05:14 ngày 19/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Những rào cản nền kinh tế Việt phải đối mặt trong năm 2023

14:35 31/01/2023

(THPL) - Chính sách linh hoạt và chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 thành công đã mang lại những tiến bộ ấn tượng cho nền kinh tế của Việt Nam trong năm 2022. Tuy nhiên, chặng đường phía trước còn rất nhiều thử thách, rủi ro, đối với tăng trưởng trong tương lai, không chỉ năm 2023...

Đây là nhận định của của các chuyên gia kinh tế: ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội và ông Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban Kinh tế ngành và Doanh nghiệp, NCIF, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong cuộc trò chuyện với Tạp chí điện tử Thương hiệu và Pháp luật trong đầu xuân Quý Mão 2023.

Ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội.

Thưa ông, năm 2022 nền kinh tế Việt Nam được cho đã vượt qua nhiều khó khăn của quá trình hậu Covid-19 tiến tới đạt được sự ổn định và phát triển. Phải chăng tình hình nền kinh tế tin tưởng cho sự phát triển tích cực?

Ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội: Mục tiêu tăng trưởng 6,5% trên nền tăng trưởng kinh tế cao 8% của năm 2022 đúng là thông số khá cao. Thêm vào đó, bối cảnh kinh tế thế giới đang có những nguy cơ rất xấu, như là lạm phát, suy thoái tương đối rõ ở nhiều quốc gia. Đây là áp lực lớn cho Việt Nam.

Tuy nhiên, mục tiêu 6,5% được đặt ra là có cơ sở. Cả nhiệm kỳ này chúng ta đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5 – 7%, với sự ổn định vĩ mô, với đà tăng trưởng đang tốt như hiện nay, không có lý gì chúng ta không phấn đấu để đạt mức nêu trên.

Bên cạnh đó, có nhiều cơ sở để thấy nền kinh tế Việt Nam có thể trụ vững trong khó khăn. Suốt thời kỳ đại dịch vừa qua, Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng ổn định khi nhiều nước tăng trưởng âm. Chúng ta có thị trường nội địa quy mô tới 100 triệu dân, thuộc vào hàng thị trường lớn trên thế giới, đồng thời Việt Nam cũng thâm nhập các thị trường quốc tế khá tốt. Chuỗi cung ứng đứt gãy ở nhiều nơi trên thế giới nhưng tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong cả thời kỳ đại dịch luôn cao. Đặc điểm của Việt Nam là nền kinh tế sản xuất nên cũng đỡ bị ảnh hưởng nhiều hơn so với khu vực dịch vụ khi kinh tế khó khăn. Sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam lại chủ yếu là hàng tiêu dùng, không phải tư liệu sản xuất nên khi suy thoái vẫn tiêu thụ được, dù mức tiêu thụ có giảm. Đó là những cơ sở để chúng ta tin tưởng kinh tế Việt Nam tăng trưởng tích cực trong năm tới.

Ông Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban Kinh tế ngành và Doanh nghiệp, NCIF, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Sự phục hồi của nền kinh tế trong năm 2023 sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ việc thực hiện Chương trình phục hồi kinh tế 2022-2023.

Ông Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban Kinh tế ngành và Doanh nghiệp, NCIF, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Dự báo Việt Nam vẫn sẽ cố gắng duy trì mục tiêu ổn định lãi suất và tỷ giá, giữ mặt bằng lãi suất ở mức thấp để hỗ trợ tăng trưởng.Về chính sách tài khóa, hợp phần đầu tư của Chương trình hỗ trợ - lên đến khoảng 1,6% GDP - dự kiến sẽ được triển khai chủ yếu từ năm 2023 trở đi.

Tuy nhiên, với nền tảng tăng trưởng khá cao trong năm 2022, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 sẽ chậm lại, từng bước trở về trạng thái trước Covid-19, do sức bật cầu trong nước có thể không mạnh mẽ như năm 2022. Giá cả nguyên vật liệu tăng cao bắt đầu chuyển hóa rõ nét hơn vào chi phí sản xuất. Xuất nhập khẩu có thể tăng chậm hơn so với năm 2022, do tình trạng khó khăn kéo dài của các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài dự báo vẫn ở mức thấp, do các rủi ro kinh tế toàn cầu gia tăng.

Vậy, trong bối cảnh những thành quả đã đạt được trong năm 2022, các giải pháp cần và đủ để tập trung đạt được các mục tiêu trong năm 2023 là gì thưa ông?

Ông Hoàng Văn Cường: Tôi cho rằng cần một số giải pháp khá căn bản, trước hết vẫn là kiên định ổn định kinh tế vĩ mô. Nhưng ổn định kinh tế vĩ mô là trên cơ sở chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ linh hoạt chứ không cứng nhắ. Điều này phải rất phù hợp, kiên định. Ổn định kinh tế vĩ mô là để tạo môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, thu hút đầu tư, ổn định an sinh xã hội. Bài học giai đoạn vừa qua chúng ta rút ra cũng là ổn định kinh tế vĩ mô trong mọi tình huống. Cùng với đó, sử dụng chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt để hỗ trợ tăng trưởng. Hiện nay, dư địa chính sách tài khóa của chúng ta khá tốt khi nợ công khá thấp, nhờ đó có thêm không gian nguồn lực để hỗ trợ nền kinh tế.

Ngoài ra, năm 2023, số vốn đầu tư công đưa ra cũng khá cao. Khi kinh tế suy giảm thì tăng đầu tư công chính là giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng. Vấn đề là làm sao đưa đầu tư công vào đúng lĩnh vực thúc đẩy tăng trưởng. Tôi cho rằng, bên cạnh các hình thức đầu tư công truyền thống như xây dựng cơ sở hạ tầng, có thể đầu tư công tới đây nên mở rộng sang các hình thức mới như hình thức đặt hàng doanh nghiệp, tập đoàn trong việc làm ra các sản phẩm thiết yếu cho đất nước.

Ông Trần Toàn Thắng: Theo tôi, Việt Nam cần đặc biệt chú ý về nguy cơ nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài. Lạm phát thấp hiện nay ở trong nước một phần vì cầu tiêu dùng thấp. Lạm phát do chi phí đẩy cần sớm được đánh giá chính thức của Chính phủ và nhất là khả năng lạm phát trong các quý tiếp trong năm 2022, do ảnh hưởng của chỉ số giá sản xuất, chỉ số giá nhập khẩu tới lạm phát để có biện pháp kiểm soát giúp hạn chế tác động tiêu cực tới người tiêu dùng trong nước.

Đặc biệt, cần nghiên cứu kịch bản tiếp tục giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối phó trường hợp giá xăng dầu khi giá thế giới biến động lớn, cũng như hoãn/giãn việc tăng các sắc thuế/phí nhằm bình ổn giá các mặt hàng tiêu dùng khác.
Chúng ta cũng cần tập trung vào xây dựng các thể chế và chính sách hỗ trợ thúc đẩy đầu tư và liên kết đầu tư giữa các thành phần kinh tế, giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Không giống như năm 2020, dòng vốn FDI vào Việt Nam đã sụt giảm và quy mô dự án cũng nhỏ hơn cho thấy một ngụ ý khá quan trọng, đó là trong bối cảnh COVID-19 hiện nay, Việt Nam khó tận dụng được xu hướng dịch chuyển chuỗi. Vấn đề không nằm ở cơ hội bên ngoài, mà là nội lực bên trong. Cải thiện năng lực nội tại, nhất là mặt bằng và lao động kỹ năng cần được đặc biệt chú ý trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, cần quyết liệt và nhanh hơn các gói kích thích kinh tế đã được thông qua trong Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, bên cạnh gói đầu tư cơ sở hạ tầng thì các gói cho vay hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ xây nhà ở xã hội cho người lao động, các biện pháp miễn giảm thuế/phí cho nhóm đối tượng cụ thể, cần được đẩy mạnh hơn nữa.

Ngoài ra, cần tiếp tục có những cải cách đột phá về thể chế nhằm thúc đẩy hoàn thiện hơn nữa môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh bình đẳng, tiến tới nền kinh tế thị trường đầy đủ. Đặc biệt là quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mô hình kinh doanh mới, sáng tạo, dựa trên ứng dụng nền tảng số và không gian số.

Đi tìm giải pháp cho tăng trưởng và phát triển của  kinh tế VN năm  2023 không thể bỏ qua việc đánh giá, nhìn nhận những yếu tố rào cản. Vậy theo ông đâu là những rào cản  quan  trọng chúng ta phải đặc biệt quan tâm?

Ông Hoàng Văn Cường: Rào cản lớn nhất cho tăng trưởng kinh tế nhiều năm qua, khiến kinh tế chưa bứt phá được là chưa có sự thay đổi đột phá liên quan đến tái cấu trúc nền kinh tế, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao. Nền sản xuất của chúng ta vẫn dừng lại ở phân khúc giá trị thấp nên tăng trưởng chưa hết tiềm năng, nhất là tăng năng suất lao động không đạt mục tiêu đề ra. Trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế vừa qua, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, nhưng đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tranh thủ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ để đổi mới về công nghệ, đổi mới về quy trình, từ đó bứt phá từ sản xuất phân khúc giá trị thấp sang những lĩnh vực có giá trị gia tăng cao.

Xét về tổng thể, có thể thấy điểm nghẽn lớn nhất của chúng ta hiện nay là nhiều cơ chế quản lý, chính sách pháp luật chưa thực sự đồng bộ, còn chồng chéo, nên ảnh hưởng đến nhiều hoạt động đầu tư kinh doanh, chẳng hạn như các dự án liên quan đến bất động sản thì còn vướng mắc nhiều ở Luật Đất đai, hay đầu tư công vẫn còn vướng ở quy trình, thủ tục… Do đó, giải quyết nút thắt thể chế cũng là yếu tố quan trọng mà nếu tháo gỡ được sẽ tạo đà thúc đẩy tăng trưởng.

Ông Trần Toàn Thắng: Theo tôi, quá trình phục hồi của kinh tế Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục đối mặt với một số rủi ro, trở ngại.

Thứ nhất, các rủi ro từ đại dịch, nguy cơ xuất hiện biến chủng mới mặc dù những diễn biến gần đây cho thấy sự cải thiện trong kiểm soát dịch bệnh toàn cầu. Đặc biệt, chiến dịch "Zero COVID" có thể gây căng thẳng cho nền kinh tế Trung Quốc, qua đó có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu và quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam.

Thứ hai, áp lực lạm phát và chi phí sản xuất đang tăng lên rất mạnh. Thứ ba, rủi ro từ xung đột Nga – Ukraine. Mặc dù các tác động trực tiếp không quá lớn do quan hệ thương mại và đầu tư song phương giữa hai quốc gia này với Việt Nam khá nhỏ, nhưng các tác động gián tiếp là tương đối lớn.
Thứ tư, sự chậm lại của kinh tế toàn cầu và các nền kinh tế kinh tế đối tác quan trọng của Việt Nam, đặc biệt là Trung Quốc trong bối cảnh nước này vẫn tiếp tục chính sách "zero COVID" với các biện pháp kiểm soát dịch nghiêm ngặt.
Thứ năm, sự lệch pha trong chính sách kích thích kinh tế của Việt Nam so với xu hướng chung toàn cầu có thể làm giảm hiệu quả tác động của các chính sách kích thích kinh tế mà Việt Nam đang kì vọng.

Thứ sáu, các rủi ro liên quan đến sự kém hiệu quả trong thực thi các chính sách kích thích kinh tế. Sự thiếu nhất quán trong việc áp dụng các chính sách hoặc hoạt động điều hành kinh tế có thể gây nản lòng doanh nghiệp và mất niềm tin của các nhà đầu tư.

Cuối cùng, hiện nay, vẫn có những lúng túng nhất định trong việc triển khai các gói kích thích phục hồi kinh tế.

Xin cảm ơn các ông và xin gửi lời chúc mừng năm mới!

Bà Ramla Khalidi, đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam: “Triển vọng kinh tế Việt Nam tươi sáng nhưng rủi ro đang gia tăng”

Bằng chứng về sự phục hồi mạnh mẽ là tin đáng mừng sau 2 năm gián đoạn kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra. Các gia đình Việt Nam sẽ bước vào năm Quý Mão 2023 với tình hình tài chính tốt hơn so với cùng thời gian năm ngoái.

Những rủi ro đối với việc tiếp tục phục hồi kinh tế chủ yếu đến từ bên ngoài. Xung đột ở Ukraine, suy thoái kinh tế ở Trung Quốc, lãi suất quốc tế tăng, đồng USD mạnh lên và nguy cơ suy thoái kinh tế ngày càng tăng ở châu Âu có thể ảnh hưởng đến nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam và làm tăng rủi ro bất ổn kinh tế vĩ mô. Các nhà hoạch định chính sách cần cảnh giác, điều chỉnh chính sách tài khóa và tiền tệ kịp thời với tình hình thay đổi trên toàn cầu.

Cũng có những rủi ro đến từ trong nước, đặc biệt trong thị trường ngân hàng và trái phiếu, vốn rất nhạy cảm với những điều kiện thay đổi nhanh chóng trong lĩnh vực bất động sản. Tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, như nước biển dâng, lũ lụt, hạn hán, bão... sẽ ngày càng ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, sức khỏe và sự thịnh vượng của các cộng đồng.

Tuấn Việt (thực hiện)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu