04:31 ngày 25/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Ngành công nghiệp hỗ trợ và bài toán tiến sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Minh Anh (T/h) | 09:00 17/10/2024

(THPL) - Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của chuỗi cung ứng quốc tế, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đang đứng trước những cơ hội vàng để tham gia và mở rộng vị thế trên thị trường toàn cầu.

Ngành công nghiệp hỗ trợ đón nhiều triển vọng đầu tư

Hiện nay, Việt Nam đang có 2.000 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, trong đó có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng đa quốc gia. Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đang có sự tiến bộ vượt bậc về năng lực cạnh tranh.

Qua nhiều năm, các doanh nghiệp đã có cơ hội tiếp cận với khách hàng, cải tiến liên tục các hoạt động sản xuất, quản trị sản xuất cũng như đầu tư cho các tiêu chuẩn về ISO để đáp ứng tốt các nhu cầu của doanh nghiệp FDI trong các chuỗi cung ứng.

Đơn cử như Công ty CP Sản xuất Thương mại Vĩ Nam Việt (Vinavit), Tiến Thịnh đã tham gia được vào chuỗi cung ứng của Samsung hay Công ty TNHH Kỹ thuật Công nghệ Nam Sơn từ một đơn vị phân phối, công ty đã đầu tư cho nghiên cứu phát triển, lắp ráp thành công thiết bị laser “made in Vietnam”, cung cấp giải pháp cho Vinsmart, thậm chí xuất khẩu trực tiếp sản phẩm máy cắt và khắc laser mang thương hiệu Việt đi Hàn Quốc và Thụy Sỹ. Trước đó là Nidec và mới đây nhất là Tập đoàn Foxconn (Đài Loan, Trung Quốc) đã tìm hiểu sản phẩm của Nam Sơn dùng để cắt bo mạch điện tử trong quy trình sản xuất.

Theo Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghiệp hỗ trợ, Sở Công Thương TP.HCM cho biết, hiện nay chúng ta có ưu thế về kỹ thuật sản xuất của nhân công Việt trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và được các nhà đầu tư FDI trong lĩnh vực này và các tập đoàn quốc tế rất quan tâm. Các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ nội địa sẽ có những cơ hội để đáp ứng tốt các nhu cầu đầu tư vào công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. Doanh nghiệp cũng sẽ có những cơ hội mới trong sản xuất công nghiệp hỗ trợ cho các thị trường công nghệ mới nổi khác là công nghiệp hàng không vũ trụ, công nghiệp y tế giá trị giá trị cao…

Ngành công nghiệp hỗ trợ cần thích ứng để đón cơ hội. Ảnh minh hoạ

Tương tự, ông Nguyễn Hoàng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành Công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội (Hansiba), Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), Chủ tịch HĐQT Tập đoàn N&G thông tin, thời điểm này, các doanh nghiệp Việt Nam đang tham gia sâu rộng vào thị trường Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các cường quốc lớn trên thế giới. Cùng với đó, sự ổn định của chính trị, sự điều tiết về chính sách vĩ mô của nhà nước Việt Nam và việc các Tập đoàn của các quốc gia trên thế giới quan tâm, đầu tư, hợp tác với các doanh nghiệp Việt sẽ là cơ hội để doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ nói riêng có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Việt Nam đang là địa điểm được các doanh nghiệp FDI quan tâm

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA), thời gian qua Việt Nam liên tục đón các doanh nghiệp FDI đề nghị hỗ trợ kết nối và xây dựng chuỗi cung ứng, trong đó có các doanh nghiệp đầu chuỗi từ châu Âu, châu Mỹ hay một loạt nhà cung ứng cấp 1 của Apple.

Đặc biệt, các “ông lớn” này không chỉ đặt vấn đề tìm kiếm một, hai nhà cung cấp mà đều muốn tiếp cận theo chuỗi, xây dựng hệ sinh thái sản phẩm hỗ trợ tại Việt Nam. “Đây rõ ràng là kỳ vọng để doanh nghiệp Việt phát triển, có vị trí then chốt hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu với những sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn”, Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam Đỗ Thị Thúy Hương nhận định.

Theo các chuyên gia, Việt Nam đang là địa điểm được các doanh nghiệp FDI quan tâm vì đáp ứng được nhiều yếu tố then chốt như sự ổn định chính trị, nền kinh tế phục hồi nhanh chóng sau dịch Covid-19, các cân đối vĩ mô được đảm bảo, lạm phát được kiềm chế.

Cùng với đó, kết cấu hạ tầng của Nhà nước, nhất là hệ thống đường bộ cao tốc, nhiều Hiệp định Thương mại tự do đã được ký kết và đang được thực thi có hiệu quả. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội lớn, việc thu hút đầu tư vào KCN hiện nay vẫn còn gặp những thách thức như thủ tục hành chính rườm rà, chồng chéo, việc giải phóng mặt bằng cho các KCN mới thành lập còn nhiều vướng mắc, kéo dài.

Nhận định về vấn đề này, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) chia sẻ, sau hơn 30 năm mở cửa thu hút đầu tư, nguồn vốn FDI đóng vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội. Sự tăng trưởng của nguồn vốn đầu tư nước ngoài không chỉ tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho Việt Nam đẩy nhanh thời gian mở rộng thị trường quốc tế, mà ngày càng cải tiến hơn về nhiều mặt trong hoạt động kinh doanh (chuyên môn, công nghệ, kỹ thuật…), giảm gánh nặng về vốn cho nhiều dự án lớn.

Bên cạnh đó, việc thu hút và sử dụng nguồn vốn nước ngoài hiệu quả còn góp phần tác động thúc đẩy chuyển dịch, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, ngành, sản phẩm, dịch vụ; thúc đẩy cải cách thể chế, chính sách pháp luật, môi trường kinh doanh, phát triển nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại và hội nhập.

Ngành công nghiệp hỗ trợ và bài toán tiến sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của chuỗi cung ứng quốc tế, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đang đứng trước những cơ hội vàng để tham gia và mở rộng vị thế trên thị trường toàn cầu.

Các chuyên gia cho rằng, để tận dụng tốt các lợi thế đòi hỏi các doanh nghiệp cần tiếp tục hoàn thiện kỹ thuật, trình độ, cũng như đầu tư thêm về ISO, đáp ứng nguồn nhân lực. Như vậy, chúng ta sẽ có sự sẵn sàng hơn để “đứng chân” được vào trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Mặt khác, rất cần sự hợp tác và liên kết giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với nhau để cùng tạo thành chuỗi, cụm chi tiết để có thể đáp ứng những yêu cầu cao và khắt khe của các thị trường công nghệ mới nổi cũng như gia tăng khả năng cạnh tranh trong các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Phan Đăng Tuất – Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam cho hay, công nghiệp hỗ trợ là linh hồn của công nghiệp chế tạo quốc gia, do đó, cần có những chính sách hỗ trợ tối đa cho công nghiệp. Nhưng ở Việt Nam sự hỗ trợ vẫn còn dè dặt. Do đó, công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam vẫn chưa phát huy được khả năng, thế mạnh của mình. Để tiến lên, đứng ngang bằng với các nước trong khu vực và trên thế giới, bên cạnh những chính sách hỗ trợ từ nhà nước, công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cần sự hợp tác, liên kết của các đối tác từ các nước trên thế giới.

Về phía các doanh nghiệp cho rằng, giải quyết "bài toán" tiêu chuẩn phải đi kèm với đầu ra của sản phẩm. Điều này rất cần đến sự hỗ trợ hiệu quả hơn của các cơ quan chức năng trong việc kêu gọi đầu tư, tổ chức các hoạt động giao thương, kết nối... Từ đó, giúp doanh nghiệp nắm được cơ hội, có chiến lược đầu tư cơ sở hạ tầng và máy móc, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế và có thể "chen chân" vào đơn hàng của các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Minh Anh (T/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu