21:59 ngày 06/10/2024 | HOTLINE : 094.210.6666 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Huyện Mèo Vạc, Hà Giang: Phát huy sức mạnh tổng hợp trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững

20:20 06/10/2024

(THPL) - Là huyện vùng cao biên giới đặc biệt khó khăn của tỉnh Hà Giang, những năm qua, Đảng bộ và chính quyền huyện Mèo Vạc đã chủ động xây dựng kế hoạch, phương án triển khai các chương trình, chính sách về xóa đói giảm nghèo. Qua đó, địa phương có hàng chục nghìn hộ nghèo được hỗ trợ giống, vốn để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.

Hiệu quả từ sự đồng thuận

Tạo điều kiện để người nghèo vươn lên giảm nghèo bền vững, hạn chế nguy cơ tái nghèo, về lâu dài, việc chủ động của địa phương trong hoạch định kế sách phù hợp, thiết thực là vô cùng quan trọng. Khi mới bắt tay vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, UBND huyện đã ban hành quyết định, phân công rõ trách nhiệm quản lý, tham mưu tổ chức thực hiện các dự án, tiểu dự án cho các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì thực hiện. Qua đó, việc triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án được các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn triển khai ngay sau khi được phân bổ vốn.

Một trong những cách làm hiệu quả của huyện Mèo Vạc là thường xuyên kiểm tra, rà soát số hộ nghèo trên địa bàn, đồng thời tìm nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghèo đói ở từng gia đình, mỗi thôn, bản để từ đó đưa ra giải pháp cụ thể. Việc thực hiện tốt công tác tuyên truyền đã giúp địa phương nâng cao ý thức người dân, góp phần tạo sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong thực hiện giảm nghèo bền vững.

Với địa hình chia cắt mạnh đã tạo cho Mèo Vạc các tiểu vùng thời tiết khí hậu, nông hóa thổ nhưỡng đặc thù. Tận dụng điều đó, huyện đa dạng hóa sinh kế, phát triển các mô hình giảm nghèo phù hợp với nhu cầu trình độ canh tác và thế mạnh của địa phương. Đến nay, huyện Mèo Vạc có rất nhiều sản phẩm OCOP có nguồn gốc từ nông nghiệp, mang đặc trưng vùng miền như: Tam giác mạch, lúa Khẩu mang, ngô, chè Shan tuyết và thực hiện các dự án nuôi bò vàng, dê, gà đen… Từ những cây trồng, vật nuôi thế mạnh này, huyện xây dựng, phát triển một số sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 4 sao cấp tỉnh như: Thịt bò khô Cao nguyên đá, giò bò, rượu ngô Chí Sán, Kẹo Tam giác mạch mật ong Bạc hà, chè cao nguyên xanh… được người tiêu dùng đánh giá cao.

Mật ong bạc hà một trong những sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao tại Mèo Vạc

Bên cạnh đó, huyện Mèo Vạc còn tập trung thực hiện các chính sách, giải pháp, chương trình về hỗ trợ giảm nghèo bền vững, đào tạo nghề theo quy định; chú trọng hỗ trợ việc làm, sinh kế cho người lao động. Huyện cũng đã chỉ đạo các xã, thị trấn phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, các phòng chức năng tiến hành rà soát, phân loại đối tượng hộ nghèo để có chính sách hỗ trợ hợp lý và tạo điều kiện thuận lợi giúp người nghèo có nhu cầu vay vốn tiếp cận được các nguồn vốn, phục vụ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Ở thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi, vợ chồng chị Sùng Thị Lử là một trong những hộ dân tộc Dao đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhờ mô hình phát triển kinh tế chăn nuôi, kết hợp với trồng trọt. Ban đầu với nguồn vốn khiêm tốn, vợ chồng chị đã vay Ngân hàng chính sách 50 triệu đầu tư 2 con bò vỗ béo. Với tính chăm chỉ và ham học hỏi, sau 6 tháng chăm sóc, vỗ béo, vợ chồng chị bán bò và thu được số tiền hơn 50 triệu đồng. Thấy nuôi vỗ béo bò có lãi, gia đình tiếp tục đầu tư mở rộng đàn bò. Từ nguồn chăn nuôi bò mỗi năm, gia đình chị thu về số tiền lớn từ xuất bán bò sau khi trừ chi phí. Hiện gia đình đã xây dựng được căn nhà khang trang và mua sắm đầy đủ tiện nghi.

Mô hình chăn nuôi bò vỗ béo nguồn vốn từ các chương trình MTQG về giảm nghèo đã phát huy hiệu quả giúp người dân phát triển kinh tế 

Vợ chồng chị Sùng Thị Lử chỉ là một trong số hàng trăm hộ nông dân ở huyện Mèo Vạc đã vươn lên làm giàu với sự “tiếp sức” của Nhà nước và chính quyền địa phương thông qua các mô hình như chăn nuôi vỗ béo trâu, bò; chuyên canh lúa chất lượng cao.... Chỉ tính riêng tại xã vùng cao Pả Vi, đến nay đã có hàng chục hộ phát triển chăn nuôi vỗ béo bò với thu nhập bình quân mỗi hộ vào khoảng 80-100 triệu đồng/năm.

Những câu chuyện nhường lại những khoản hỗ trợ của Nhà nước cho các gia đình thật sự khó khăn hơn trên địa bàn huyện không còn lạ, đó là minh chứng cho ý chí, tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo của bà con huyện Mèo Vạc. Tại thôn Nà Hin, xã Nậm Ban có gia đình ông Sùng Mí Lùng đã mạnh dạn viết đơn xin thoát nghèo vào cuối năm 2023, với mong muốn để con cháu noi gương, vươn lên phát triển kinh tế.

Mô hình chăn nuôi Vịt và cá lồng đã giúp nhiều hộ dân có kinh tế cao và bền vững

Nói về những dự định sau khi mạnh dạn viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo, ông Lùng cho biết: Hiện nay, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến đồng bào, nhất là thường xuyên đưa nguồn vốn hỗ trợ không lãi suất để bà con được tiếp cận. Do vậy, chúng tôi sẽ mạnh dạn vay vốn để mua bò vỗ béo, bò sinh sản, gia cầm, giống cây trồng mới về gieo trồng, chăn nuôi phát triển kinh tế; động viên các cháu cố gắng học tập hoặc chủ động tham gia các lớp đào tạo nghề hay đăng ký đi làm việc tại các công ty, doanh nghiệp để tạo thêm thu nhập chính đáng.

Ông Nguyễn Huy Sắc, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc chia sẻ, nếu huyện hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt cho hộ nghèo thì sẽ nhàn cho cán bộ thực hiện cũng như việc tiếp nhận nguồn vốn của người dân, nhưng chắc chắn hiệu quả không cao. Do vậy, huyện đã lựa chọn và tập trung phát triển, nhân rộng mô hình chăn nuôi, hỗ trợ con giống để thúc đẩy sản xuất cho người dân, nhất là các thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Giúp dân nghèo an cư trong mái nhà kiên cố

Ngoài việc hỗ trợ con giống, phát triển mô hình giảm nghèo, tạo việc làm cho người dân, huyện Mèo Vạc còn xác định giải quyết căn bản vấn đề nhà ở, đặc biệt là xóa nhà tạm, nhà không bảo đảm an toàn cho đồng bào là nhiệm vụ quan trọng.

Thực hiện dự án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Mèo Vạc được phân bổ gần 46 tỷ đồng để xây dựng nhà ở cho 1.045 hộ có khó khăn về nhà ở. Đây là nguồn lực quan trọng và cần thiết trong bối cảnh điều kiện của huyện vẫn còn nhiều khó khăn.

Sau thời gian triển khai đề án, đến nay, toàn huyện xây dựng và hoàn thành được 553 căn nhà, đạt 53% kế hoạch tỉnh giao. Những ngôi nhà được xây mới đảm bảo bền chắc, phù hợp với bản sắc của từng dân tộc và các mẫu nhà được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Quá trình thực hiện ngành chuyên môn của huyện đã tích cực tham mưu, hướng dẫn các địa phương triển khai chính sách hỗ trợ đảm bảo theo đúng quy định.

Nhờ an cư, nhiều hộ nghèo nỗ lực vươn lên thoát nghèo đa chiều. Đơn cử như gia đình chị Ly Thị Dính ở thôn Cá Ha, xã Giàng Chu Phìn. Trước đây chị luôn nằm trong danh sách hộ nghèo ở địa phương, kinh tế của cả gia đình chỉ trông chờ vào chăn nuôi gà và mảnh nương nhỏ trồng ngô.

Mèo Vạc triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát cho bà con trên địa bàn

"Nhiều lúc ăn còn không đủ nên, chưa bao giờ tôi nghĩ có ngày gia đình tự xây, sửa được ngôi nhà cũ đã xuống cấp", chị nói. Nhờ được hỗ trợ kinh phí từ Chương trình MTQG, chị và gia đình được sống trong ngôi nhà mới xây rộng rãi, kiên cố. Chị còn được hỗ trợ 15 triệu đồng để mua bò phát triển kinh tế. Đây là động lực để gia đình thoát nghèo trong thời gian tới.

Thực tế cho thấy, các chính sách giảm nghèo đã đi vào cuộc sống, mở ra cơ hội cho hàng trăm người nghèo có vốn sản xuất, có việc làm để tăng thu nhập, từng bước cải thiện điều kiện sống; các nhu cầu thiết yếu như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, thông tin… cơ bản được đáp ứng. Người dân cũng đã nhận thức rõ hơn về trách nhiệm của chính bản thân và chủ động trong việc tiếp nhận các chính sách và nguồn hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng để tự vươn lên thoát nghèo.

Chứng kiến sự đổi thay tích cực của địa phương, ông Nguyễn Huy Sắc, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết, thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền người dân nâng cao nhận thức, có ý thức tự vươn lên, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng các dân tộc. Đồng thời sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho người dân, đặc biệt việc hỗ trợ các cây, con giống; phối hợp sở ngành của tỉnh để chuyển đổi một số loại cây kém hiệu quả sang trồng cây có hiệu quả, giá trị kinh tế cao và khuyến khích người dân chăn nuôi gia súc để mang lại hiệu quả kinh tế.

Sự đổi thay của huyện vùng cao Mèo Vạc hôm nay được dựng xây từ sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Đó chính là nền tảng để Mèo Vạc viết thêm những thành tích tự hào của quê hương trong chặng đường mới.

Mộc Trà

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu