15:51 ngày 18/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Nhiều giải pháp thúc đẩy cho vay cuối năm đã được các ngân hàng triển khai

12:11 26/10/2023

(THPL) – Theo Ngân hàng Nhà nước cho biết, những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường vừa qua đã bắt đầu phát huy tác dụng. Những khó khăn về mặt pháp lý của các dự án bất động sản đã dần được tháo gỡ, góp phần tăng khả năng tiếp cận tín dụng của chủ đầu tư dự án.

Theo thông tin của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà, trong 9 tháng năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức nhiều hội nghị, cuộc họp với các bộ, ngành, hiệp hội; Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 12 hội nghị, cuộc họp bàn, ban hành 11 văn bản chỉ đạo về các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng đối với một số đối tượng, ngành, lĩnh vực, về vấn đề lãi suất, phí dịch vụ ngân hàng.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng tổ chức các hội thảo khoa học tìm cách tăng khả năng hấp thụ vốn tín dụng; đáng chú ý, tại các địa phương đã có 63 hội nghị kết nối ngân hàng-doanh nghiệp để lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp, người dân, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, nhất là khó khăn trong tiếp cận tín dụng.

Với những giải pháp quyết liệt như vậy, tăng trưởng tín dụng chung toàn quốc đã có tín hiệu khởi sắc. Tính đến ngày 29/9, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,749 triệu tỷ đồng, tăng 6,92%. Đây là mức tăng đáng kể so với công bố trước đó một tuần, ngày 21/9 (5,91%).

Nhiều giải pháp thúc đẩy cho vay cuối năm đã được các ngân hàng triển khai. Ảnh minh hoạ

Theo Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà, mặc dù tín dụng vẫn tăng trưởng chậm hơn đáng kể so với năm 2022 và cùng kỳ các năm trước, nhưng đã có những điểm tích cực, tín dụng đã có xu hướng tăng nhanh trong giai đoạn gần đây.

Đơn cử như với gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho vay lâm sản, thủy sản, đến nay sau khoảng 3 tháng triển khai, doanh số giải ngân đạt gần 7.000 tỷ đồng, tương đương một nửa số tiền cam kết. Nhiều ngân hàng cho biết, sẵn sàng mở rộng hạn mức cho các chương trình ưu đãi nếu các doanh nghiệp có nhu cầu. Không chỉ với lâm thủy sản, các lĩnh vực khác có tiềm năng cũng được ngân hàng dồn nguồn vốn hỗ trợ.

Mỗi nhóm doanh nghiệp có một đặc thù khác nhau, nhu cầu vốn khác nhau, nên nhiều ngân hàng đưa ra các ưu đãi cho từng nhóm ngành. Đơn cử, với những doanh nghiệp cần thu mua nông sản, ngân hàng có gói hỗ trợ riêng cho kịp mùa vụ.

Liên quan đến các nhóm doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn, ông Đào Đức Hùng - Phó Giám đốc Ngân hàng BIDV, chi nhánh Đắk Lắk cho biết: "Tập trung vào các doanh nghiệp thu mua tư nhân trên địa bàn, tại các đầu mối thu mua. Đáp ứng nhu cầu tối đa của các khách hàng trong các mùa vụ hàng năm. Lãi suất cho các doanh nghiệp thu mua thương mại như cà phê và xuất khẩu cũng thấp hơn vì thời gian vay họ ngắn hơn".

Với Ngân hàng SHB, từ nay tới cuối năm quyết định dành 6.000 tỷ đồng, tập trung cho vay sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy tiêu dùng, mức lãi suất chỉ từ 6,97%/năm.

Bên cạnh nỗ lực từ phía ngân hàng, các chuyên gia cho rằng, cần những chính sách hỗ trợ đồng bộ khác để kích cầu tiêu dùng, tạo đà khôi phục sản xuất kinh doanh. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% trong năm nay, ước tính sẽ có khoảng hơn 800.000 tỷ đồng vốn cần được cho vay ra trong quý cuối năm. Vì thế, các giải pháp khơi thông nguồn vốn cần được thực hiện kịp thời.

Theo Tiến sĩ Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết: Thông qua nhiều giải pháp, chúng tôi rất kỳ vọng tín dụng sẽ tăng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thúc đẩy nền kinh tế. Hy vọng trong ba tháng cuối năm, tín dụng theo thông lệ sẽ tăng nhanh. Tuy nhiên, việc tiếp cận tín dụng cần nhìn nhận từ hai phía, ngân hàng và doanh nghiệp.

Theo đó, ngành ngân hàng đã và sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp quyết liệt; đồng thời cần sự tiếp tục đồng hành của các bộ, ngành, địa phương và thông qua các giải pháp đồng bộ tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vươn lên trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn.

Tại chỉ đạo gần đây, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, đơn giản hóa các thủ tục, điều kiện cho vay, để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay, nhất là các gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội và 15.000 tỷ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản. Qua đó, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp cùng vượt qua khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.

Tú Anh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu