01:19 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Nhiều doanh nghiệp bất động sản kiến nghị NHNN tiếp tục hạ lãi suất cho vay

15:41 13/11/2023

(THPL) - Tại Hội nghị tín dụng đối với bất động sản và phát triển nhà ở xã hội sáng 13/11, nhiều doanh nghiệp bất động sản đề xuất tiếp tục hạ lãi suất, nới lỏng quy định giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực, vượt qua giai đoạn khó khăn.

Sáng 13/11, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị tín dụng đối với bất động sản và phát triển nhà ở xã hội. 

Tại hội nghị, ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vinhomes thông tin, đến nay doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi và các khoản vay cũ vẫn phải chịu lãi suất cao. “Đặc biệt, việc giới hạn room tín dụng dẫn đến các ngân hàng cân nhắc, lựa chọn khách hàng khi cho vay, vẫn cho vay với lãi suất cao làm mặt bằng chung lãi suất thực tế chưa giảm nhiều như kỳ vọng”, ông Hoa nói.

Còn theo ông Lâm Hoàng Đăng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú (Văn Phú - Invest) - đề nghị nới lỏng các quy định cho người mua nhà. Ông Đăng nêu ví dụ dự án nhà ở công nhân của Văn Phú - Invest tại Bắc Ninh đang gặp khó khăn ở khâu bán hàng. “Theo quy định hiện hành, đối tượng được hưởng hỗ trợ về nhà ở công nhân gồm có 10 đối tượng. Chúng tôi đề xuất mở rộng tập đối tượng này giúp kích cầu hơn cho cả dự án và cho cả các công nhân có cơ hội mua được nhà", ông Đăng nói.

Vẫn theo ông Đăng, quy định hiện hành còn nhiều điều kiện ràng buộc gây khó khăn cho việc tiếp cận ưu đãi vay mua nhà ở công nhân. Do đó, ông Đăng kiến nghị xem xét điều chỉnh cho phép điều chỉnh quy định được vay vốn của công nhân mua nhà ở xã hội, chỉ cần công nhân có thu nhập thường xuyên sau các khoản thuế là dưới 10 triệu đồng/tháng.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản kiến nghị NHNN tiếp tục hạ lãi suất cho vay. Ảnh minh hoạ

Ngoài ra, về quy định tỷ lệ vốn tự có (30%) khi vay vốn ngân hàng của doanh nghiệp, ông Đăng đề xuất giảm chỉ số này xuống dưới 30% trong giai đoạn khó khăn này để giảm thiểu áp lực cho doanh nghiệp. “Khi khó khăn, doanh nghiệp buộc phải chi vốn tự có của mình để vượt qua khó khăn, đương nhiên là lượng tiền tiêu hao. Nếu vẫn phải cố gắng duy trì tỷ lệ 30% vốn này để vay ngân hàng thì doanh nghiệp sẽ áp lực rất lớn”.

Tương tự, đại diện Novaland cũng cho biết Tập đoàn đang gặp khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai các dự án và tiếp cận vốn tín dụng. Doanh nghiệp này đề nghị Thủ tưởng Chính phủ chỉ đạo sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 44/2014/NĐ-CP nhằm có phương án cuối cùng trong quản lý sử dụng đất; tính tiền sử dụng đất tại các dự án của Novaland và các dự án đang ách tắc trên cả nước. Đồng thời Novaland mong muốn có chính sách giảm thuế và giãn thuế TNDN cho các doanh nghiệp bất động sản để tháo gỡ khó khăn và tập trung ổn định kinh doanh trong 3 năm (2022, 2023 và 2024).

Ngoài ra, đại diện Novaland cũng đề nghị NHNN và Chính phủ đồng lòng hỗ trợ trong việc cơ cấu khoản vay và giảm lãi suất cho những dự án sẽ triển khai trong 2 năm tới (năm 2024 và 2025) để giãn dòng thanh toán cho doanh nghiệp…

Nói về vấn đề lãi suất, Phó Tổng Giám đốc Techcombank Phùng Quang Hưng cho biết lãi vay mua nhà đã giảm khoảng 3% từ đầu năm, có thể chỉ khoảng 7-8%, tùy sản phẩm. Đối với cho vay doanh nghiệp BĐS, lãi suất cơ bản giảm từ 2 – 2,5%. Thậm chí, ngay cả trước khi NHNN yêu cầu Techcombank đã tiến hành giảm lãi suất cho khách hàng. Tuy nhiên, trong hoạt động ngân hàng, việc huy động để cho vay trung dài hạn có chi phí rất cao. Đồng thời, cũng có những quy định như tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn đã giảm xuống 30% để bảo sự phát triển lành mạnh của ngành ngân hàng.

Cũng phản hồi về ý kiến lãi suất cho vay lĩnh vực BĐS vẫn còn cao, ông Nguyễn Thanh Tùng - Tổng Giám đốc Vietcombank cho hay, lãi vay phụ thuộc vào năng lực tài chính của mỗi ngân hàng nhưng mặt bằng chung của hệ thống ngân hàng đã giảm rất mạnh.

Theo ông Tùng, các ngân hàng đều giảm lãi suất cho vay, song việc giảm đến đâu còn phụ thuộc vào cơ cấu nguồn vốn của ngân hàng, nếu cơ cấu nguồn vốn giá cao thì phải cho vay lãi suất cao. Bên cạnh đó, các ngân hàng có nợ xấu cao, phải trích lập dự phòng lớn thì giá vốn cũng bị đẩy lên cao, dẫn tới lãi suất cho vay cao hơn.

Còn theo ông Lê Ngọc Lâm - Tổng Giám đốc BIDV cho biết, các ngân hàng đều cam kết đã giảm đáng kể lãi suất cho vay ngắn, trung và dài hạn so với giai đoạn trước. Đơn cử như BIDV, lãi suất cho vay trung dài hạn sẽ đánh giá lại theo định kỳ 3 tháng và 6 tháng tương ứng với mức điều chỉnh giảm của lãi suất huy động.

Trong khi đó, Ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng giám đốc VPBank cho rằng, 70-80% khó khăn của thị trường này không nằm ở lãi suất ngân hàng mà là các quy định, chính sách của Nhà nước: pháp lý, quá trình thực thi. "Giải quyết vấn đề bất động sản chủ yếu phải ở cơ quan Nhà nước", ông Vinh nói.

Tuấn Kiệt (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu