04:20 ngày 09/05/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Nguyên nhân mưa lớn gây ngập kỷ lục ở Hà Nội ngày 29/5

16:13 30/05/2022

(THPL) - Sáng ngày 30/5, bên hành lang kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà đã có những chia sẻ về hiện tượng ngập úng sau cơn mưa lớn ở Hà Nội vào chiều 29/5 và các vấn đề liên quan đến sự bất thường của thời tiết cũng như những giải pháp đối phó.

Theo báo Người lao động, trước đó vào chiều 29/5, Hà Nội mưa lớn kéo dài từ 14h đến 16h, gây ngập lụt sâu nhiều tuyến phố. Theo kết quả quan trắc, khu vực mưa lớn nhất là Cầu Giấy với vũ lượng lên tới 180 mm. Một số quận nội thành khác mưa phổ biến 90-110 mm.

Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, do ảnh hưởng của rãnh thấp có trục ở khoảng 22-25 độ bị nén nên ngày 29/5, nhiệt độ ở Bắc bộ và Trung bộ có xu hướng tăng lên 1-2 độ C. Chiều cùng ngày, hiện tượng mưa dông nhiệt xuất hiện sớm ở các tỉnh Sơn La, Hòa Bình và nam đồng bằng Bắc Bộ sau đó dịch chuyển đến khu vực Hà Nội gây mưa lớn trong khoảng 2 giờ.

Với lượng mưa 140 mm, trạm Láng ghi nhận kỷ lục về lượng mưa tích lũy theo ngày trong vòng 36 năm qua. Lần gần nhất, khu vực ghi nhận mưa 132 mm trong vòng 2 giờ là ngày 18/6/1986. Như vậy, trận mưa chiều 29/5 là một trong những kỷ lục mưa dông được thiết lập ở Hà Nội trong vòng 36 năm qua.

Theo số liệu của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, lượng mưa lớn nhất ghi nhận chiều 29/5 ở Cầu Giấy với cường độ 182,5 mm. Hàng loạt các điểm đo khác cũng ghi nhận lượng mưa rất lớn như Tây Hồ (160,5 mm), Nam Từ Liêm (130 mm), Hoàng Mai (139,6 mm), Thanh Xuân (111 mm), Thanh Trì (123,8 mm), Ba Đình (114,8 mm), Hai Bà Trưng (105,1 mm)…

Hà Nội ngập úng tại nhiều tuyến phố. Ảnh: Internet

Liên quan đến ngập úng sau mưa lớn, báo Tổ quốc đưa tin, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, thời tiết hiện nay có biến đổi bất thường, với sự nóng lên toàn cầu chúng ta đều đã thấy. Không phải chỉ Việt Nam mà ở các nước có hạ tầng phát triển như Mỹ, Châu Âu khi có hiện tượng thời tiết bất thường, mưa lớn tập trung vào một thời điểm thì "không có hạ tầng nào có thể chịu đựng được".

"Chỉ có điều, chúng ta cần phân biệt vấn đề dị thường của thời tiết, mưa lớn cực đoan với vấn đề đầu tư hạ tầng thiếu đồng bộ, thiếu tầm nhìn, thiếu dự báo. Đây là 2 vấn đề nhưng nguy cơ khiến các vùng đô thị ngập lụt là như nhau", ông Trần Hồng Hà nói.

Về câu chuyện Hà Nội "cứ mưa là ngập" mà mãi chưa thể khắc phục, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, cần phải nhìn lại toàn bộ quy hoạch hạ tầng các đô thị và vấn đề thiết kế các đô thị hiện nay.

Mỗi một đô thị mang những đặc trưng riêng về địa hình, nên quan trọng nhất phải có hệ thống dự báo được tính cực đoan của khí hậu và thời tiết. "Hệ thống này cũng phải dự báo được số lượng dân cư ở các đô thị; hệ thống này như huyết mạch trong cơ thể con người. Có như vậy mới giải quyết được vấn đề ngập úng ở vùng lõi đô thị. Câu chuyện dự báo này không chỉ mang tầm nhìn ngắn hạn, mà mang tầm nhìn dài hạn, từ 20-50 năm"- Bộ trưởng nêu.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, chúng ta hoàn toàn có thể dự báo trước được hiện tượng ngập úng để cảnh báo cho người dân. Về lưu lượng mưa trong một đơn vị thời gian thì chúng ta có thể tính toán được trên mỗi m2 sẽ có lượng nước thế nào. Nếu chúng ta làm tiếp bài toán trên mô hình về khả năng công suất của hệ thống tiêu thoát nước, chúng ta hoàn toàn có thể tính toán được về mức độ ngập.

Còn khi dự báo lũ còn phải tính đến lưu vực sông, cộng với lượng mưa, khả năng thoát lũ của hạ tầng thì hoàn toàn có thể đưa ra dự báo.

Cùng với việc tính toán được hệ thống dân cư và mật độ về hạ tầng, thì hệ thống xử lý nước mưa, xử lý nước thải cũng phải đồng bộ. Trong quá trình đô thị phát triển, thay đổi, ta phải có tầm nhìn để làm từng khu vực tự nhiên thoát được nước, còn nếu không tự nhiên thoát được nước, phải sử dụng máy móc, nhưng nên hạn chế. Và trong trường hợp thời tiết cực đoan, phải tính toán đến sử dụng cả hệ thống trữ nước.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng phải xây dựng được những đô thị thông minh có khả năng chống chịu mưa lũ, đảm bảo được tính bền vững. Cần có dự án tiếp cận một cách tổng thể xuất phát từ dự báo, quy hoạch, tính toán để làm hạ tầng có khả năng chống chịu, thích ứng, phù hợp.

Đồng thời, kết hợp áp dụng các giải pháp mang tính chủ động, ví dụ các khu vực khi lũ lụt lên thì có khu vực để chứa nước, tạo ra một hệ thống hạ tầng chứa nước ở những khu ngập lụt lớn; quan trọng nhất là trong thiết kế tổng thể.

Phương Linh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu