04:41 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Nhiều tỉnh bị thiệt hại nặng nề do bão số 10

| 12:28 16/09/2017

(THPL) - Đến sáng ngày 16/9, bão số 10 (hay còn gọi là bão Doksuri) làm 8 người chết, sập 33 nhà và hơn 120.000 nhà bị tốc mái, hư hỏng, hơn 6.000 nhà bị ngập, hàng nghìn ha hoa màu bị ảnh hưởng...

Thống kê từ các địa phương, đến sáng 16/9, bão số 10 đã khiến 8 người chết ở các tỉnh Thanh Hóa (1), Nghệ An (2), Quảng Bình (2), Thừa Thiên Huế (1), Hà Tĩnh (2); 28 người bị thương ở Quảng Bình và Quảng Trị.

Bão làm sập 33 nhà và hơn 120.000 nhà bị tốc mái, hư hỏng, chủ yếu ở Hà Tĩnh và Quảng Bình. Ngoài ra còn trên 6.200 nhà bị ngập ở Hải Phòng (700), Nghệ An (65), Hà Tĩnh (gần 4.000), Quảng Bình (1.500) và Quảng Trị (17), VnExpress đưa tin.

8 người chết, hơn trăm nghìn ngôi nhà bị tốc mái do bão Doksuri. Ảnh: Văn Được.

Bão đã làm đổ cột truyền hình tại thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Hàng nghìn cột điện hạ thế bị đổ gãy gây mất điện trên diện rộng tại 9 tỉnh với 1,3 triệu khách hàng.

Theo báo cáo của Tập đoàn điện lực Việt Nam, đến 5h ngày 15/9 sự cố lưới điện cơ bản được khắc phục. Riêng tỉnh Quảng Bình mới khôi phục được ở trung tâm thành phố Đồng Hới.

Do toàn bộ tàu thuyền trong khu vực ảnh hưởng đã được chỉ dẫn đến nơi trú ẩn nên thiệt hại không lớn, có 10 tàu bị chìm (Quảng Ngãi 4 tàu; Quảng Bình 6 tàu).

Cột truyền hình tại thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đổ. Ảnh: Đức Hùng.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) vừa có báo cáo nhanh về thiệt hại do bão số 10 gây ra cho các tuyến đường bộ các tỉnh miền Trung.

Đến sáng ngày 16/9, sau khi bão số 10 đi qua đã gây thiệt hại nặng nề cho các tuyến quốc lộ (QL). Theo đó, QL1 bị ngập tại KM561+600 sâu 30 cm, dài 200 m nước đã rút thông. Khu vực Cổng chào tại Km662+800 tại TP Đồng Hới (Quảng Bình) bị đổ hiện đã thông xe. Cột điện 35Kv tại Km886+400 trên đèo Phú Gia (Thừa Thiên - Huế) bị đổ đã được các đơn vị điện lực khắc phục nhanh để phục vụ phương tiện lưu thông, theo TTXVN.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu Sở GTVT các tỉnh: Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng căn cứ vào biểu đồ chạy xe của các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh có hành trình đi qua vùng ảnh hưởng bão giám sát chặt chẽ và cập nhật việc khắc phục hậu quả để đảm bảo an toàn cho hành khách và phương tiện; đồng thời, chỉ đạo các đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe, trạm dừng nghỉ tổ chức công tác hậu cần để phục vụ tốt nhất cho hành khách trong trường hợp phương tiện phải dừng lại khi đang hoạt động trên hành trình.

Về nông nghiệp, diện tích lúa mùa cơ bản được thu hoạch trước khi bão đổ bộ nên chỉ thiệt hại về hoa màu, cây ăn quả, cây công nghiệp với tổng diện tích khoảng 1.000 ha.

Ban chỉ đạo đề nghị các địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ, sạt lở đất; hướng dẫn đưa người dân đã sơ tán trở về nhà đảm bảo an toàn; xem xét tháo dỡ lệnh cấm biển để khôi phục sản xuất trở lại bình thường...

Hồng Anh (t/h)

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu