03:11 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Nhận thế chấp dự án Legacy Hill Hòa Bình, ngân hàng NCB có vi phạm Luật Các tổ chức tín dụng?

HUÊ MINH | 10:04 11/07/2021

(THPL) - Hàng trăm tỷ được Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) giải ngân vượt tổng số vốn được phép huy động tại Dự án Legacy Hill Hòa Bình.

Hồ sơ pháp lý có “chất lượng” xấu?

Dự án KĐT Sinh thái và Dịch vụ Cửu Long (hay còn gọi là Dự án Legacy Hill Hòa Bình) được UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 tại Quyết định số 1160/QĐ-UBND ngày 26/5/2008, chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư Sông Đà Toàn Cầu.

Năm 2011, dự án được điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 tại Quyết định số 1038/QĐ-UBND, lúc này chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư xây lắp dầu khí Hòa Bình.

Công ty Hasky Hòa Bình chứng minh dòng tiền tự có cho dự án thế nào, được tỉnh Hòa Bình thẩm định ra sao?

Năm 2017, Thanh tra Chính phủ đã có Thông báo số 1304/TB-TTCP về công tác quản lý sử dụng đất, quản lý đầu tư xây dựng tại tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2004 đến 2014. Trong đó đã chỉ rõ những sai phạm về Dự án KĐT Sinh thái và Dịch vụ Cửu Long do Công ty cổ phần Đầu tư xây lắp dầu khí Hòa Bình làm chủ đầu tư, làm thất thoát hàng trăm tỷ đồng ngân sách Nhà nước.

Cụ thể, Sở Tài chính Hòa Bình đã trình UBND tỉnh phê duyệt tiền sử dụng đất phải nộp khi giao đất cho chủ đầu tư tại Quyết định số 2542/QĐ - UBND ngày 23/12/2011, theo phương pháp thặng dư. Trong đó, số tiền lãi vay xác định không đúng theo quy định tại Thông tư số 145/2007/TT - BTC ngày 6/12/2007 của Bộ Tài chính, làm cho tổng chi phí đầu tư phát triển tăng, dẫn đến tiền sử dụng đất phải nộp giảm 101 tỷ đồng, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước.

Thanh tra Chính phủ đề nghị thu hồi dự án do chậm tiến độ nhiều năm, chưa thực hiện nghĩa vụ với nhà nước và không có khả năng thực hiện.

Tuy nhiên, đến ngày 23/9/2019, Thanh tra Chính phủ ra công văn số 1665/TTCP-C.I chấp thuận về nguyên tắc đề nghị của UBND tỉnh Hòa Bình và Công ty TNHH MTV Bất động sản Hasky Hòa Bình (Công ty Hasky Hòa Bình) – Tập đoàn An Thịnh về việc tiếp tục thực hiện dự án.

Theo đó, Thanh tra Chính phủ giao UBND tỉnh Hòa Bình thực hiện thẩm tra, thẩm định lại Dự án đầu tư, năng lực thực hiện dự án của Công ty Hasky Hòa Bình, đảm bảo thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính và tiến độ, nếu được thực hiện theo quy định của pháp luật thì quyết định cho phép tiếp tục thực hiện và chịu trách nhiệm về quyết định này trước Thủ tướng Chính phủ.

Đúng 15 ngày sau, ngày 7/10/2019, UBND tỉnh Hòa Bình có Quyết định chủ trương đầu tư số 70/QĐ- UBND, chấp thuận cho Công ty Hasky Hòa Bình thực hiện đầu tư Dự án Hạ tầng KĐT sinh thái và Dịch vụ Cửu Long. Theo Quyết định này, tổng mức đầu tư là 288.621.391.000 đồng (trong đó vốn chủ đầu tư chứng minh có 63.000.000.000 đồng, chiếm 22%, còn lại là vốn vay, vốn huy động khác).

Liệu NCB có vi phạm Luật Các tổ chức tín dụng?

Như đã nêu, theo Quyết định chủ trương đầu tư số 70/QĐ- UBND, tổng mức đầu tư là 288.621.391.000 đồng (trong đó vốn chủ đầu tư chứng minh có 63.000.000.000 đồng, chiếm 22%, còn lại là vốn vay, vốn huy động khác).

Tổng mức đầu tư là 288.621.391.000 đồng nhưng NCB đã giải ngân vượt quá số tiền trên

Còn theo ghi nhận, ngày 8/11/2019 Công ty Hasky Hòa Bình có Hợp đồng tín dụng số 217.01/19/HĐTC-9215 với NCB. Theo Hợp đồng, hạn mức NCB cho vay là 450 tỷ đồng và thực tế NCB đã giải ngân 2 đợt, tổng số tiền đã giải ngân là 326,7 tỷ đồng. Như vậy, NCB đã giải ngân vượt hơn so với tổng mức đầu tư của Dự án?!

Mặt khác, theo phần mô tả tài sản đảm bảo của hợp đồng tín dụng số 217.01/19/HĐTC-9215  ngày 27/11/2019 cũng nêu: Là toàn bộ các khoản lợi, lợi ích thu được từ việc kinh doanh, khai thác Dự án “Dự án hạ tầng KĐT Sinh thái và Dịch vụ Cửu Long” theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 25121000148 chứng nhận lần đầu ngày 13/04/2009; Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh ngày 19/10/2010.  

Tuy nhiên, tại thời điểm này, Quyết định số 70/QĐ- UBND có hiệu lực trước khi NCB và Công ty Hasky Hòa Bình đặt bút ký gần 2 tháng nhưng lại không được mô tả trong hồ sơ pháp lý Dự án dùng để thế chấp?!

Thêm nữa, ngày 20/3/2020, Dự án được cấp giấy phép xây dựng giai đoạn 1. Nhưng, trước đó, ngày 8/11/2019 Công ty Hasky Hòa Bình đã có Hợp đồng tín dụng số 217.01/19/HĐTC-9215 với NCB. Ngay sau đó, NCB  đã giải ngân cho Công ty Hasky Hòa Bình số tiền 126,78 tỷ đồng.

Về tài sản đảm bảo được mô tả như sau: Các khoản phải thu, các khoản phí mà chủ đầu tư thu được trong quá trình đầu tư, kinh doanh, phát triển dự án; Các khoản lợi tức thu được từ việc kinh doanh, khai thác giá trị quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất thuộc dự án; Các quyền tài sản là quyền đòi nợ, quyền yêu cầu thành toán, quyền được yêu cầu thanh toán, quyền được bồi thường thiệt hại, quyền thụ hưởng bảo hiểm phát sinh từ hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, hợp đồng cho thuê, hợp đồng cho thuê mua công trình xây dựng giữa tổ chức, cá nhân với Chủ đầu tư.

Như vậy, tại thời điểm ký hợp đồng tín dụng, Dự án chưa được cấp phép xây dựng, đồng nghĩa, chưa triển khai bất cứ hoạt động nào liên quan đến sử dụng vốn như phần mô tả sản tài sản đảm bảo đã nêu. Không biết, Công ty Hasky Hòa Bình chứng minh mục đích sử dụng vốn giai đoạn này như thế nào, nhưng thực tế đã được NCB dễ dàng chấp thuận giải ngân hàng trăm tỷ đồng như trên?!

Thương hiệu và pháp luật sẽ tiếp tục cập nhật và thông tin về nội dung này.

Được biết, với hạn mức lên tới 450 tỷ thuộc hợp đồng được NCB phê duyệt tín dụng tập chung. Như vậy, sẽ khó có thể xảy ra “lỗi cơ bản” như trên.

Không chỉ thế chấp toàn bộ dự án Legacy Hill Hòa Bình, ngày 27/11/2019 Tập đoàn An thịnh có Hợp đồng tín dụng số 217.02/HĐTC-9215 với Ngân hàng TMCP Quốc Dân. Theo đó Tập đoàn An Thịnh thế chấp toàn bộ phần vốn góp bằng tiền Việt Nam đồng trị giá 120.000.000.000 VNĐ của Tập đoàn An Thịnh, chiếm 100% vốn điều lệ tại Công ty TNHH MTV Bất động sản Hasky Hòa Bình.

HUÊ MINH

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu