07:43 ngày 26/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Những điểm mới trong SGK Tiếng Việt lớp 1

Minh Anh (tổng hợp) | 14:35 21/01/2020

(THPL) - SGK Tiếng Việt 1 thuộc bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” của NXB Giáo dục Việt Nam tiếp thu thành quả biên soạn SGK dạy học ngôn ngữ của nhiều nước tiên tiến, kế thừa kinh nghiệm biên soạn SGK dạy tiếng Việt ở Việt Nam qua nhiều giai đoạn

Theo báo Lao động, sách tiếng Việt sẽ gồm 3 phần (Học chữ cái, Học vần và Luyện tập tổng hợp); mỗi bài chỉ học 2 chữ cái hoặc 2 vần cho vừa sức học sinh. Việc học mỗi vần đều bắt đầu từ một từ khóa chỉ những sự vật quen thuộc đối với học sinh.

Khác với SGK “Tiếng Việt 1” hiện hành, ngay từ những bài học đầu tiên SGK mới đã vận dụng những chữ và vần mà HS đã học để tạo ra các bài đọc, bài viết hấp dẫn, giúp học sinh phát triển các kĩ năng đọc, viết và không quên chữ, quên vần.

Đặc biệt, ở phần Luyện tập tổng hợp, SGK mới có thêm các giờ tự đọc sách ở lớp, ở thư viện và các hoạt động trải nghiệm dưới tên gọi “Góc sáng tạo”. Trong quá trình dạy thử nghiệm, hoạt động này được nhiều học sinh đón nhận, hứng thú khi tham gia. Đây cũng là sự thể hiện tư tưởng xuyên suốt của bộ sách là “Mang cuộc sống vào bài học – Đưa bài học vào cuộc sống”.

Những điểm mới trong SGK Tiếng Việt lớp 1 (Ảnh minh họa)

Theo báo Giáo dục thời đại, sách cũng chủ trương HS không nhất thiết phải đọc, viết thành thạo các vần ngay sau khi học xong các vần đó. Trong vòng 2 tiết của một bài học, HS đọc và viết các vần đến mức độ nào tùy thuộc vào khả năng của mỗi em. Kĩ năng đọc và viết các vần trong bài sẽ được củng cố, phát triển trong 2 tiết luyện tập tăng thêm trong mỗi tuần, trong bài ôn tập cuối tuần và được lặp đi lặp lại trong những bài học còn lại của sách.

Các kĩ năng đọc, viết, nói và nghe được kết nối và dạy học tích hợp trong một bài học. Trong sách Tiếng Việt 1 này, người đọc không tìm thấy các “phân môn” mà chỉ nhìn thấy các hoạt động giao tiếp. Cách thiết kế bài học dựa trên các “trục kĩ năng” đọc, viết, nói và nghe là một xu hướng phổ biến đối với SGK dạy học ngôn ngữ (tiếng mẹ đẻ cũng như ngoại ngữ) của các nước phát triển ngày nay, đặc biệt là Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Australia, Phần Lan, Đức, Hàn Quốc,…

Ngữ liệu bảo đảm tỉ lệ cân đối, hài hòa giữa văn bản văn học và văn bản thông tin. Các văn bản được chọn lựa kĩ lưỡng, có nội dung phù hợp với hiểu biết và trải nghiệm đã có của người học, có hình thức ngôn ngữ trong sáng, chuẩn mực và có tính thẩm mĩ cao.

Nội dung bài học được thiết kế dưới dạng các hoạt động, bắt đầu bằng các câu lệnh thể hiện yêu cầu mà người học cần phải thực hiện. Nhờ đó, HS có thể dùng sách để tự học, cha mẹ HS có thể giúp con mình học tập ở nhà, GV thuận lợi trong việc tổ chức các hoạt động dạy học.

Với cách thiết kế nội dung dạy học có tính tích hợp liên môn cao và phương pháp dạy học hiện đại, Tiếng Việt 1 không chỉ giúp HS học tiếng Việt mà còn được tìm tòi, khám phá thế giới xung quanh; trao đổi các ý tưởng, tham gia các hoạt động tương tác; có cơ hội kết nối với trải nghiệm cá nhân trong tiếp cận cái mới, phát triển cá tính lành mạnh và tư duy độc lập.

Theo yêu cầu của CT mới, Tiếng Việt 1 chú ý dành thời gian cho hoạt động đọc mở rộng. Đây là hoạt động tạo cho HS có được cơ hội tự tìm thêm sách để đọc theo sở thích của bản thân với sự hướng dẫn, hỗ trợ và kiểm tra của GV.

Sách có hình thức trình bày và tranh ảnh minh họa sinh động, hấp dẫn. HS sẽ cảm thấy thích thú với việc học tiếng Việt và từng bước khám phá những bài học viết cho các em trong sách.

Minh Anh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu