08:21 ngày 25/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Những vướng mắc cần tháo gỡ cho doanh nghiệp thủy sản

Minh Anh (T/h) | 21:57 15/04/2024

(THPL) - Mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã có công văn báo cáo tình hình sản xuất xuất khẩu thủy sản quý I; các vướng mắc, bất cập đang ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thủy sản.

Theo VASEP, xuất khẩu thủy sản của cả nước tính tới hết quý I/2024 đạt gần 2 tỷ USD, cao hơn 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc là top 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất. Trong đó, xuất khẩu sang Hoa Kỳ bứt phá mạnh hơn hẳn, với mức tăng trưởng 16% đạt 330 triệu USD, xuất khẩu sang Nhật Bản tương đương cùng kỳ, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc - Hồng Kông tăng 15%.

Trong khi đó, thị trường EU và Hàn Quốc vẫn chưa có tín hiệu hồi phục rõ nét với tôm và cá tra Việt Nam, nhưng xuất khẩu cá ngừ sang những thị trường này đều tăng trưởng dương: Sang EU tăng 27%, sang Hàn Quốc tăng 15%... Nhìn chung, xuất khẩu cá ngừ sang các thị trường chủ lực đều khá tích cực: Sang Hoa Kỳ - thị trường lớn nhất tăng 30%, sang Nhật Bản tăng 9%...

Những vướng mắc cần tháo gỡ cho doanh nghiệp thủy sản. Ảnh minh hoạ

Bên cạnh những kết quả tích cực, VASEP tiếp tục báo cáo về các nội dung vướng mắc, bất cập đang ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thủy sản trong quý I năm nay. Cụ thể:

- Đến quý I/2024, còn nhiều tàu cá tại các tỉnh thiếu giấy về đảm bảo an toàn thực phẩm (chứng nhận với tàu trên 15m và cam kết với tàu dưới 15m) theo quy định tại Thông tư 38/2018 và 17/2018 của Bộ NN-PTNT (đã có hiệu lực 5 năm). Một số cảng cá cũng không có hoặc chậm triển khai chứng nhận an toàn thực phẩm.

VASEP cho hay, Hiệp hội đã có Công văn báo cáo kiến nghị số 39/CV-VASEP ngày 26/3/2024 gửi lãnh đạo Bộ NN-PTNT. Bộ NN-PTNT đã có các trao đổi với Hiệp hội và đang xem xét có các chỉ đạo giải quyết.

VASEP kiến nghị Bộ NN-PTNT có văn bản chỉ đạo tới các tỉnh về việc đẩy mạnh việc thực hiện tốt và đầy đủ các quy định về thẩm định - chứng nhận điều kiện an toàn thực phẩm tàu cá, cảng cá, chợ cá… (theo TT38/2018) và cam kết an toàn thực phẩm tàu cá cho tàu cá dưới 15m theo TT 17/2018. Xem xét cấp H/C cho các lô hàng đã được xác nhận khai thác S/C gặp các bất cập trên.

- Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm (H/C) của một số quốc gia đã có thỏa thuận với EC, kèm lô nguyên liệu thủy sản xuất khẩu vào Việt Nam, nếu chưa đúng và đủ các nội dung như trong mẫu H/C tại «chương 28» quy định của EC mà Bộ NN-PTNT đã ban hành tại QĐ 5523 ngày 21/12/2023, thì lô hàng sản xuất từ nguyên liệu này để xuất khẩu đi EU không được xem xét để cấp giấy H/C xuất khẩu vào EU.

Theo đó, VASEP kiến nghị xem xét giải quyết cấp H/C cho các lô hàng thành phẩm có nguyên liệu nhập khẩu trước ngày QĐ 5523 có hiệu lực.

- Nội dung giấy chứng nhận khai thác (C/C) xuất khẩu sang Nhật Bản đang có nhiều yêu cầu hơn so với yêu cầu của Nhật Bản đối với tàu cá nhỏ (dưới 12m). 

- Giấy chứng nhận khai thác (C/C) kèm lô nguyên liệu nhập khẩu vào Việt Nam, không đủ thông tin theo quy định của Bộ NN-PTNT, nên không đủ điều kiện để cấp Giấy xác nhận Cam kết (Processing Statement) khi xuất khẩu vào Nhật Bản.

Với hai vướng mắc trên, Hiệp hội kiến nghị Bộ NN-PTNT xem xét, điều chỉnh phù hợp quy định giấy C/C đối với thị trường Nhật Bản theo như quy định của Nhật Bản đối với tàu cá nhỏ (dưới 12m).

- Thời gian cấp Giấy xác nhận nguyên liệu khai thác (S/C) của các cảng cá, nhiều trường hợp, kéo dài gây ảnh hưởng lớn tới sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

VASEP kiến nghị Bộ NN-PTNT xem xét thay đổi quy định về cách tiếp cận trong việc xác nhận giấy Xác nhận Nguyên liệu S/C tại cảng cá trong quy trình xác nhận truy xuất nguồn gốc IUU hiện nay. Đó là cấp giấy S/C ngay cho chủ hàng khi chủ hàng đã hoàn thành việc bốc dỡ nguyên liệu từ tàu có sự giám sát của nhân viên cảng về chủng loại, khối lượng... tại cảng cá. Việc này là mấu chốt giải quyết nhiều bất cập, nút thắt hiện nay trong quá trình truy xuất nguồn gốc, kiểm soát IUU.

- Chưa có các quy định kiểm dịch đối với hàng thủy sản chuyển mục đích sử dụng sang tiêu thụ nội địa có nguồn gốc nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu hoặc gia công xuất khẩu.

Kiến nghị Bộ NN-PTNT xem xét bổ sung quy định kiểm dịch đối với hàng thủy sản chuyển mục đích sử dụng sang tiêu thụ nội địa có nguồn gốc nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu hoặc gia công xuất khẩu.

- Kiểm tra ADN của cừu, dê và ngựa trong bột cá sản xuất ở Việt Nam là còn bất cập và chưa tính đến yếu tố quản lý rủi ro. Theo đó, VASEP kiến nghị Bộ NN-PTNT và Cục Thú y xem xét:

Trường hợp đây là quy định chung của nước nhập khẩu: Bộ NN-PTNT xem xét có các trao đổi chính thức với các nước nhập khẩu này về tình hình thực tế tại Việt Nam không nuôi phổ biến dê, cừu, ngựa để trên cơ sở đánh giá rủi ro, đề nghị giảm chỉ tiêu kiểm ADN dê, cừu và ngựa trong bột cá.

Nếu nước nhập khẩu không quy định: Kiến nghị Bộ NN-PTNT sửa đổi quy định không kiểm tra ADN dê, cừu và ngựa trong sản phẩm bột cá để giảm chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp.

- Chi phí lãi vay của doanh nghiệp có giao dịch liên kết theo Nghị định 132/2020/NĐ-CP. Với bất cập này, VASEP kiến nghị Bộ Tài chính xem xét bãi bỏ mức khống chế chi phí lãi vay quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ của người nộp thuế (EBITDA) đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết tại Nghị định 132.

- Liên quan đến Hiệp định Thương mại VKFTA Việt Nam - Hàn Quốc, Hiệp hội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương quan tâm và chỉ đạo việc xem xét bãi bỏ hạn ngạch đối với tôm Việt Nam xuất khẩu vào Hàn Quốc trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại VKFTA tại kỳ rà soát trong năm nay 2024.

Minh Anh (T/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu