01:02 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

MINISO, DAISO bán hàng nhập khẩu không nhãn phụ: Quản lý thị trường buông lỏng hay cố tình làm ngơ?

11:28 26/04/2017

(THPL) – Có hay không việc Đội Quản lý thị trường số 1 cố tình làm ngơ trước những sai phạm của gian hàng MINISO và DAISO trong Trung tâm Thương mại AEON MALL Long Biên? Phải chăng lực lượng QLTT Hà Nội đã buông lỏng quản lý, chưa làm tròn nhiệm vụ khi để hàng hóa nhập khẩu không đầy đủ tem nhãn theo quy định của pháp luật ngang nhiên bày bán tại nhiều cửa hàng ngay trên những con phố sầm uất, những Trung tâm thương mại văn minh, sang trọng trong thời gian dài mà không bị xử lý, khiến dư luận bức xúc?

Vừa qua, Thương hiệu và Pháp luật đăng tải loạt bài viết phản ánh những sai phạm của cửa hàng MINISO và DAISO nằm trong Trung tâm Thương mại AEON MALL Long Biên – Hà Nội. Cụ thể, tại 2 cửa hàng này bày bán nhiều mặt hàng nhập khẩu “Made in China” không dán nhãn phụ bằng tiếng Việt, không dán tem hợp quy CR theo quy định của pháp luật Việt Nam, vi phạm Nghị định 89/2006/NĐ-CP về nhãn hàng, khiến người tiêu dùng lo lắng, thậm chí nghi ngờ về chất lượng sản phẩm.

Ngày 28/3, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã có văn bản số 732/QLTT – PHLN chỉ đạo Đội Quản lý thị trường số 1 xác minh thông tin Thương hiệu và Pháp luật nêu. Sau đó, Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội có công văn gửi Thương hiệu và Pháp luật. Công văn nêu: “1. Trên cơ sở tổng hợp kết quả xác minh kiểm tra của Đội Quản lý thị trường số 1, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết: “Tại gian hàng kinh doanh MINISO, tầng 2, Trung tâm thương mại AEON MALL Long Biên, gian hàng trên của Công ty cổ phần đầu tư thương mại MINISO Việt Nam, có giấy đăng kí Chứng nhận địa điểm kinh doanh, tại thời điểm kiểm tra, hàng hóa đang bày bán tại gian hàng có các giấy tờ, hóa đơn theo quy định, có nhãn và nhãn phụ bằng tiếng Việt theo quy định, Đội không xử lý, xử phạt.

2. Tại gian hàng kinh doanh DAISO JAPAN, tầng 1, Trung tâm thương mại AEON MALL Long Biên, gian hàng trên của Công ty TNHH AEON Việt Nam, có giấy Chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, tại thời điểm kiểm tra, hàng hóa đang bày bán tại gian hàng có giấy tờ, hóa đơn theo quy định, có nhãn và nhãn phụ bằng tiếng Việt theo quy định, mặt hàng đồ chơi có giấy tờ, hóa đơn và tem hợp quy CR theo quy định, Đội không xử lý, xử phạt”.

Theo tìm hiểu của PV, MINISO chính thức khai trương chuỗi cửa hàng bán lẻ tại Việt Nam từ tháng 9/2016. Đến nay, chỉ tính riêng tại Hà Nội đã có 7 cửa hàng MINISO, kinh doanh nhiều nhóm hàng nhập khẩu: Đồ gia dụng, mỹ phẩm, trang sức, đồ tiện ích cá nhân, phụ kiện kỹ thuật số, thực phẩm… Và trên thực tế,không chỉ cửa hàng MINISO trong Trung tâm thương mại AEON MALL Long Biên mà nhiều cửa hàng MINISO khác trên phố Thái Hà, Phan Bội Châu… cũng bán tràn lan sản phẩm vi phạm quy định về nhãn mác.

Dù Đội QLTT số 1 thông báo không phát hiện, xử lý vi phạm về nhãn hàng hóa tại AEON MALL Long Biên, Hà Nội nhưng PV vẫn tìm thấy nhiều mặt hàng không nhãn phụ bán ở đây. 

Còn cửa hàng DAISO, ngoài những sản phẩm không tem nhãn phụ, không tem hợp quy CR, còn có nhiều sản phẩm dán nhãn phụ bằng tiếng Việt nhưng lại không đầy đủ thông tin theo quy định tại Nghị định 89/2006/NĐ-CP về nhãn hàng.

Không rõ Chi cục QLTT Hà Nội và Đội QLTT số 1 đã thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quy trình kiểm tra, kiểm soát thị trường như thế nào mà để những sai phạm này ngang nhiên tồn tại trong một thời gian dài, gây bức xúc cho người tiêu dùng. Đến khi Thương hiệu và Pháp luật phản ánh, Chi cục QLTT Hà Nội chỉ đạo Đội QLTT số 1 kiểm tra, sau đó có kết luận như vừa nêu, khiến người tiêu dùng có quyền nghi ngờ về sự nghiêm túc, công tâm, minh bạch trong công tác thực thi nhiệm vụ của cơ quan này. Có hay không việc Chi cục QLTT Hà Nội, Đội QLTT số 1 cố tình làm ngơ trước sai phạm của MINISO và DAISO? Hay cơ quan chức năng chuyên trách về quản lý thị trường thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, để MINISO, DAISO "qua mặt" một cách dễ dàng?

Ở một diễn biến khác, với mong muốn tiếp tục có thông tin khách quan liên quan đến hoạt động kinh doanh của 2 cửa hàng trên gửi tới bạn đọc, ngày 7/4, nhóm PV đã có mặt tại trụ sở Đội Quản lý thị trường số 16 (đường Vạn Hạnh, khu đô thị Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội), thuộc Chi cục QLTT Hà Nội. Tại đây, PV nghiêm túc xuất trình giấy giới thiệu do cơ quan cấp để liên hệ làm việc. Tuy nhiên, một người đàn ông tên Hòa, tự xưng là đội trưởng, nhưng không mặc đồng phục ngành và không đeo biển hiệu Quản lý thị trường, lớn tiếng hạch sách, gay gắt đòi kiểm tra thẻ nhà báo của phóng viên mới cho phép làm việc. 

Dù PV giải thích với ông Hòa rằng, theo quy định của pháp luật, PV có thể đến làm việc với cơ quan chức năng bằng giấy giới thiệu do tòa soạn cấp, nhưng ông Hòa nhất định không hợp tác: “Tôi không làm việc với các anh chị. Tôi không làm việc với giấy giới thiệu, các anh chị có thẻ hay không? Không có thẻ tôi không nói chuyện…". Hành vi của ông Hòa đã vi phạm Nghị định 159/2013/NĐ-CP.

Đáng nói nữa, ngày 19/4, PV vẫn ghi nhận được tình trạng sản phẩm nhập khẩu không tem nhãn phụ bày bán rất nhiều tại gian hàng MINISO trong AEON MALL Long Biên.

Theo luật sư Nguyễn Thu Anh, VP luật sư Nguyễn Khánh Toàn và cộng sự, Chi cục QLTT Hà chưa hoàn thành nhiệm vụ khi để những sai phạm của MINISO kéo dài mà không xử lý. 

Nói về công văn thông báo kết quả kiểm tra của Chi cục QLTT Hà Nội, luật sư Nguyễn Thu Anh, VP luật sư Nguyễn Khánh Toàn (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: “Theo điều 2, Thông tư liên tịch 34/2015/TTLT-BCT- BNV hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của quản lý thị trường địa phương thì QLTT có nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống các vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại...

Và cũng tại Điều 5 của Pháp lệnh QLTT có hiệu lực ngày 1/9/2016 thì nguyên tắc của QLTT là phải chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong nhiệm vụ, chức năng nhiệm vụ được giao.

Vậy thì từ thời điểm tháng 9/2016, chuỗi cửa hàng MINISO bán hàng nhập khẩu không tem phụ, tem CR mà QLTT không xử lý, rõ ràng là QLTT đã sai, chưa tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Nhiệm vụ của cơ quan này là kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý, nhưng họ đã không làm và phải chờ đến khi báo chí đưa tin mới vào cuộc là chậm trễ, chưa hoàn thành nhiệm vụ”.

Thời gian qua, lực lượng QLTT nói chung, Chi cục QLTT Hà Nội nói riêng đã rất nỗ lực trong việc thanh tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại, công nghiệp và xử lý các vi phạm, góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Tuy nhiên, trước những vi phạm kéo dài về nhãn hàng hóa như Thương hiệu và Pháp luật nêu, Chi Cục QLTT Hà Nội cần chủ động, khẩn trương chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát và xử lý một cách nghiêm minh để chấn chỉnh, loại bỏ những hành vi kinh doanh không tuân thủ quy định của pháp luật.

Nhóm PVPL

 

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu