16:29 ngày 19/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Nghệ An: Dân khốn khổ vì nạn cát tặc hoành hành

23:49 17/01/2020

(THPL) - Thời gian gần đây, vấn nạn khai thác cát trộm đang diễn ra công khai bất kể ngày đêm trên sông Lam đoạn từ Cầu Dùng thuộc thị trấn Thanh Chương đến xã Thanh Hưng, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An khiến dư luận nhân dân địa phương vô cùng bức xúc.

 Cát tặc ung dung đục khoét lòng sông giữa thanh thiên bạch nhật mà không bị xử lý.

Nguy cơ sạt lở bờ sông và các công trình bảo vệ đê điều

Theo phản ánh của người dân những năm gần đây, vấn nạn khai thác cát trái phép trên sông Lam đoạn từ cầu Dùng thị trấn Thanh Chương cho đến xã Thanh Hưng, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An diễn ra công khai cả ngày lẫn đêm. Nguyên nhân được người dân cho rằng, hiện tại trữ lượng cát tại lòng sông đã không còn nhiều như trước. Do vậy, cát tặc thường cho tàu vào gần bờ ở các bãi bồi người dân đang canh tác nông nghiệp và sát chân đê để có được số lượng nhiều, chất lượng cát đẹp. Điều này đã khiến bà con địa phương lo ngại vì đe dọa trực tiếp đến an toàn đê điều, gây hiện tượng xói lở trầm trọng, thu hẹp diện tích đất canh tác nông nghiệp, sạt lở nhà cửa, tài sản của người dân. 

Ông Phan Văn H một người dân sống tại xã Thanh Tiên chia sẻ với phóng viên rằng: “Chúng tôi sinh sống ở đây đã mấy chục năm, trước đây bờ sông ở đây thoải và kéo dài cả hàng chục mét nhưng bây giờ thì chú (tức PV) nhìn xem, sạt lở đã vào tới tận đất canh tác rồi, thêm vài năm nữa chắc không còn đất mà canh tác. Cát tặc ở đây nó làm rầm rộ và ngang nhiên lắm, nó hút cả ngày lẫn đêm. Dân chúng tôi nhiều lần báo lên chính quyền để xử lý nhưng chỉ được vài hôm là chúng hoạt động trở lại và còn rầm rộ hơn”.

Gần chỗ khai thác là một số bến tập kết đang rầm rộ thu mua cát tặc.

Ông Nguyễn Trường Thành-Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nghệ An cho biết: “Vừa rồi, chúng tôi có xây dựng tuyến kè sông ở một số điểm sạt lở’ tại xã Thanh Lĩnh, huyện Thanh Chương nhưng công trình vừa hoàn thành chưa lâu, lại bị sạt lở nghiêm trọng hơn. Một trong những nguyên nhân chính là do cát cặc ngày đêm đục khoét làm cho chân kè bị rỗng nên cả đoạn kè bằng đá này đã bị nước cuốn trôi gây thất thoát tài sản của nhà nước và đe dọa trực tiếp đến an toàn tính mạng của một số hộ dân sinh sống tại đây.”

Chính quyền chưa xử lý quyết liệt hay cát tặc đã “nhờn luật”

Ông Lê Văn Nghị -Chủ tịch UBND xã Thanh Hưng, một trong những địa phương có cát tặc hoành hành chia sẻ: “Địa phương luôn đấu tranh chống nạn cát tặc đục khoét lòng sông, nhưng do lực lượng mỏng, trang thiết bị, phương tiện còn nhiều khó khăn thiếu thốn nên chưa xử lý được dứt điểm. Mặt khác cát tặc ở đây rất ranh mãnh, cứ hễ thấy bóng dáng của các cơ quan chức năng là chúng lại di chuyển tàu sang xã khác, nên chúng tôi không thể xử lý. Xã cũng đã nhiều lần kết hợp với các xã lân cân để xử lí cát tặc nhưng cứ mỗi lần anh em ra quân là chúng như được báo trước và dừng tất cả các hoạt động khai thác cát nên chúng tôi không xử lí được.”

Sạt lở đã vào đến tận nhà và đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người dân.

Liên quan đến vấn nạn khai thác cát trái phép tại các điểm nói trên, lãnh đạo UBND Thanh Chương cho biết vấn đề này huyện lên phương án xử lý. Huyện cũng đã nhiều lần phối hợp với đoàn liên ngành về thanh kiểm tra, xử lý vấn nạn này. Về phía Công an tỉnh Nghệ An cũng chỉ đạo Phòng CSGT, Phòng CSMT, Công an các địa phương thường xuyên tuần tra, xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép bắt quả tang, xử phạt hành chính nhiều trường hợp mỗi năm, nhưng được một thời gian thì đâu lại vào đấy, cát tặc hằng ngày vẫn ung dung ngoáy vòi rồng xuống sông để hút cát.

Trên thực tế, các doanh nghiệp được cấp quyền khai thác cát phải đầu tư máy móc, trang thiết bị, sau đó phải đóng các loại thuế, phí bảo vệ môi trường, chi phí nhân công, xăng dầu thì cát phải bán với giá 60 nghìn/m3 mới có lãi. Trong khi đó, các tàu cuốc hút cát trộm do không phải đóng các loại thuế, phí nên họ chỉ bán giá 45 nghìn đồng/m3 là đã có lãi.

Nạn hút cát trộm vừa gây thất thoát tài nguyên khoáng sản của Nhà nước, vừa không theo quy định về độ sâu, khoảng cách so với bờ nên rất dễ dẫn đến sạt lở hành lang của dòng sông Lam, gây bức xúc trong dư luận và khó khăn cho hoạt động khai thác, kinh doanh cát, sỏi của các doanh nghiệp chân chính.

Bên cạnh đó, do chế tài xử phạt còn chưa đủ để răn đe và nhu cầu sử dụng cát, sỏi trong xây dựng tăng mạnh, việc khai thác cho thu nhập cao so với nghề nông, nghề chài lưới cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng các cá nhân có tàu, thuyền trên sông không được cấp phép vẫn tìm mọi cách để khai thác.

Trước thực trạng nạn “cát tặc” hoành hành, coi thường pháp luật, nhiều người dân các xã lân cận đã đứng lên đấu tranh, tố cáo. Tuy nhiên, sự việc trên chỉ dừng lại ở việc lập biên bản, và chỉ vài ngày sau thì cát tặc vẫn ngang nhiên hoạt dộng trở lại khiến nhiều người dân thắc mắc.

Dư luận ở đây đang đặt ra câu hỏi: Phải chăng “chính quyền” xử lý chưa quyết liệt hay “cát tặc” đã… “nhờn luật”? 

Thương hiệu và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin..

Văn Quang - Huyền Trang

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu