18:16 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Nghị quyết của Bộ Chính trị: Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

22:23 18/01/2017

(THPL) - Nghị quyết của Bộ Chính trị nêu mục tiêu, đến năm 2020, Việt Nam sẽ thu hút được 17 - 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế.

Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 08/2017, trong đó đặt mục tiêu du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác.

Năm 2016, đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch: Việt Nam thu hút hơn 10 triệu lượt khách quốc tế, tăng hơn 4,3 lần so với năm 2001, đạt 2 mốc quan trọng là tổng lượng khách nhiều nhất trong một năm và mức tăng tuyệt đối trong một năm nhiều nhất so với năm trước (trên 2 triệu lượt khách); phục vụ 62 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt 400.700 tỷ đồng, tăng 18,6% so với năm 2015. Đây là một tín hiệu khả quan, tạo tiền đề vững chắc, là thời điểm thích hợp để đặt quyết tâm hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Hạ tầng du lịch và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch ngày càng phát triển. Loại hình sản phẩm, dịch vụ du lịch ngày càng phong phú và đa dạng. Chất lượng và tính chuyên nghiệp từng bước được nâng cao. Lực lượng doanh nghiệp du lịch lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, tạo được một số thương hiệu có uy tín ở trong nước và quốc tế. Bước đầu hình thành một số địa bàn và khu du lịch trọng điểm.

Cần phát triển du lịch thực sự là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp. Ảnh: Internet

Tuy nhiên, nghị quyết cũng đánh giá, ngành du lịch còn một số hạn chế, yếu kém. Du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng của xã hội. Sản phẩm du lịch chưa thực sự hấp dẫn và có sự khác biệt, khả năng cạnh tranh chưa cao. Chất lượng dịch vụ du lịch chưa đáp ứng yêu cầu. Hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch còn hạn chế… Các nguyên nhân chủ yếu của những vấn đề vướng mắc mà ngành du lịch đang gặp phải, dẫn đến du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng đã được nhìn nhận thẳng thắn trong Nghị quyết. Các cấp, các ngành chưa thực sự coi du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hoá và hội nhập quốc tế cao, mang nội dung văn hoá sâu sắc. Thiếu chính sách quốc gia phù hợp để du lịch phát triển theo đúng tính chất của một ngành kinh tế vận hành theo quy luật thị trường. Thể chế, chính sách phát triển du lịch chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, vẫn còn nặng tư tưởng bao cấp; Sự phối hợp liên ngành, liên vùng hiệu quả còn thấp; Đầu tư còn dàn trải, chưa huy động được nhiều nguồn lực của xã hội cho phát triển du lịch; Công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch chưa được quan tâm đúng mức.

Chính vì vậy, với mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Nghị quyết của Bộ Chính trị khẳng định 5 quan điểm cần thống nhất và quán triệt tới tất cả các cấp, các ngành và toàn xã hội, trong đó nhấn mạnh: Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và của toàn xã hội. Cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp uỷ đảng; phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; tập trung nguồn lực quốc gia cho phát triển du lịch.

Với thực tế đó, Bộ Chính trị thống nhất, cần phát triển du lịch thực sự là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh cao; xã hội hoá cao và có nội dung văn hoá sâu sắc; tăng cường liên kết trong nước và quốc tế, chú trọng liên kết giữa ngành du lịch với các ngành, lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị hình thành nên các sản phẩm du lịch.

Phát triển đồng thời cả du lịch quốc tế và du lịch nội địa; tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân và du khách quốc tế tham quan, tìm hiểu, khám phá cảnh quan, di sản thiên nhiên và văn hoá của đất nước; tôn trọng và đối xử bình đẳng đối với khách du lịch từ tất cả các thị trường. Nghị quyết đặt nục tiêu đến năm 2020, ngành du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực.

Đến 2020, thu hút được 17 - 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách du lịch nội địa; đóng góp trên 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỷ USD; giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỉ USD; tạo ra 4 triệu việc làm, trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp. Phấn đấu đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Việt Nam thuộc nhóm các nước có ngành du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Bộ Chính trị yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch, cơ cấu lại ngành du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Cùng với đó là hoàn thiện thể chế, chính sách, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch, tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch, phát triển nguồn nhân lực du lịch.

Nguyễn Hiếu (T/h)

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu