18:15 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Ngành hàng không nỗ lực vượt khó trong dịch COVID-19

09:10 09/05/2020

(THPL) - Ngành hàng không là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 khi con số thiệt hại đã lên đến khoảng 30.000 tỷ đồng. Mới đây, đại diện Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) đã có những chia sẻ về chính sách, giải pháp hỗ trợ các hãng hàng không trong thời điểm khó khăn này.

Theo ước đoán của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế, đến thời điểm này thiệt hại của ngành hàng không toàn cầu đã lên tới 200 tỷ USD. Các hãng hàng không Việt Nam hiện có 250 chiếc tàu bay, nhưng trong thời gian cách ly xã hội, các hãng đã dừng toàn bộ các đường bay quốc tế và chỉ khai thác 1-2% đội bay. Đến thời điểm hiện tại, các đường bay nội địa cũng mới chỉ được khôi phục một phần, còn khoảng 70-80% đội tàu bay vẫn chưa hoạt động, phần lớn các hãng hàng không đang chìm trong tình trạng không có doanh thu, nhưng vẫn phải trả các chi phí liên quan đến tàu bay, nhân viên, các chi phí quản lý khác như trả tiền sân đỗ máy bay, tiền duy tu bảo dưỡng, trả lương nhân viên tối thiểu… tất cả cộng lại cũng là một khoản chi rất lớn đối với các hãng hàng không.

Ngành hàng không nỗ lực vượt khó khăn trong dịch COVID-19

Trước những khó khăn đó, Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Tài chính ra một số quy định mới về mức thu, nộp phí, lệ phí trong lĩnh vực hàng không, hỗ trợ giảm nhiều loại phí cho doanh nghiệp hàng không đến hết năm 2020, tạo động lực về tinh thần và vật chất để các hãng hàng không có quyết tâm vượt qua khó khăn hiện tại.

Tuy nhiên, những chính sách hỗ trợ mà Chính phủ đưa ra chủ yếu nhằm khuyến khích các hãng hàng không duy trì hoạt động, điều quan trọng nhất để ngành hàng không tiếp tục vận hành và phát triển vẫn là sự tự nỗ lực của chính các hãng, vì đây là khó khăn chung của ngành hàng không toàn cầu.

Trên thực tế, ngành hàng không vẫn nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, từ quy định dừng bay, giãn cách ghế ngồi hành khách, các biện pháp phòng ngừa y tế, tích cực tham gia các nhiệm vụ như: đón đồng bào từ nước ngoài về nước, vận chuyển hàng cứu trợ, trang thiết bị vật phẩm y tế phòng chống dịch…

Theo dự báo của Cục Hàng không Việt Nam, thị trường hàng không trong nước sẽ cơ bản khôi phục và khôi phục hoàn toàn vào giữa năm 2021, còn đối với thị trường hàng không quốc tế thì rất khó dự đoán, vì diễn biến dịch bệnh vẫn rất phức tạp ở nhiều quốc gia, cơ hội khôi phục các đường bay quốc tế phụ thuộc nhiều vào nhu cầu du lịch. Dự báo nhanh nhất phải cuối năm 2021 thì thị trường hàng không quốc tế mới khôi phục bằng năm 2019.

Trong thời gian tới, khi thị trường hành khách chưa thể khôi phục lại nhất là ở thị trường quốc tế, Cục hàng không Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường hỗ trợ các hãng mở thêm các đường bay vận chuyển hàng hóa quốc tế. cùng với đó việc từng bước khôi phục lại các đường bay là giải pháp đặc biệt quan trọng. Vừa qua, Cục cũng đã giúp các hãng khôi phục thị trường hàng không nội địa. Trong 4 ngày nghỉ lễ gần đây, ngành hàng không đã vận chuyển trên 150.000 hành khách. Chỉ trong thời gian ngắn khôi phục 35-40% thị phần nội địa.

Trước mắt, Cục hàng không vẫn tiếp tục lên phương án hỗ trợ tối đa các hãng khởi động lại thị trường, tạo điều kiện tốt nhất cho các hãng khôi phục thị phần nội địa. Đồng thời tiếp tục kiến nghị các cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp trong ngành có các gói giảm giá, giãn giá, thậm chí là miễn giá nhằm hỗ trợ các hãng hàng không trong giai đoạn khôi phục; kiến nghị Chính phủ làm việc với các ngân hàng để có các gói vay ưu đãi cho các hãng hàng không, bởi khó khăn nhất của các hãng hiện nay là dòng tiền. Các hãng cần có tiền để trả chi phí tiếp tục duy trì hoạt động. Đây là giai đoạn quyết định, có tính sống còn với các hãng hàng không hiện nay.

Quốc Cường

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu