02:51 ngày 26/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Người tiêu dùng Việt Nam kêu gọi tẩy chay thương hiệu thời trang H&M

18:37 03/04/2021

(THPL) – Cộng đồng người tiêu dùng Việt Nam tỏ thái độ phẫn nộ, kêu gọi tẩy chay thương hiệu thời trang H&M sau thông tin hãng thời trang này liên quan tới “bản đồ có vấn đề”.

Báo Dân Việt đưa tin, trên các trang mạng xã hội Facebook, Instagram, cộng đồng mạng Việt Nam đang đồng loạt kêu gọi tẩy chay thương hiệu thời trang H&M sau thông tin hãng thời trang này thay đổi bản đồ online và có sự xuất hiện của "đường lưỡi bò".

Trên fanpage chính thức của H&M Việt Nam, dưới mỗi bài đăng của thương hiệu này là hàng chục nghìn lượt "phẫn nộ" và bình luận phản đối trước động thái mới nhất của H&M liên quan việc thay đổi bản đồ online, có sự xuất hiện của "đường lưỡi bò" phi pháp ở biển Đông mà Việt Nam bác bỏ.

Cộng đồng mạng phẫn nộ , phản đối H&M

Ngoài phẫn nộ, cộng đồng mạng cũng đồng loạt kêu gọi tẩy chay H&M, tẩy chay các sản phẩm của H&M tại Việt Nam.

Dưới bài viết có nội dung "Cùng H&M tiếp tục hành trình hướng đến thời trang bền vững tại Việt Nam" đăng ngày 29/3, tính đến trưa 3/4, có tổng cộng 60.000 lượt phẫn nộ cùng hàng chục nghìn bình luận phản đối bản đồ online có "đường lưỡi bò" của H&M.

"Một thương hiệu lớn nhưng không biết phân biệt phải trái, đúng sai. Nếu không đính chính lại thông tin xin mời rời khỏi Việt Nam, đừng kinh doanh trên một đất nước mà bạn không tôn trọng chủ quyền", tài khoản Tuan Phi Luong bình luận.

Tài khoản Phạm Tuấn Dũng khẳng định: "Quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa là máu thịt của Việt Nam, một tấc đất cũng không thể thiếu".

Không chỉ phẫn nộ trên mạng xã hội, nhiều người còn rất bức xúc và kêu gọi bạn bè tẩy chay thương hiệu này vì kinh doanh tại Việt Nam nhưng lại không tôn trọng chủ quyền của Việt Nam.

Hàng loạt người yêu cầu H&M phải giải trình về vấn đề này và khẳng định: "Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam".

Cộng đồng mạng Việt Nam phẫn nộ, kêu gọi tẩy chay H&M. Ảnh chụp màn hình.

Làn sóng cộng đồng mạng phẫn nộ và đòi tẩy chay H&M vẫn chưa dừng lại.

Nguyên nhân do theo thông báo hôm 2/4, chính quyền TP Thượng Hải (Trung Quốc) cho biết các thương hiệu thời trang và du lịch bị gây áp lực phải thay đổi "cách mô tả Đài Loan và các khu vực nhạy cảm khác trên trang web của họ".

Theo báo Vietnamnet, trước đó, báo chí quốc tế đưa tin, nhà chức trách Trung Quốc cho biết thương hiệu thời trang H&M (Thuỵ Điển) đã đồng ý thay đổi “bản đồ có vấn đề” trên mạng sau khi bị Bắc Kinh chỉ trích.

Theo AP, chính quyền Thượng Hải nói rằng người dùng mạng internet đã báo cáo về "bản đồ có vấn đề" trên trang web của H&M. Vì vậy, Sở Quy hoạch và Tài nguyên Thượng Hải yêu cầu công ty Thuỵ Điển nhanh chóng sửa chữa bản đồ đó. Sau khi được triệu tập, H&M "đồng ý với yêu cầu của nhà chức trách Trung Quốc".

H&M đang nỗ lực nhằm xoa dịu cơn giận dữ của người Trung Quốc và khẳng định những cam kết của họ với quốc gia này dường như đều thất bại.

Những năm qua, H&M khốn đốn ở thị trường thế giới nhưng vào Việt Nam khá thuận lợi.

Theo Doanh nghiệp & Tiếp thị, mặc dù vào Việt Nam khá thuận lợi, nhưng những năm qua H&M lại khốn đốn ở thị trường thế giới. Vào Việt Nam từ tháng 9/2017, doanh thu của H&M trong năm này là 227 tỷ đồng, lợi nhuận gộp 152 tỷ đồng tương đương biên lợi nhuận gộp lên tới 67%. Tuy nhiên, lợi nhuận trước và sau thuế của H&M chỉ là 13 tỷ đồng và 10 tỷ đồng cho thấy chi phí bán hàng và chi phí quản lý chiếm tỷ trọng rất lớn.

Sang năm 2018, doanh thu H&M tăng gấp 3 lần, lên 763 tỷ đồng và năm 2019 tăng tiếp lên 1.116 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của hai năm này tăng so với 2017 nhưng cũng ở mức rất thấp, là 11 tỷ đồng và 57 tỷ đồng trong bối cảnh tỷ suất lợi nhuận gộp ổn định ở mức 65-66%.

Tính đến thời điểm hiện tại, H&M đang có 12 cửa hàng tại Việt Nam, gồm 5 cửa hàng ở Hà Nội, 4 cửa hàng ở TPHCM và 3 cửa hàng ở Cần Thơ, Đà Nẵng và Hạ Long.

Minh Khuê (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu