09:15 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Lâm Đồng: Trình Thủ tướng duyệt Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc

14:06 08/11/2022

(THPL) - Mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có Tờ trình số 8417/TTr- UBND đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) – Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) theo phương thức PPP.

Tại tờ trình, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc do nhà đầu tư đề xuất dự án là Liên danh đầu tư gồm Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả, Công ty cổ phần Tập đoàn Hưng Thịnh và Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Miền Trung (Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả đại diện liên danh nhà đầu tư).

Dự án có chiều dài khoảng 66 km, trong đó trên địa phận tỉnh Đồng Nai khoảng 11 km (đi qua huyện Tân Phú); tỉnh Lâm Đồng khoảng 55 km (đi qua huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Bảo Lâm và TP. Bảo Lộc).

 Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc sẽ có chiều dài 66 km. Ảnh minh hoạ

Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc có điểm đầu tại Km60+100, tức trùng với điểm cuối dự án đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú tại cầu vượt nút giao quốc lộ 20 (thuộc xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai), và điểm cuối tại Km126+360 trên lý trình tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, giao với đường Nguyễn Văn Cừ (thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng).

Dự án được phân kỳ đầu tư; trong đó, giai đoạn phân kỳ được điều chỉnh từ bề rộng nền đường 13,5m với 02 làn xe thành 17m với 04 làn xe. Các đoạn dừng xe khẩn bố trí không liên tục mà bố trí với khoảng cách 4 - 5 km/vị trí để bảo đảm trong khoảng thời gian từ 3 - 5 phút nếu có sự cố, xe có thể di chuyển đúng tốc độ 80 km/h đến điểm dừng khẩn cấp.

Giai đoạn hoàn chỉnh đầu tư hoàn thiện với quy mô theo quy hoạch với bền rộng nền đường 22 m gồm 04 làn xe và 02 làn dừng xe khẩn cấp liên tục. Tổng mức đầu tư xây dựng theo quy định hiện hành và được đề xuất khoảng 17.200 tỷ đồng. So với tổng mức đầu tư được đề xuất trước đó, tổng mức đề xuất lần này cao hơn gần 1.000 tỷ đồng.

Cơ cấu nguồn vốn trong tổng mức đầu tư 17.200 tỷ đồng như sau: Vốn ngân sách 6.500 tỷ đồng, gồm vốn ngân sách trung ương 2.000 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương của Lâm Đồng 4.500 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu nhà đầu tư khoảng 1.600 tỷ đồng; vốn huy động dự ước 9.100 tỷ đồng.

Phần vốn nhà nước chi trả kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, hỗ trợ xây dựng công trình tạm và hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng khoảng 6.500 tỷ đồng. Phương thức quản lý và sử dụng vốn nhà nước bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư; hỗ trợ công trình tạm và hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng: tách thành dự án thành phần hoặc tiểu dự án để thực hiện theo quy định tại Điều 70 và Điều 72 Luật Đầu tư theo phương thức PPP.

Theo kế hoạch, dự án được xây dựng trong niên hạn 2022 – 2025 và đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo phương thức PPP, trình Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 4497/UBND-GT ngày 22/6/2022 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng.

Liên quan đến dự án, trước đó, Hội đồng thẩm định liên ngành đã có báo cáo thống nhất Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của Dự án đã đủ điều kiện để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư. Ngay sau đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã tiếp thu, hoàn thiện theo ý kiến của Hội đồng thẩm định liên ngành và các thành viên của Hội đồng thẩm định liên ngành.

Trước đó, dự án hợp phần cao tốc Dầu Giây - Tân Phú giai đoạn 1, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư theo phương thức đối tác PPP, giao Bộ Giao thông vận tải làm cơ quan thẩm quyền, tổ chức triển khai các thủ tục theo quy định pháp luật, phối hợp với ủy ban nhân dân các địa phương liên quan phấn đấu khởi công dự án trong năm 2023 và hoàn thành trong năm 2025.

Thanh Mai

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu