09:48 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Miễn thuế nhập khẩu với linh kiện sản xuất máy thở

Thanh Mai (tổng hợp) | 17:17 17/11/2020

(THPL) - Tại Nghị quyết 169/NQ-CP ngày 11/11/2020, Chính phủ thống nhất với đề xuất của Bộ Tài chính về nội dung thuế nhập khẩu, GTGT, TNDN khi tài trợ máy thở phòng chống COVID-19.

Theo đó, Nghị quyết nêu rõ, Chính phủ thống nhất nội dung đề xuất của Bộ Tài chính nêu tại văn bản số 13256/BTC-TCHQ ngày 29/10/2020 về nội dung thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu đối với linh kiện nhập khẩu để sản xuất máy thở phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 liên quan đến kiến nghị của Tập đoàn Vingroup - Công ty cổ phần.

Giao Bộ Tài chính ban hành danh mục cụ thể linh kiện nhập khẩu để sản xuất máy thở được miễn thuế nhập khẩu cho đến khi có văn bản công bố hết dịch COVID-19 của cơ quan có thẩm quyền và hướng dẫn cơ quan hải quan thực hiện đúng quy định.

Miễn thuế nhập khẩu với linh kiện sản xuất máy thở (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, đối với vướng mắc liên quan đến thủ tục xác nhận tờ khai nguồn gốc phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có nguồn gốc nhập khẩu theo báo cáo của Bộ Tài chính tại Công văn 11098/BTC-TCHQ ngày 14/9/2020, Chính phủ giao:

Bộ Tài chính, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng khẩn trương sửa đổi, bãi bỏ các quy định về tờ khai nguồn gốc không phù hợp, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan thực hiện việc kết nối, chia sẻ dữ liệu nguồn gốc xe nhập khẩu làm căn cứ thay thế tờ khai nguồn gốc và thực hiện thí điểm cấp đăng ký, biển số xe trên Cổng Dịch vụ công quốc gia trong quý IV năm 2020 để triển khai thực hiện trên toàn quốc từ năm 2021.

Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính thí điểm việc chia sẻ dữ liệu điện tử về nguồn gốc xe nhập khẩu để phục vụ việc đăng ký, quản lý, sử dụng xe cơ giới trong Bộ Quốc phòng, hoàn thành trong quý II năm 2021.

Ngoài ra, để hoàn thành mức cao nhất mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, trong thời gian còn lại của năm, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”, phấn đấu đạt mức tăng trưởng cả năm từ 2,5 - 3%; tập trung thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị toàn quốc về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và vốn ODA, vốn vay ưu đãi, bảo đảm gắn với trách nhiệm người đứng đầu trong công tác này, nhất là công tác giải phóng mặt bằng và triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư. Thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đầu tư tư nhân, bao gồm cả đầu tư trong nước và FDI; các mô hình kinh tế mới.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, không hạ chuẩn tín dụng. Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.

Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương có giải pháp sớm khôi phục các chuỗi cung ứng, thúc đẩy phát triển ngành logistics, công nghiệp hỗ trợ. Tranh thủ cơ hội duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu từ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, nhất là Hiệp định CPTPP và Hiệp định EVFTA; tăng cường thực hiện các giải pháp truy xuất nguồn gốc hàng hoá. Đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng nội địa phù hợp, tổ chức tốt các kênh phân phối hàng hóa gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; chú trọng phát triển thương mại điện tử. Chủ động kế hoạch bảo đảm nguồn cung hàng hoá dịp cuối năm.

Thanh Mai (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu