11:58 ngày 27/09/2024 | HOTLINE : 094.210.6666 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Hưng Yên: “Làng Khoai” Như Quỳnh – Nỗi lo ô nhiễm môi trường chưa bao giờ hết

08:11 27/09/2024

THPL – Qua hàng chục năm nhưng làng Khoai, Như Quỳnh, Hưng Yên vẫn luôn tồn tại nhiều nỗi lo lắng về ô nhiễm môi trường. Những hộ dân ở đây bị vây quanh bởi nhiều nhà máy công nghiệp, rạch nước thải và bãi tập kết rác thải nhựa.

Làng Khoai – “Thủ phủ rác thải nhựa”

Trong ký ức nhiều người, làng Khoai gắn với sự nghèo khó, như chính cái tên “cúng cơm” người dân huyện Văn Lâm đặt cho làng Minh Khai, thị trấn Như Quỳnh (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên).

Trước đây, ở làng Khoai, sản xuất nông nghiệp là nguồn thu nhập chính của người dân. Sau này, người dân làng Khoai có thêm một nghề sinh kế khác, đó là nghề thu mua và chế biến phế liệu nhựa.

Các hộ gia đình ở làng Khoai xây dựng nhiều khu nhà xưởng sản xuất chuyên nghiệp

Qua hơn 30 năm, không nhiều người làng Khoai còn nhớ chính xác người đã tiên phong đưa nghề thu mua phế liệu, tái chế nhựa về thành nghề truyền thống của làng. Họ chỉ nhớ rằng, khoảng năm 1994, một số người dân làng Khoai đã lên Hà Nội, vào Thành phố Hồ Chí Minh học hỏi nghề tái chế nhựa và đã đem những chiếc máy tái chế nhựa đầu tiên về làng.

Người dân Như Quỳnh, Hưng Yên hầu hết đều làm việc liên quan tới rác thải nhựa

Người dân nơi đây luôn tự hào "làng Khoai là một điểm sáng về kinh tế", người làng Khoai giàu lên nhờ rác, nhờ có làng Khoai mà "bao nhiêu rác không phân hủy được đã được…xử lý". Theo người dân làng Khoai, hiện khoảng 70% số hạt nhựa sản xuất tại làng Khoai được xuất bán sang Trung Quốc. Thương lái Trung Quốc về tận làng hợp đồng rồi vận chuyển đi. Ngoài ra, những hộ không làm hạt nhựa tái chế thì mua hạt nhựa về rồi “thổi” thành phẩm.

Người dân làng Khoai truyền tai nhau, doanh nghiệp sản xuất hạt nhựa lợi nhuận không dưới 100 triệu đồng/container. Theo thống kê của huyện Văn Lâm, doanh thu của các hộ làm nhựa tại làng Khoai lên đến hàng chục tỷ đồng mỗi năm, làng Khoai trở thành làng tỷ phú ở Như Quỳnh. Chính vì thế, người dân nơi đây đổ xô đi làm nghề xử lý và chế biến rác thải nhựa.

Nỗi lo môi trường từ làng nghề và nhiều nhà máy trên địa bàn

Qua những công đoạn tái chế thô sơ, rác thải nhựa lại được biến thành những hạt nhựa đủ màu sắc đem bán tại địa phương và xuất đi các tỉnh thành trong và ngoài nước.  Quá trình đưa rác về làng, tái chế, tạo hạt nhựa, sản xuất các sản phẩm mới như túi nilon, khay, cốc nhựa, dây buộc, bàn ghế, nilon công nghiệp… đã khiến không khí, đất, nước làng Khoai ô nhiễm nghiêm trọng.

Suốt nhiều năm liền, làng Khoai chìm trong khói bụi. Bụi lẫn trong rác từ khắp nơi dồn về, khói đen từ các xưởng sản xuất, xưởng tái chế hoạt động không ngừng nghỉ suốt cả ngày lẫn đêm.

Nhiều nhà máy sản xuất lớn “đóng địa chỉ” ở Như Quỳnh, Hưng Yên (ảnh chụp google map)

Dù đã có những hộ chuyển đổi công nghệ, xây hệ thống đốt lưới, song có lẽ từng đó không thấm tháp gì so với tốc độ sản xuất, tái chế khủng khiếp của hàng trăm công ty, hộ gia đình nhỏ lẻ tại đây

Chị Hà (thị trấn Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên) cho biết: “Môi trường làng Khoai bị ô nhiễm từ nhiều năm nay. Đi ra đường là phải đeo khẩu trang suốt, không thì không chịu nổi. Khi trời nắng nóng thì vừa khó thở vì mùi thối, vừa đau đầu vì ồn ào khắp nơi”.

Chi nhánh sản xuất của Công ty TNHH Lavie nằm cạnh con rạch nước thải lớn, với nước ô nhiễm đen sì đầy rác thải nhựa và các loại rác thải khác bốc mùi hôi thối

Bên cạnh những vấn đề ô nhiễm xuất phát từ chính làng nghề “tái chế rác nhựa” của người dân, làng Khoai cũng có nhiều nỗi lo ô nhiễm khác vì có nhiều nhà máy, công xưởng sản xuất lớn nằm trên địa bàn. Đặc biệt là nỗi lo về ô nhiễm nguồn nước ngầm.

Trên trục đường chính đi vào làng Khoai, có thể thấy những nhà máy như Acecook Việt Nam, Công ty TNHH Ống thép Hòa Phát, Chi nhánh sản xuất của công ty TNHH Lavie, Cơ sở sản xuất nhựa, Nhà máy nhựa Việt Hưng… Đây đều là những nhà máy có công suất lớn, hệ thống xe vận tải di chuyển hàng ngày …

Ông Nguyễn Văn Nguyên – phó Trưởng phòng Tài nguyên nước và khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường Hưng Yên cho biết:

“Asen vô cơ là một chất cực độc, được Tổ chức nghiên cứu ung thư thế giới và liên minh châu Âu công nhận đây là chất gây ung thư nhóm 1. Tổ chức Y tế thế giới đưa Asen vào nhóm độc loại A. Vì vậy mà nếu nguồn nước ngầm mà bị nhiễm Asen thì người dân sử dụng thì sẽ nguy hiểm tới sức khỏe con người”.

Ông Nguyễn Văn Nguyên – phó Trưởng phòng tài nguyên nước và khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường Hưng Yên

“Hiện tại, theo bản tin thông báo, dự báo và cảnh báo tài nguyên nước dưới đất tỉnh Hưng Yên của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia (tháng 8 năm 2024), đánh giá nước dưới đất tại Công trình quan trắc ở thị trấn Như Quỳnh thuộc loại nước nhạt, có các chỉ tiêu: độ mặn (TDS), vi lượng (As, Se, Pb), Amoni (NH4) trong giới hạn quy chuẩn Việt Nam (09/2023/ Bộ tài nguyên môi trường). Chỉ tiêu Mn và Fe hầu hết vượt giới hạn cho phép. Tuy nước dưới dất tại điểm quan trắc ở Như Quỳnh, Văn Lâm có chỉ tiêu Asen không bị ô nhiễm, nhưng vẫn rất cần sự lưu ý của người dân khi sử dụng nguồn nước giếng đào, hồ chứa nước … trong khu vực” – ông Nguyên cho biết thêm

Có thể thấy, hiện tại làng Khoai (Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên) vẫn đang chịu vấn nạn ô nhiễm môi trường từ nhiều nguyên nhân gây ra. Việc quá nhiều các hộ gia đình làm nghề tái chế nhựa và nhiều nhà máy sản xuất lớn trên địa bàn có thể gây ra ô nhiễm ngày càng nặng nề cho không khí hoặc nguồn nước ngầm nơi đây. Chắc chắn sẽ mất rất nhiều thời gian và cần nhiều biện pháp quyết liệt để cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm tình trạng này.

Nhóm PV

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu