01:51 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Ngành gạo hướng đến mục tiêu xuất khẩu 7 triệu tấn năm 2023

14:51 21/07/2023

(THPL) - Mục tiêu xuất khẩu 7 triệu tấn gạo với kim ngạch kỷ lục 5 tỷ USD được nhiều chuyên gia dự báo là khả thi, khi nhiều nước trên thế giới có xu hướng tăng lượng dự trữ trong bối cảnh El Nino tác động toàn cầu.

Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp ngành gạo đang gấp rút đóng hàng nghìn tấn cho thị trường Philippines. Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2023, khoảng 70% sản lượng gạo xuất khẩu của doanh nghiệp là vào Philippines. 

Liên quan đến thị trường xuất khẩu, ông Trương Mạnh Linh, Giám đốc Điều hành ngành gạo, Tập đoàn Tân Long, cho biết: "Nhu cầu thị trường sẽ tăng cao từ nay đến cuối năm, chúng tôi gia tăng thu mua và sấy trữ, nhằm đảm bảo chất lượng lúa sau thu hoạch và gia tăng giá trị sản phẩm".

Thông thường, thị trường châu Phi ưa chuộng nhập khẩu mặt hàng vụ lúa Đông Xuân, nhưng năm nay, họ lại mua thêm lúa gạo của cả vụ Hè Thu. Điều này cho thấy nhu cầu gạo của thế giới đang rất lớn. Các doanh nghiệp cũng đang tích cực tận dụng đà tăng để bán được gạo với giá tốt nhất.

Bà Bùi Thị Thanh Tâm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, 6 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 4,27 triệu tấn. Đây là con số vượt bậc nếu so sánh cùng kỳ các năm gần đây.

Tuy nhiên cũng theo bà Tâm, hiện nay khó khăn nhất là vấn đề vốn, tín dụng. Do đó, bà Tâm kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét tăng cường nguồn vốn ngắn hạn tại các thời điểm thu hoạch chính vụ. Đồng thời tiếp tục hướng dẫn thương nhân tiếp cận nguồn vốn với lãi suất thấp.

"Tăng cường chính sách cho vay không có tài sản đảm bảo, có thể chỉ cần áp dụng trong thời điểm thu hoạch, mùa vụ cao điểm và dựa trên kết quả thẩm định, lịch sử kinh doanh của từng doanh nghiệp để có chương trình cho vay vốn phù hợp" - bà Tâm đề nghị.

Ngành gạo hướng đến mục tiêu xuất khẩu 7 triệu tấn. Ảnh minh hoạ

Trước đó, tại cuộc họp về xuất khẩu gạo ngày 6/7, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh, thời cơ không chờ đợi chúng ta, các thị trường đang tăng cường nhập khẩu gạo để ăn và dự trữ. Do vậy, chấp hành ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp tính toán ngay một chiến lược, kế hoạch trong ngắn hạn về những khó khăn, thuận lợi gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để cùng tháo gỡ. Đừng để mất cơ hội.

Theo Bộ trưởng, không phải tới mùa vụ mới đi vay. Doanh nghiệp phải có chiến lược ngắn và dài hạn của mình, làm việc với ngân hàng từ trước, đừng đợi tới mùa thu hoạch mới đi vay. Ngân hàng cũng là một đối tác nên cần bàn bạc với họ.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước, các bộ ngành, hiệp hội ngành hàng liên quan cùng phối hợp tháo gỡ vướng mắc liên quan đến xuất khẩu gạo. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng lưu ý, trước mắt là xuất khẩu gạo, nhưng về lâu dài, các doanh nghiệp phải nhìn xa hơn. Không nên khóa chặt ở từ khóa truyền thống như gạo mà phải tính tới các sản phẩm giá trị gia tăng, phải đa giá trị trên cánh đồng lúa; như vậy, người nông dân và doanh nghiệp mới có thể phát triển bền vững.

Nhận định bức tranh xuất khẩu 6 tháng cuối năm, ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thông tin, bức tranh thị trường chưa có tín hiệu phục hồi rõ nét, lượng tồn kho của cả các nhà nhập khẩu và doanh nghiệp trong nước đều ở mức cao, lượng cầu vẫn đang ở mức thấp.

Bên cạnh khó khăn về xuất khẩu giảm, các thị trường xuất khẩu nói chung và thị trường EU nói riêng còn đặt ra những yêu cầu ngày càng chặt chẽ. Thị trường EU là thị trường dẫn dắt các quy định của thị trường xuất khẩu thế giới, theo đó, nếu như trước đây là các quy định liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm thì nay là các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững. Chúng ta cần có những chính sách quy định về truy xuất nguồn gốc để đáp ứng các yêu cầu về thị trường.

“Như vậy, bên cạnh yếu tố thương mại thì các yếu tố kỹ thuật cũng là vấn đề mà các doanh nghiệp cần phải lưu tâm để đảm bảo việc các thị trường xuất khẩu sẽ được mở rộng chứ không bị thu hẹp lại”, ông Nguyễn Như Tiệp lưu ý.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, ngành nông nghiệp cũng chịu những tác động của giá vật tư nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất vẫn ở mức cao, El Nino nắng nóng gay gắt hơn, nguy cơ thiếu nước phục vụ sản xuất.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, toàn ngành vẫn quyết tâm tận dụng cơ hội, tập trung nguồn lực hoàn thành mục tiêu kế hoạch cả năm đã đề ra: Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,0 - 3,5%, kim ngạch xuất khẩu nông lầm thủy sản 54 - 55 tỷ USD; Tỷ lệ che phủ rừng 42%; Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 78%...

“Muốn đạt được kim ngạch xuất khẩu 55 tỷ USD, mỗi tháng tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu phải tăng 7 - 8%. Đối với xuất khẩu, giải pháp xúc tiến thị trường là rất quan trọng, cần thực hiện các giải pháp tác động vào các sản phẩm chủ lực xuất khẩu có triển vọng và khả năng tăng giá trị xuất khẩu cao để bù vào những sản phẩm dự kiến có khả năng không đạt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu cả năm”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

BÍCH HẠNH

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu