên lượng nước để rửa không tốn bao nhiêu. Đơn vị chúng tôi mua nước sạch để rửa chứ các chỉ số sinh hóa hồ này không đảm bảo cho việc vệ sinh, súc rửa các tấm pin”. Về câu trả lời của ông Sơn chúng tôi chưa có dịp kiểm chứng việc dùng nước sạch rửa pin, nhưng theo những hộ dân sống cạnh hồ cho biết, chỉ có xe chở nước đi chứ hoàn toàn không có chuyện xe chở nước sạch về để rửa pin bao giờ.

Những hệ pin vươn ra giữa hồ đang ngâm trong nước vào tháng 1/2021 .

Trung tuần tháng 3, trở lại hồ Bàu Ngứ, với lý do phản ánh về hạn hán, sau một loạt “xin phép” của bảo vệ với cấp trên chúng tôi cũng được vào bên trong lòng hồ với một điều kiện không được chụp hình khu vực pin mặt trời. Lúc này mới đầu mùa khô mà mực nước hồ đã rút xuống rất thấp. Người dân ở đây vẫn thường nói vui với chúng tôi rằng hồ này giờ chẳng khác nào cái ao của Trường Thành. Điều người dân ví von hoàn toàn có lí, bởi lẽ hiện nay chỉ trừ phía hạ lưu là bờ đập, ba phía còn lại những hệ pin như chiếc dây thòng lọng đang thít chặt lấy lòng hồ.

Hồ Bàu Ngứ vào tháng 3/2021: Hồ Thủy lợi hay ao Trường Thành?

Được biết, nhà máy ĐMT hồ Bàu Ngứ là một trong 3 nhà máy đang phát điện thương mại của công ty Trường Thành, hai nhà máy còn lại là Thủy điện Ngòi Hút 2 và Ngòi Hút 2A. Nhà máy này được xây dựng với diện tích khoảng 75Ha nằm bao bọc xung quanh lòng hồ Bàu Ngứ, thuộc thôn Bàu Ngứ, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam. Thông tin từ phía Công ty Trường Thành công bố cho thấy, nhà máy có công suất 62MWp, tổng vốn đầu tư 1.457 tỷ đồng. Nhà máy này đã hòa lưới điện quốc gia vào quý III và IV năm 2019, cung cấp cho lưới điện quốc gia sản lượng 98 triệu KWh/năm. Với sản lượng điện năng sản xuất như vậy, lợi nhuận hàng năm đưa lại cho Công ty Trường Thành hẳn là không nhỏ!

Để rộng đường dư luận và có góc nhìn đa chiều về nhà máy ĐMT hồ Bàu Ngứ, PV đã liên hệ với ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch UBND xã Phước Dinh để xác minh thông tin người dân phản ánh. PV đã đến trụ sở UBND xã nhưng ông chủ tịch từ chối gặp vì lý do bận nhiều công vụ khác và hứa sẽ báo lịch làm việc lại sau. Thậm chí chúng tôi đã không ít lần liên lạc qua điện thoại để nhắc lịch làm việc nhưng cho đến nay, sau 3 tuần, PV vẫn chưa nhận được lịch hẹn cụ thể nào từ ông Lộc.

Ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch UBND xã Phước Dinh thoái thác làm việc với PV khi nghe đề cập đến ĐMT Bàu Ngứ.

Như vậy, có thể thấy những phản ánh của người dân về ảnh hưởng tiêu cực của việc xây dựng nhà máy ĐMT bao chiếm lòng hồ của Công ty Trường Thành là có cơ sở. Liệu hệ thống mốc mạng có được đơn vị thi công tuân thủ một cách nghiêm chỉnh? Có chăng việc Công ty Trường Thành chiếm lối đi dân sinh ra lòng hồ? Việc cấp phép xây dựng cho công trình trong khu vực hồ đập có tính đến yếu tố bảo vệ an ninh an toàn hồ đập, nguồn nước? Vì sao ông Lộc chủ tịch xã lại cố tình né tránh cung cấp thông tin cho báo chí?

Thương hiệu & Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Minh Khoa - Nguyễn Phong

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu