12:05 ngày 29/03/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng: Tự hào tinh hoa mỹ nghệ 1.000 năm tuổi

09:42 08/06/2022

(THPL) - Nhắc đến làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội) nhiều người dân trong cả nước đều nghĩ ngay tới ngôi làng cổ với nghề truyền thống đúc, tạc tượng, đồ thờ cúng… được hình thành và tồn tại hàng trăm năm ở Việt Nam. Từ những gốc mít già xù xì, qua bàn tay tài hoa của những người nghệ nhân, nhiều pho tượng đã được hình thành, chứa đựng tâm tư, tình cảm, sự tôn kính của người dân, gửi gắm những mong cầu cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Theo lời kể của các nghệ nhân trong làng: Làng nghề Sơn Đồng được hình thành và phát triển hàng ngàn năm, kể từ khi nền văn hoá Phật giáo được truyền bá vào Việt Nam.

Trong thời kỳ phong kiến, làng nghề có hàng trăm người thợ được phong Tước bá hộ kỹ nghệ (nay gọi là nghệ nhân). Các dấu ấn vật thể 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đều có đôi bàn tay tài hoa của người nghệ nhân Sơn Đồng tham gia như: Văn miếu Quốc Tử Giám, Khuê Văn Các, đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, chùa Một Cột...

Làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng từng bị mai một vào những năm kháng chiến chống Mỹ và thời kỳ bao cấp, nhưng sau đó đã được các nghệ nhân Nguyễn Chí Dậu và Nguyễn Đức Cường khôi phục vào năm 1983.

Cụ Nguyễn Chí Dậu, nghệ nhân từ thời thuộc Pháp đã quyết định khôi phục nghề truyền thống bằng việc đứng ra tổ chức lớp học nghề chạm khắc gỗ và sơn mài, cốt là để truyền nghề cho con cháu. Hơn 30 học viên ngày đó, bây giờ đã trở thành những người thợ giỏi, chủ cơ sở sản xuất lớn trong làng và đang tiếp tục truyền nghề cho thế hệ trẻ.

Làng nghề Sơn Đồng được hình thành và phát triển hàng ngàn năm, kể từ khi nền văn hoá Phật giáo được truyền bá vào Việt Nam.
Từ những gốc mít già xù xì, qua bàn tay tài hoa của những người nghệ nhân, nhiều pho tượng đã được hình thành, chứa đựng tâm tư, tình cảm, sự tôn kính của người dân.

Nói về quy trình chế tác sản phẩm làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng, chúng tôi được biết: Sản phẩm của làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng chuyên về tượng và đồ thờ sơn son thếp vàng, thếp bạc, phục vụ đời sống văn hoá tâm linh, tín ngưỡng của người dân.

Tượng gỗ của Sơn Đồng có quy cách, tỷ lệ nhất định giữa các bộ phận nên tượng tạc ra rất cân đối và có nét đặc sắc riêng. Điều đặc biệt là dù khách hàng đặt tạc bất cứ pho tượng thờ nào thì người thợ Sơn Đồng đều làm được ngay mà không cần mẫu có sẵn.

Từ những thân gỗ mít, qua bàn tay khéo léo, tài hoa của người thợ Sơn Đồng, những pho tượng được hình thành như có hồn và trở nên sống động vô cùng. Để làm được điều đó, người thợ phải có kinh nghiệm, có kiến thức về văn hóa Phật giáo, văn hóa tâm linh, hiểu được các điển tích, tính cách, vị trí của từng pho tượng trong tâm thức.

Có dịp về thăm làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng, chúng tôi không khó để nghe thấy những âm thanh giòn tan của tiếng đục, tiếng đẽo và tiếng chạm khắc gỗ. Nhịp sản xuất tại đây lúc nào cũng khẩn trương, miệt mài như cách mà nhiều người thợ, người nghệ nhân nơi đây vẫn bền bỉ duy trì và phát triển trong hàng nghìn năm qua.

Hiện cả xã có hơn 4.000 lao động làm nghề thủ công mỹ nghệ thường xuyên, trong đó có đến hơn một nửa là thợ giỏi và nhiều thợ giỏi được tôn vinh, phong danh hiệu nghệ nhân.

Sản phẩm của Làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng chiếm khoảng trên 50% thị phần toàn quốc về tượng và đồ thờ sơn son thếp vàng, thếp bạc phủ màu hoàng kim, phục vụ mảng đời sống văn hoá tâm linh, tín ngưỡng của người dân.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà tềnh toàng xen lẫn sự nhiệt tình và mến khách, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chinh kể về sự bén duyên với nghề, với mảnh đất được mệnh danh là "địa linh sinh nhân kiệt" – làng nghề Sơn Đồng, Hoài Đức, Hà Nội.

Anh Chinh kể rằng, gia đình anh có ba chị em đều làm nghề mỹ nghệ. Mẹ anh là giáo viên còn bố anh làm nghề mỹ nghệ. Cũng bởi vậy, ngay từ nhỏ, hàng ngày chứng kiến cảnh đục đẽo hay tô sơn, nghề mỹ nghệ đã thấm sâu vào tâm hồn cũng như máu thịt của anh. 

Chia sẻ về con đường xây dựng thương hiệu riêng của Đồ thờ Đăng Chinh, anh cười xòa mà rằng: “Cửa hàng anh luôn đa dạng các mặt hàng: từ những bức tượng ông Thiện, ông Ác ai nghiêm; tượng Phật nghìn tay nghìn mắt,…đến những bộ bàn thờ, câu đối sơn son thếp vàng. Gia đình anh làm nghề  từ nhiều năm nay,  nên bản thân anh cũng tiếp xúc và yêu nghề từ rất nhỏ”…

Vùng đất cổ Sơn Đồng không chỉ là nơi thổi hồn vào gỗ, mà nơi đây còn lưu giữ bao nét đẹp văn hóa dân tộc. Mảnh đất quê hương giàu truyền thống đã trở niềm tự hào của biết bao thế hệ người dân Sơn Đồng. Những giá trị mà người con Sơn Đồng muốn lưu giữ, truyền lại cho thế hệ mai sau không chỉ là nếp nghề trân quý, mà còn là những giá trị tinh hoa, văn hóa cổ truyền, là tình yêu quê hương, là khát khao kiến tạo những giá trị cộng đồng đáng quý để bảo tồn và phát triển cho muôn đời sau.

Huyền Chi

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu