02:29 ngày 20/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam: Chi thù lao không làm ảnh hưởng đến việc chọn sách?

08:02 14/01/2020

(THPL) - Từ năm 2015 đến nay, số tiền Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chi thù lao cho Ban chỉ đạo tổ chức biên soạn bộ sách giáo khoa (SGK) miền Nam với phần lớn các thành viên là cán bộ Sở GD&ĐT TPHCM đã lên tới gần 3 tỷ đồng. Câu hỏi liệu có sự thiếu khách quan trong việc lựa chọn SGK sử dụng cho năm học 2020-2021, sau nhiều giải trình, tranh cãi, vẫn chưa có câu trả lời.

Văn bản số 456/NXBGDVN của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Hợp tác với Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM do ông Ngô Trần Ái ký.

Cuối tháng 11/2019 vừa qua, Bộ GD&ĐT đã chính thức công bố danh mục 32 tên SGK lớp 1 biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 được phép sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông từ năm học 2020-2021 để các trường lựa chọn cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Bộ GD&ĐT cũng đã công bố dự thảo Thông tư về việc lựa chọn SGK để lấy ý kiến nhân dân.

Theo đó, việc lựa chọn SGK thuộc thẩm quyền của cơ sở giáo dục phổ thông. Mỗi cơ sở sẽ thành lập một Hội đồng chọn SGK có sự tham gia các chuyên gia, giáo sư, nhà sư phạm, giáo viên và cả học sinh trong công tác chọn lựa. SGK được lựa chọn dựa trên ý kiến, đánh giá của các thành viên Hội đồng, căn cứ vào những tiêu chí quy định về chất lượng, mức độ phù hợp, ưu và khuyết điểm.

Quay trở lại vấn đề của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (gọi tắt là NXBGDVN), từ năm 2015 đến nay đã chi thù lao cho Ban chỉ đạo biên soạn bộ SGK miền Nam với đa số thành viên thuộc Sở GD&ĐT TPHCM với số tiền gần 3 tỷ đồng. Cụ thể, Quyết định số 778/QĐ-NXBGDVN ngày 29/9/2015 của NXBGDVN cho phép chi thù lao cho thành viên Ban chỉ đạo biên soạn bộ SGK miền Nam, theo đó Giám đốc, Phó giám đốc và các trưởng phó phòng chuyên môn, chuyên viên của Sở GD&ĐT TPHCM (sau này có thêm các thành viên trong Ban chỉ đạo biên soạn) sẽ được nhận khoản thù lao hàng tháng từ 3,5 triệu đến 6 triệu đồng, tùy chức vụ. Quyết định do Chủ tịch Hội đồng thành viên NXBGDVN ký, nguồn kinh phí được lấy từ Quỹ đầu tư của NXBGDVN.

Biên bản cuộc họp giữa Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam với Ban lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh

Vậy khi một bên là doanh nghiệp trả thù lao – NXBGDVN, và một bên là lãnh đạo Sở GD&ĐT TP.HCM, nhóm cán bộ chủ yếu trong Ban chỉ đạo biên soạn SGK - bắt tay biên soạn sách, thì việc lựa chọn SGK, cụ thể là bộ Chân trời sáng tạo, liệu có đúng là thiếu khách quan như dư luận xã hội đặt ra?

Trước vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng biên tập NXBGDVN cho rằng: Thù lao này là khoản thụ hưởng hợp pháp của các cán bộ theo quyết định đã được phê duyệt. Trong khi đó, việc lựa chọn SGK mới năm học 2020 – 2021 do các cơ sở giáo dục lựa chọn dựa trên rất nhiều tiêu chí, tiêu chuẩn và theo một quy trình thống nhất, cụ thể. Đây là hai việc hoàn toàn tách bạch và không nên hiểu sai lệch giữa chế độ và trách nhiệm.

Cụ thể, theo ông Tùng, thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, NXBGDVN đã chuẩn bị về nhiều mặt để tổ chức biên soạn SGK mới. Theo đó, NXBGDVN xây dựng và triển khai đề tài nghiên cứu khoa học xuất bản một bộ SGK mới theo Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, Chương trình hành động của Chính phủ và Đề án đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và SGK của Bộ GD&ĐT.

Các nội dung hợp tác này đã được cụ thể hóa tại Biên bản ghi nhớ kết quả cuộc họp giữa ban lãnh đạo NXBGDVN với ban lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM về việc liên kết xuất bản một bộ SGK mới.

Ban chỉ đạo xuất bản bộ SGK mới đóng góp công sức như thế nào?

Theo như Biên bản ghi nhớ kết quả cuộc họp giữa ban lãnh đạo NXBGDVN với ban lãnh đạo Sở GD-ĐT TP HCM đã lập ra Ban chỉ đạo chung, và bước đầu tập hợp nhiều cá nhân là những cán bộ, chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, trong đó có ông Vũ Văn Hùng, Tổng Giám đốc - Tổng biên tập NXBGDVN; ông Phan Xuân Khánh - Phó Tổng biên tập NXBGDVN; bà Trần Thị Kim Nhung - Quyền Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Xuất bản Giáo dục Gia Định; ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM; ông Nguyễn Quang Vinh - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học Sở GD&ĐT TPHCM…

Ban chỉ đạo đã định hướng – tư vấn chuyên môn, tập hợp đội ngũ, giới thiệu lựa chọn tác giả biên soạn, phối hợp tổ chức các hoạt động tập huấn, đào tạo, hội thảo… cho đội ngũ tác giả; phản biện, góp ý, chỉnh sửa nội dung các bản thảo; hỗ trợ triển khai thực nghiệm SGK mới.

 “Bộ SGK Chân trời sáng tạo ra đời và được phê duyệt là sự góp sức của nhiều tác giả, chủ biên, chuyên gia… Các thành viên Ban chỉ đạo đã đảm nhiệm nhiều công việc khác nhau, mức độ tính chất khác nhau, trong thời gian tương đối dài. Việc trả thù lao là việc làm cần thiết và đúng luật. Nên có đánh giá đúng mực và khách quan trong vấn đề chi trả và trách nhiệm. Chất lượng bộ SGK chính là thước đo quan trọng nhất”, ông Tùng nhấn mạnh.

Và cũng theo như Biên bản ghi nhớ kết quả cuộc họp giữa ban lãnh đạo NXBGDVN với ban lãnh đạo Sở GD-ĐT TP HCM thì đại diện cho NXBGDVN là Chủ tịch Hội đồng thành viên là ông Ngô Trần Ái đã ký văn bản trên. 

Và trước những "lình xình" xung quanh việc chi trả thù lao cho lãnh đạo Sở GD-ĐT TP HCM với việc lựa chọn sách giáo khoa cụ thể ra sao sẽ được Thương hiệu và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.

THANH THƯ

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu