21:17 ngày 26/06/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Một ngày với những người phụ nữ “đi cấy lấy công…”

12:34 06/03/2017

(THPL) - Những ngày này, nếu có dịp về qua cánh đồng thôn Thạch Tổ, xã Thanh Hà, huyện Thanh Liêm (tỉnh Hà Nam), chúng ta sẽ thấy nhiều cánh đồng chiêm trũng đang hàng ngày được phủ lên một màu xanh miên man bởi những khóm mạ non, trong đó có công sức của không ít những người phụ nữ là...thợ cấy.

Nghề “sớm cấy chiều gặt” !

Từ cuối con đường nông thôn mới xã Thanh Hà, thuộc địa phận xóm Hạ, thôn Thạch Tổ, rồi phóng tầm mắt ra phía Đông là một cánh đồng trồng lúa rộng mênh mông. Chúng tôi thấy trên những thửa ruộng nhấp nhô xâm xấp nước, nhiều bóng người khom lưng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Bà con đang rốt ráo cấy nốt những diện tích cuối cùng để hoàn thành việc gieo giống cho vụ chiêm xuân đầu năm mới Đinh Dậu.

Người dân đang hối hả với công việc của mình

Hòa mình vào không khí nhộn nhịp trên những cánh đồng Ma, đồng Lác, rồi Bãi Cát thôn Thạch Tổ, xã Thanh Hà, chúng tôi được gặp gỡ những người thợ cấy chân chất thôn quê.

Theo chân cả buổi một nhóm cấy thuê ở xã Liêm Tiết (huyện Thanh Liêm), chúng tôi được chị Nguyễn Thị Lành, trưởng nhóm cấy thuê chia sẻ nhiều điều thú vị. Chị Lành bảo gọi là nghề, nhưng thực ra là các chị đang tranh thủ đi kiếm thêm chút tiền nhân ngày thời vụ nông nhàn.

Chị Lành cho biết, nhà chị cũng làm nông, nhưng khổ nỗi ít ruộng. Ba đứa con nhà chị sinh sau những năm 1996, thời điểm quỹ đất địa phương đã hết nên không đứa nào được chia ruộng. Cả nhà 5 người chỉ trông vào hơn 3 sào ruộng của các cụ hồi môn lại, gieo cấy chỉ vài 3 buổi là xong. Chính vì thế, nhà chị thường xuyên bị hết gạo vào thời điểm giáp hạt.

Giống nhà chị Lành, chị Lê Thị Thu do nhà ít ruộng cũng phải làm thêm đủ nghề, trong đó có cấy thuê. “Cái nghề này nhọc lắm, nhưng được cái “nhanh tiền”, tranh thủ ngày mùa để có đồng ra đồng vào mua sữa cho con…” – chị Nguyễn Thị Tích, cùng nhóm chị Thu cho biết.

Nói “sớm cấy chiều gặt” thật không sai. Với thời điểm đắt khách thì việc đi kiếm thợ cấy không phải dễ, bởi đây là nghề khá nhọc nhằn nên ít người làm. Thời điểm chính vụ, giá công cũng "độn" lên rất nhiều. Bình thường là 170.000 - 180.000 đồng/1 ngày công thì lúc cao điểm lên đến 200.000, thậm chí 250.000 đồng/1 ngày công. Nhiều chủ ruộng tính ra cũng thấy xót, song nhà neo người hoặc con em đi làm thành phố cả nên buộc phải thuê thợ cấy cho kịp thời vụ.

"Trước đây, tôi cũng nhận thầu khoán ruộng của người làng để làm, rồi trả thóc cho họ, song làm vài vụ công cán cũng chẳng được là bao vì chi phí phân bón, giống má nhiều, lại công cấy gặt, tiền cày bừa nữa. Thậm chí có những vụ mất mùa thì coi như mình không có gì, phải làm nhiều vụ sau mới bù được. Giờ đi cấy thuê thế này, vừa nhanh, vừa “tiền tươi thóc thật” là ăn chắc nhất" – bà Đoàn Thị Thúy, một thợ cấy lành nghề ở xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm cho biết.

Dịch vụ cấy thuê đang "thịnh hành" ở các vùng quê

Bà Vũ Thị Thoa – một thợ cấy có thâm niên gần chục năm và là thợ cấy nhanh nhất đội của mình, nhà ở làng Do Nha, Châu Sơn, thành phố Phủ Lý tâm sự: "... Khi vào mùa vụ thu hoạch lúa hoặc cấy thì nhân lực rất khan hiếm nên chúng tôi thường tranh thủ cấy sớm ruộng nhà để đi cấy thuê. Vụ này nhà tôi gieo sạ một nửa số ruộng cho nhanh để tranh thủ đi cấy mướn cho được nhiều ngày công hơn, sau đó quay về dặm xạ nhà mình là vừa tầm…".

Bà Thoa cho biết thêm, vụ này mình được tổng hơn hai 20 công, khoản thu cũng kha khá, song theo bà, hiện người đi cấy thuê ở địa phương còn rất ít, gom 3 xã được khoảng hai chục đội (ngày xưa đông gấp đôi), tập trung chủ yếu ở thôn Văn Lâm (xã Liêm Tiết), hay thôn Phạm (xã Liêm Tuyền) và một cánh nữa ở dưới xã bạn Thanh Bình, huyện Thanh Liêm...

“Nhanh tiền” nhưng cũng... cực

Qua tìm hiểu tại địa phương, chúng tôi được biết, bình quân một ngày công thợ cấy được trả 170.000 - 200.000 đồng cộng bữa cơm trưa (có nhà còn bao cả bữa sáng). Đây là mức thu nhập khá với một người làm nông. Với hộ ít ruộng thì đây là dịp họ tăng thêm thu nhập để trang trải cho các khoản chi tiêu gia đình… Song nghề này không phải ai cũng muốn là theo được, bởi nó đòi hỏi sự cần cù, kiên trì, chịu thương chịu khó.

 “… Ở ngoài tưởng ngon thế thôi, nhưng nhiều người theo bọn tớ phải bỏ cuộc rồi đấy. Có lần một cô cùng làng thấy mấy chị em đi kiếm tiền “ngọt” quá nên tình nguyện theo, gặp đúng chủ nhà khó tính, thậm chí buổi trưa còn cố “giam” chị em cấy thêm cả nửa tiếng đồng hồ dưới ruộng mới cho về. Thế là buổi chiều, cô bạn nghỉ luôn... ” – chị Trần Thị Hoa, 36 tuổi, nhà ở thôn Phạm, xã Liêm Tuyền chia sẻ.

Tâm sự cởi mở với chúng tôi, hầu hết các thợ cấy cho rằng: Do nhà ít ruộng nên phải tranh thủ mùa vụ đi cấy, chứ thực ra theo họ nghề này cũng “ cực lắm, chẳng sung sướng gì…”.

Phút giải lao cũng là lúc mọi người tranh thủ ăn để tiếp thêm năng lượng

Ông Nguyễn Minh Phương, nhà ở thôn Thượng Tổ, xã Thanh Hà, một chủ ruộng đi thuê người cấy bộc bạch: "Gia đình tôi chỉ có 2 lao động chính mà làm gần 2 mẫu ruộng nên mùa nào cũng phải thuê người. Có năm khó thuê người cấy, ruộng phải bỏ hoang. Năm nay, giá cả đều tăng nên công thuê cũng tăng, đỉnh điểm lên đến 250.000 đồng/ngày công mà vẫn không kiếm được người”. Còn lại đa số chủ thuê cấy là hộ khá giả, hay làm nghề buôn bán. Họ muốn tranh thủ cấy ít ruộng, lấy gạo sạch để dùng cho gia đình.

Tốc độ công nghiệp hóa chóng mặt, nhà máy, khu công nghiệp mọc lên ngày càng nhiều, ruộng đất canh tác cho nông nghiệp dần co hẹp lại. Và nghề cấy thuê tưởng chừng chỉ có trong câu ca dao “người ta đi cấy lấy công...”, nhưng giờ vẫn lấp ló đâu đó trong xã hội hiện đại. Tuy nhiên, nó chỉ dành cho lao động nông nhàn, cho những người phụ nữ luống tuổi không thể xin đi làm công nhân trong khu công nghiệp.

Thêm nữa, những người phụ nữa làm thợ cấy thuê cũng cho chúng ta thấy, gánh nặng mưu sinh gia đình của người phụ nữ nông thôn ở nhiều làng quê Việt vẫn còn khá nặng nề. Hàng ngày, họ phải lo toan cuộc sống gia đình bằng nhiều công việc lao động tay chân vất vả, nào là bán rong, nào là đồng nát, ve chai, rồi bốc vác và cả cấy thuê…Nói chung ở nông thôn, phụ nữ luôn là người hi sinh cho gia đình nhiều nhất.

Sáng nay, một ngày mùa vụ cấy, như bao buổi sáng bình thường khác, chúng tôi lại ra cánh đồng Thạch Tổ thật sớm cùng bà con nông dân. Không khí ngày đi cấy thật vui tươi, với tiếng máy bừa, máy bơm nước nổ giòn giã trên cánh đồng, hòa chung lẫn tiếng người cười nói rôm rả. Xa xa, một nhóm thợ cấy có mặt từ rất sớm. Họ đang đợi chủ ruộng ra giao ruộng, để bắt đầu cho một ngày làm công mới hăng say, phấn khởi./.

                                                                                                                Trần Quang Chiến

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu