14:18 ngày 27/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Na Hang: Huyện vùng cao chuyển mình, hướng tới thoát nghèo bền vững

Trung Kiên | 11:31 27/11/2024

(THPL) - Những năm qua, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang đã vào cuộc triển khai quyết liệt các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ giảm nghèo phù hợp, tạo động lực nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân. Nhờ đó, đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 32,61%, cận nghèo giảm còn 10,45%.

 

Thị trấn Na Hang, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang (Ảnh: Báo Tuyên Quang online)

Khơi dậy ý chí thoát nghèo

Đến thăm huyện Na Hang vào trung tuần tháng 11, chúng tôi cảm nhận cuộc sống của người dân đã đổi khác. Thời gian qua, thông qua các chương trình, dự án cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và chương trình giảm nghèo, diện mạo nông thôn mới đã từng bước thay đổi. Từ các xã: Côn Lôn, Đà Vị cho đến Hồng Thái, Khâu Tinh... một màu sắc mới đang hiện diện, kết cấu hạ tầng được xây dựng khang trang, kiên cố, đường giao thông đi lại thuận tiện hơn trước; hai bên đường, những cánh rừng trải dài xanh thẳm, thấp thoáng là những thửa ruộng bậc thang mùa lúa chín rực rỡ trên nương, bà con hăng say lao động sản xuất như minh chứng cho nghị lực vươn lên trong cuộc sống của mỗi người dân trong huyện. 

Đ/c Tô Viết Hiệp - phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Na Hang

Trao đổi với chúng tôi, ông Tô Viết Hiệp, Chủ tịch UBND huyện Na Hang cho biết: Na Hang là một trong những địa phương được thụ hưởng đầy đủ các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), trong đó có chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững. Chương trình thực sự là “cứu cánh” và là nền tảng trong công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Để thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội nói chung, giảm nghèo bền vững nói riêng, trên cơ sở số liệu điều tra hằng năm, địa phương đã tập trung phân tích nguyên nhân để có các giải pháp hỗ trợ cụ thể. Rà soát, xác định rõ nhu cầu vay vốn và phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội để tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo được vay vốn. Đồng thời, tích cực, chủ động phối hợp mở các lớp đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm; hỗ trợ, tạo điều kiện để người nghèo tự tạo việc làm, tăng thu nhập, từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Điểm nổi bật là địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động về triển khai thực hiện công tác giảm nghèo, giới thiệu các mô hình giảm nghèo có hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo; giúp các hộ chủ động vươn lên thoát nghèo, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại.

Trong giai đoạn 2021-2024, tổng kinh phí thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện là 254.873,12 triệu đồng. Trong đó ngân sách trung ương là 254.447,08 triệu đồng, ngân sách địa phương là 9.426,04 triệu đồng. Thực hiện dự án 2 về đa dạng hóa sinh kế, phát triển các mô hình giảm nghèo giai đoạn 2021-2024, huyện Na Hang được phân bổ nguồn vốn là 18.592,8 triệu đồng (ngân sách trung ương là 18.510,96 triệu đồng; ngân sách địa phương là 81,84 triệu đồng). Tính đến nay, huyện tiếp tục thực hiện 5 dự án phát triển sản xuất theo loại hình nông nghiệp và đang triển khai 03 dự án do cộng đồng đề xuất.

Các mô hình, dự án đa dạng hóa sinh kế đã phát huy hiệu quả, tác động tích cực đến nhận thức của người dân, giúp người dân từ phát triển sản xuất nhỏ lẻ làm quen dần với hình thức phát triển sản xuất tổ cộng đồng, đối ứng, ràng buộc trách nhiệm lẫn nhau. Tạo việc làm, động lực phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho hộ gia đình. Từ đó, các hộ tiếp tục tham gia các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong các năm tiếp theo để phấn đấu vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Trong quá trình thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, UBND huyện còn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan, UBND các xã, thị trấn thực hiện việc lồng ghép đầu tư sử dụng hiệu quả các nguồn vốn như: Chương trình xây dựng Nông thôn mới, Chương trình MTQG Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, Chương trình vay vốn ưu đãi... Bên cạnh đó, địa phương còn thực hiện hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn, hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ nhà ở, truyền thông và giảm nghèo về thông tin…


Cán bộ thôn Lũng Vài, xã Côn Lôn , huyện Na Hang hướng dẫn bà con trong thôn phòng chống rét cho đàn trâu, bò 

Trước đây, nhà anh Lữ Văn Minh tại xã Hồng Thái rất nghèo. Cuộc sống chạy ăn từng bữa với 5 nhân khẩu, đất sản xuất ít, kỹ thuật chăn nuôi không có, kinh tế phụ thuộc vào những chuyến đi rừng… Nhưng nay, nhà anh Minh đã thoát nghèo và vươn lên phát triển kinh tế.

Dấu mốc đánh dấu việc thoát nghèo là khi gia đình anh được hỗ trợ một con bò sinh sản từ Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm bò sinh sản. Được cán bộ địa phương động viên, khích lệ, hướng dẫn cách làm ăn, gia đình anh tận dụng nguồn thức ăn sẵn có, chăm sóc con bò rất tốt. 

"Nhờ chăm nuôi tốt, từ một con bò mẹ đến nay đã đẻ ra hai chú bò con, kinh tế gia đình ngày càng cải thiện. Cùng với làm nương rẫy, chăn nuôi bò, gia đình còn trồng các loại cây ăn quả, cây hoa màu khác để nâng cao đời sống kinh tế gia đình. Đầu năm 2023, gia đình tôi đã thoát nghèo", anh Lữ Văn Minh chia sẻ.

Đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo

Bên cạnh việc tạo sinh kế cho người lao động, huyện Na Hang còn chú trọng tổ chức tư vấn, giới thiệu các lao động trẻ xuất khẩu lao động tại một số thị trường cho thu nhập cao như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan v.v… qua đó, nhiều lao động đã có nguồn thu nhập cao và có cuộc sống ổn định khi về nước. 

Niềm vui thu hoạch chè Shan Tuyết của người dân xã Sơn Phú (Na Hang)

Huyện còn tận dụng khai thác không gian đồi núi để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây ngắn ngày sang cây ăn quả, nâng cao trình độ thâm canh, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung hàng hóa, gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. Với tiềm năng và lợi thế phát triển cây chè Shan Tuyết, việc thực hiện Dự án Hỗ trợ phát triển liên kết chăm sóc, cải tạo vùng nguyên liệu gắn với chế biến, tiêu thụ, sản phẩm chè Shan Tuyết Na Hang từ nguồn vốn chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đã phát huy hiệu quả. Chè Shan tuyết đã và đang khẳng định được thương hiệu trên thị trường, trở thành một trong những cây trồng xóa đói, giảm nghèo chủ lực ở huyện vùng cao Na Hang.

Cùng với việc phát triển các mô hình giảm nghèo, tạo việc làm cho người dân, huyện xác định giải quyết căn bản vấn đề nhà ở, đặc biệt là xóa nhà tạm, nhà không bảo đảm an toàn cho đồng bào là nhiệm vụ quan trọng. Với nguồn lực huy động cho hộ khó khăn về nhà ở giai đoạn 2021-2024 là hơn 14,8 tỷ đồng đã kịp thời chăm lo nhà ở cho người nghèo, nhanh chóng ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên thoát nghèo. Năm 2024, UBND huyện đã phê duyệt 229/234 hộ nghèo, hộ cận nghèo thực hiện làm mới và sửa chữa nhà ở; 5/234 hộ nghèo, hộ cận nghèo đang được UBND các xã tiếp tục rà soát nhu cầu theo danh sách đã được phê duyệt.

Có thể nói, công tác giảm nghèo, là nội dung quan trọng trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội huyện Na Hang. Bằng cách lồng ghép các cơ chế, chính sách, chính quyền và nhân dân các địa phương không ngừng nỗ lực để công cuộc xóa đói giảm nghèo đạt hiệu quả thiết thực nhất. 

Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm nhanh từ 40,76% năm 2022 xuống còn 32,61% vào cuối năm 2023 (giảm 8,15%). Tỷ lệ hộ cận nghèo giảm từ 13,64% năm 2022 xuống còn 10,45% vào cuối năm 2023. Hiệu quả từ các chính sách giảm nghèo có ý nghĩa quan trọng, ngoài việc khơi dậy sức mạnh nội lực huy động nguồn lao động tại chỗ, nâng cao ý thức xóa đói nghèo trong đồng bào, thì công cuộc xóa đói, giảm nghèo đã huy động được sức mạnh tổng hợp từ cộng đồng xã hội đối với người nghèo.

Theo Chủ tịch UBND huyện Tô Viết Hiệp, thành quả lớn lao nhất trong Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững tại địa phương là cơ bản đã chuyển đổi được nếp nghĩ, cách làm trong một bộ phận đồng bào DTTS. Từ đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, cải thiện đời sống vật chất lẫn tinh thần… Thời gian tới, huyện Na Hang sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội nhằm giảm nghèo hiệu quả, góp phần vào mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng tỉnh Tuyên Quang ngày càng ấm no, giàu đẹp, văn minh.

Trung Kiên

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu