01:23 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Lô chanh leo đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU

| 19:16 19/12/2017

(THPL) - Ngày 19/12, Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh Sơn La tổ chức lễ khởi công Nhà máy chế biến chanh leo, rau củ quả xuất khẩu do Tập đoàn Nafood đầu tư, đồng thời chính thức công bố lô chanh leo đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU.

Theo báo Nông nghiệp Việt Nam, đây là một tin vui trong những ngày cuối năm 2017, hòa chung với thắng lợi và bứt phá mạnh mẽ của xuất khẩu ngành hàng rau quả đã vượt mốc kim ngạch 3 tỷ USD trong năm nay.

Cùng với các mặt hàng cây ăn quả chủ lực, xuất khẩu tươi như thanh long, xoài, nhãn, vải..., hàng loạt các sản phẩm rau quả chế biến của Việt Nam đã và đang có mặt trên thị trường quốc tế. Trong đó, chanh leo chế biến đang nổi lên là một đối tượng cây trồng có tiềm năng rất lớn tại Việt Nam, nhất là tại các tỉnh miền núi.

Việc Tập đoàn Nafood đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến chanh leo và các sản phẩm rau củ quả tại một tỉnh miền núi như Sơn La đã lần đầu tiên đánh dấu sự vươn lên của mặt hàng rau quả nói chung, trong đó có chanh leo tại các tỉnh vốn còn nhiều dư địa cho mặt hàng rau quả như Trung du miền núi phía Bắc nước ta.

chanh leo, xuất khẩu chanh leo
Trồng chanh leo tại Mộc Châu (Sơn La). Ảnh: Báo Nông nghiệp Việt Nam

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ NN&PTNT), chanh leo đang là loại trái cây được rất nhiều thị trường quan tâm và liên tục tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây bởi giàu chất chống ô xy hóa, giàu vitamin và chất xơ, có tác dụng tốt cho sức khỏe. Chanh leo ở dạng tươi cũng như sản phẩm chế biến đều rất được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Hằng năm, thế giới sản xuất khoảng 1,4 triệu tấn chanh leo tươi. Các nước sản xuất lớn là Brazil, Indonesia, Ấn Độ, Colombia.

Ở Việt Nam, chanh leo đã được du nhập từ những năm 90, thích nghi tốt và dần phát triển rộng ra nhiều tỉnh trong cả nước, đem lại thu nhập cao cho nông dân.

Đến nay, chanh leo đang được trồng chủ yếu ở Tây Nguyên, Nghệ An, Hòa Bình và Sơn La với diện tích khoảng 5.000ha, trong đó Gia Lai, Kon Tum: 2.500ha, Lâm Đồng: 1.000ha: Đăk Lăk, Đăk Nông, Nghệ An, Tây Bắc khoảng 1.500ha. Năng suất chanh leo trung bình vùng Gia Lai, Kon Tum là 50 - 60 tấn/ha; vùng Lâm Đồng, Đăk Lăk, Đăk Nông: 35 - 40 tấn/ha; Nghệ An, Sơn La: 25 - 30 tấn/ha...

Trên thị trường thế giới hiện nay, chanh leo là một trong bốn loại trái cây có nhu cầu cao nhất. Nhu cầu đối với chanh leo tươi là hàng trăm nghìn tấn quả/năm; với nước ép chanh leo cô đặc khoảng trên 30.000 tấn/năm. Do đó, tiềm năng xuất khẩu chanh leo của Việt Nam là rất lớn. Bên cạnh đó, nhu cầu chanh leo phục vụ tiêu dùng trong nước cũng là thị trường rất rộng. Những đơn vị tiên phong và có đóng góp trong việc phát triển sản xuất và xuất khẩu chanh leo của Việt Nam hiện nay phải kể tới một số đơn vị tại phía Bắc như Cty Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Ninh Bình), Tập đoàn Nafood (Nghệ An)...

Theo Bộ NN&PTNT, giá trị xuất khẩu hàng rau quả 11 tháng năm 2017 ước đạt 3,16 tỷ USD, tăng 43,2% so với cùng kỳ năm 2016, thông tin trên TTXVN cho hay.

Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Hàn Quốc tiếp tục là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của hàng rau, quả Việt Nam với thị phần lần lượt là 75,6%, 3,6%, 2,9%, và 2,6%. Các thị trường có giá trị xuất khẩu hàng rau, quả tăng mạnh là Nhật Bản (67,6%), Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (56,9%), và Trung Quốc (52,7%). 

Đến cuối năm 2017, đã có khoảng 40 loại rau quả Việt Nam được xuất khẩu sang 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bên cạnh những thị trường truyền thống, trái cây Việt đã từng bước khẳng định chất lượng, chinh phục được những thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Canada, Australia, New Zealand...

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu