21:55 ngày 29/03/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Miền tây tập trung phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết

16:00 23/08/2019

(THPL) - Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết: tính đến thời điểm đầu tháng 8 năm 2019, dịch bệnh Sốt xuất huyết ( SXH) đã xuất hiện tại 60/63 tỉnh, thành trong cả nước với trên 125.000 ca, trong đó đã có 15 người tử vong. Mức độ gia tăng cả nước lên đến 330%. Riêng tại ĐBSCL, bệnh SXH cũng bùng phát rất nhanh dù các cơ quan chức năng đã có những biện pháp phòng chống ngay từ đầu năm.

Tại TP Cần Thơ, bệnh SXH tăng cao từ đầu tháng 6 đến nay ngay thời điểm mưa bão kéo dài. Ngành y tế địa phương đã tăng cường khâu tuyên truyền cổ động người dân phòng chống bằng các hình thức phát tờ bướm, tờ rơi, xe tuyên truyền lưu động, từ các bài viết, hình ảnh trên các phương tiện truyền thông như: báo Cần Thơ, Đài PTTH TP Cần Thơ, các đài truyền thanh quận, huyện; các bản tin nội bộ của các sở ban ngành có liên quan. Bên cạnh đó còn tổ chức kiểm tra sông rạch không để ô nhiễm, phá bỏ những dụng cụ có thể chứa lăng quăng. Ngoài ra còn kiểm tra vệ sinh các nhà trọ, khu vực đông người, phát quang bui rậm trên các tuyến đường…

Xe tuyên truyền nhân dân phòng chống bệnh SXH

Bà Nguyễn Thị Mỹ Ái, trưởng đài Truyền Thanh huyện Phong Điền cho biết: “ chúng tôi tăng cường thời lượng phát song với chuyên đề tập trung phòng chống SXH để nâng cao ý thức cảnh giác của người dân”.

Tính đến nay, TP Cần Thơ đã có trên 500 ca SXH, nhiều nhất là quận Cái Răng, nơi đã từng bùng phát dịch bệnh nầy ở năm 2018. Điều đáng lo ngại là tỉ lệ người lớn mắc bệnh nầy tăng cao đột biến. Đây chính là mối lo lắng của ngành y tế bởi tâm lý chủ quan, mất cảnh giác của nhiều người khi cho rằng: SXH chỉ xảy ra với trẻ em.

Tình trạng tương tự cũng đã xảy ra tại tỉnh Vĩnh Long khi các ca bệnh SXH rơi vào người lớn cũng tăng đột biến. Cụ thể từ đầu năm đến nay đã có 50 trường hợp, tăng đến 45 ca so với năm 2018. Đa phần các ca bệnh nầy phát hiện rất muộn dẫn đến bệnh diễn biến phức tạp, điều trị tích cực mất nhiều thời gian.

Kiểm tra phá bỏ những dụng cụ chứa lăng quăng

Ông Lê Bá Trình, 24 tuổi bệnh nhân SXH ngụ huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long kể lại: “ Hồi trước chỉ biết bệnh SXH xảy ra cho trẻ em, từ đó tôi chủ quan khi thấy nóng, sốt, đau cơ, buồn nôn nên chỉ mua thuốc tây về uống. Mấy ngày nay bệnh trở nặng nên vào bệnh viện. Đâu ngờ mình bị SXH. May mà phát hiện kịp thời”.

Từ đầu năm đến nay, số trường hợp mắc SXH tại tỉnh Vĩnh Long đã tăng gấp 3 lần so cùng kỳ năm trước với trên 350 trường hợp. Con số nầy chưa dừng lại với tình hình thời tiết diễn biến bất thường. Vì vậy Vĩnh Long đã tập trung rất nhiều nguồn lực để phòng chống hữu hiệu. Biện pháp then chốt vẫn là tuyên truyền trong cộng đồng; loại bỏ lăng quăng, phun hóa chất những nơi có nguy cơ, kiểm soát chặt chẽ các ổ dịch trước đây.

Tại tỉnh Tiền Giang, trong hơn 7 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh đã xảy ra trên 2.000 ca mắc bệnh SXH, tăng 146% so với cùng kỳ năm trước. Các địa phương có nhiều bệnh nhân SXH là: huyện Cai Lậy, Cái Bè, Châu Thành và TP Mỹ Tho. Đáng lo ngại là đã có 1 trường hợp tử vong. Nguy hiểm hơn là ngành y tế còn phát hiện có cả 4 chủng vi rút Dengue đang lưu hành trên địa bàn Tiền Giang.

Tiền Giang đã từng trải qua những trận dịch SXH lớn gây tổn thất nặng nề về kinh phí điều trị bệnh SXH cho nhân dân vào các năm 2004, 2007 với hơn 12.000 trường hợp mắc bệnh và đã có 12 trường hợp tử vong. Từ đó tỉnh luôn quan tâm rất đặc biệt đối với công tác phòng, chống dịch bệnh SXH.

Bác sĩ CKII Lê Đăng Ngạn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tiền Giang cho biết: “sự chuyển tuýp virus Dengue và sự thay đổi về dịch tễ liên quan đến thời tiết thay đổi bất thường, đặc biệt là thói quen trữ nước tại các vật chứa trong nhà, cũng như xung quanh nhà, nhất là mùa mưa, chính là điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn - véctơ truyền bệnh sốt xuất huyết đẻ trứng và phát triển”.

Hiện nay, Tiền Giang đang tập trung rất lớn vào chiến dịch diệt lăng quăng đợt 3 năm 2019 trên khắp các địa bàn; tổ chức vệ sinh môi trường vào thứ sáu hàng tuần ở các địa phương, cơ quan, trường học, công ty, nhà máy; tuyên truyền nhanh và sâu trong lực lượng học sinh, sinh viên, lực lượng vũ trang, công chức, viên chức, các tổ chức đoàn thể, chính trị, xã hội...

Bác sỹ đang điều trị một bệnh nhân bị bệnh SXH

Nhiều chuyên gia y tế còn cảnh báo: hiện nay diễn biến thời tiết khá bất thường, nắng nóng kéo dài đan xen với những cơn mưa lớn là nguyên nhân để muỗi phát sinh và truyền bệnh rất nhanh với qui mô lớn, cả nước đang vào cao điểm mùa dịch bệnh SXH. Vì vậy các địa phương không nên lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Ngược lại cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ, nhất là những “ điểm nóng” có dịch trước đây; huy động mọi nguồn lực tập trung phòng chống dịch SXH. Bên cạnh đó cần tiếp tục chiến dịch diệt lăng quăng. Kiện toàn đội ngũ phòng chống dịch bệnh tại các địa phương. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao ý thức cảnh giác cho người dân. Hướng dẫn cụ thể các biện pháp phòng chống ngay từ gia đình. Riêng các bệnh viện phải trong tư thế sẳn sàng đối phó với dịch bệnh bằng việc chuẩn bị cơ số thuốc; lực lượng trực 24/24 giờ; bố trí giường bệnh đầy đủ cho bệnh nhân. 

Con số mỗi năm cả nước có trên 100.000 ca mắc bệnh SXH và đã có khoãng 100 bệnh nhân tử vong vì căn bệnh nầy luôn là bài học cảnh giác cho mọi người, cho ngành y tế các địa phương. ĐBSCL đã và đang căng mình đối phó với dịch bệnh SXH đang hoành hành với tất cả những gì có được, trong đó yếu tố quan trọng là sự tự giác phòng tránh trong từng gia đình và sự ứng xử, đối phó đúng mực, đúng lúc của các ngành có liên quan.     

PV

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu