01:48 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Nhiều ngân hàng rao bán hàng loạt dự án condotel, resort để thu hồi nợ

15:54 11/08/2022

(THPL) - Trong bối cảnh các ngân hàng đẩy mạnh hoạt động thu giữ và thanh lý tài sản, hàng loạt dự án bất động sản đã được xác định là tài sản thế chấp cho các khoản nợ vay đang được mang ra bán đấu giá.

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) đang rao bán khoản nợ có tài sản bảo đảm của Công ty cổ phần Khách sạn Bến Du Thuyền để thu hồi nợ vay. Doanh nghiệp này thành lập năm 2011, có địa chỉ trụ sở ở Nha Trang (Khánh Hòa).

Hiện tại, tổng số dư tín dụng tại VietinBank của công ty Khách sạn Bến Du Thuyền đến cuối tháng 7 là hơn 540 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo của khoản nợ là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại Khu đô thị Vĩnh Hòa, TP Nha Trang.

Lô đất của Công ty Khách sạn Bến Du Thuyền đang được cầm cố tại VietinBank có diện tích gần 6.000m2, mục đích xây dựng khách sạn, căn hộ du lịch (condotel) với thời hạn sử dụng đến năm 2064. Trên khu đất này, công ty phát triển khu A của dự án "Trung tâm Bến du thuyền Hoàng Gia - Swisstouches La Luna Resort" với quy mô 38 tầng cùng một tầng hầm, tổng diện tích sàn hơn 112.000m2.

Toàn bộ động sản hình thành thuộc khu A của dự án bao gồm các máy móc, trang thiết bị, nội thất, công cụ dụng cụ, phương tiện vận tải cũng là tài sản đảm bảo cho khoản vay của chủ đầu tư tại VietinBank.

Theo thông tin từ Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), vào tháng 6/2021, Công ty Khách sạn Bến Du Thuyền tăng vốn điều lệ từ 900 tỷ đồng lên 1.250 tỷ đồng. Dự án của chủ đầu tư này từng được giới thiệu sẽ cung cấp hơn 1.900 căn hộ condotel, penthouse ra thị trường vào cuối năm 2019. Tuy nhiên, dự án La Luna Resort chậm tiến độ và đến nay vẫn chưa thể vận hành.

Theo báo Dân trí, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng rao bán một dự án lớn để thu hồi nợ. BIDV thông báo đấu giá dự án nhà máy thủy điện Tân Thượng do Công ty cổ phần Năng Lượng Tân Thượng làm chủ đầu tư, công suất thiết kế 22MW, thuộc địa phận huyện Di Linh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng.

Dự án Kenton Node (nay là Grand Sentosa) được BIDV rao bán hồi tháng 6. Ảnh: Zing.vn

Tài sản được rao bán gồm toàn bộ các hạng mục công trình trên đất thuộc dự án, toàn bộ các tòa nhà, công trình xây dựng, các tài sản khác gắn liền với đất tọa lạc trong phạm vi khu đất thực hiện dự án, hợp đồng thuê đất và các giấy tờ khác liên quan đến việc cấp đất để thực hiện dự án của cơ quan có thẩm quyền, toàn bộ máy móc, thiết bị, nội thất, đồ đạc và các động sản khác liên quan dự án.

Người tham gia đấu giá có trách nhiệm tự liên hệ với Công ty cổ phần Năng Lượng Tân Thượng, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để thực hiện các thủ tục như công nhận quyền sở hữu, tiếp tục dự án đầu tư, thuê lại đất sau khi trúng đấu giá.

BIDV ra giá khởi điểm hơn 360 tỷ đồng với tài sản này. Giá khởi điểm không bao gồm các chi phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản, lệ phí trước bạ, phí công chứng, phí đăng ký và các chi phí khác khi thực hiện mua tài sản.

Mức giá nói trên đã giảm đáng kể sau khi BIDV vẫn chưa tìm được người mua dự án thủy điện Tân Thượng sau 6 lần đấu giá trước đó. Giá khởi điểm ban đầu của tài sản này lên tới hơn 400 tỷ đồng.

Theo báo VietNamNet, các ngân hàng lớn như Vietcombank, Agribank cũng đang bán đấu giá tài sản giá trị lớn để thu hồi nợ.

Vietcombank đang rao bán khu resort Mỹ Khê (Quảng Ngãi) của Công ty cổ phần Du lịch Quảng Ngãi với giá khởi điểm hơn 30 tỷ đồng. Dự án có diện tích gần 3.700 m2, thời hạn sử dụng đất đến năm 2042. Nhà băng này cũng đang rao bán một số bất động sản tại Đà Lạt, TPHCM để xử lý nợ với giá hàng chục tỷ đồng.

Tương tự, Agribank thông báo đấu giá lô đất diện tích hơn 3.000 m2 tại quận Bình Thạnh, TPHCM - là tài sản đảm bảo khoản vay của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Xuất nhập khẩu quốc tế Thái Dương với giá khởi điểm lên tới 165 tỷ đồng.

Thanh Mai (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu