18:19 ngày 26/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Kinh tế số giúp thay đổi mô hình kinh doanh ra sao?

09:23 15/02/2021

(THPL) - Kinh tế số đang làm thay đổi lợi thế so sánh của nước ta về nhân công giá rẻ, tạo ra nhiều nghề mới đòi hỏi kỹ năng mới, đồng thời làm giảm một số nghề theo lối “truyền thống” dẫn đến thay đổi cơ cấu kinh tế và cơ cấu việc làm.

TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương: “Thể chế cho các hoạt động kinh tế số chưa được hình thành đồng bộ”.

Hiện nay, hạ tầng cho kinh tế số phát triển chưa đồng bộ, hạ tầng kinh tế - xã hội còn thấp, hạ tầng kết nối số và năng lực kết nối vẫn còn hạn chế. Việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia chậm được triển khai. Việc kết nối, chia sẻ các cơ sở dữ liệu của cả khu vực công và tư còn nhiều bất cập. Hạ tầng kết nối số và năng lực kết nối số vẫn còn ở mức thấp. Năng lực nghiên cứu, phát triển công nghệ và các ứng dụng, chế tạo thiết bị còn hạn chế, dựa nhiều vào nguồn nhập khẩu, giá cao. Trang bị kỹ thuật cho thu thập, lưu trữ, xử lý dữ liệu còn ít, thiếu sự kết nối, liên thông; an toàn, an ninh mạng chưa được đảm bảo. Cùng với đó, thể chế cho các hoạt động kinh tế số chưa được hình thành đồng bộ, chậm được hoàn thiện; chưa có hành lang pháp lý cho thí điểm triển khai áp dụng các mô hình kinh doanh, dịch vụ mới. Còn thiếu các quy định về bảo vệ cơ sở dữ liệu, dữ liệu cá nhân, thông tin riêng tư; vấn đề quyền cá nhân, đạo đức khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo; định danh số và xác thực điện tử cho người dân chưa phát triển. Giải pháp cần phải triển khai sớm đó là tăng số nhân lực ngành công nghệ thông tin bằng cách mở các ngành đào tạo mới; đổi mới hình thức đào tạo lấy doanh nghiệp làm trung tâm; cơ cấu lại lao động trong lĩnh vực công nghệ thông tin theo hướng tăng tỷ trọng lao động có kỹ năng, chuyên môn cao; xây dựng Quỹ phát triển nguồn nhân lực.

 

TS Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương

TS Nguyễn Trí Hiếu:Không chuyển đổi sang kinh tế số, doanh nghiệp bị bỏ lại phía sau”.

Với các doanh nghiệp có tiềm năng phát triển thì việc chuyển đổi sự vận hành của doanh nghiệp sang nền tảng kỹ thuật số từ khâu lập kế hoạch, đến quản trị và quản lý, quy trình sản xuất kinh doanh, tồn kho, bán hàng, marketing, nhân sự, kế toán, là một xu hướng phát triển tất yếu. Trong thời đại cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nếu không chuyển đổi trên nền tảng kỹ thuật số, doanh nghiệp có thể bị bỏ lại phía sau. Tuy nhiên, chi phí cho chuyển đổi số là rất lớn. Nếu chỉ chuyển đổi số tại một số khâu như quản lý, tài chính hay quy trình sản xuất thì số vốn bỏ ra không nhiều, có thể chỉ vài chục nghìn USD. Nhưng nếu toàn bộ sự vận hành của một doanh nghiệp được chuyển đổi số với rất nhiều những lãnh vực hoạt động trước kia làm bằng tay, thì chi phí có thể lên đến hàng triệu USD. Với những doanh nghiệp đang vật lộn với những tác động của đại dịch COVID-19 thì nguồn vốn tự có và vốn vay đã không đủ để trang trải chi phí thì việc đầu tư vào quá trình chuyển đổi số là điều không thể. Chính vì thế, nếu không có một giải pháp tài chính để hỗ trợ các doanh nghiệp thì quá trình chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ bị lùi lại.

Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: “Xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số”.

Để hỗ trợ kinh tế số phát triển, thời gian tới cần thúc đẩy xây dựng hạ tầng kinh tế số, xã hội số, hạ tầng kết nối vạn vật. Tiếp tục xây dựng mạng viễn thông băng rộng, từng bước hình thành hạ tầng mạng thông tin di động 5G phục vụ cho phát triển nền kinh tế số, xã hội số; đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số. Thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu lớn, quan trọng và liên thông các hệ thống thông tin, hạ tầng cơ sở dữ liệu quốc gia; tăng cường sử dụng chung cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông. Xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý cho các loại hình kinh doanh mới, kinh tế số, cung cấp dịch vụ công, quản lý và bảo vệ môi trường theo nguyên tắc thị trường. Xây dựng chính sách thử nghiệm (Sandbox) để cho phép thử nghiệm các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh, công nghệ mới tại Việt Nam như thanh toán điện tử, đô thị thông minh… Đẩy nhanh mô hình thử nghiệm chính sách thông qua các Trung tâm đổi mới sáng tạo để tạo dựng môi trường phù hợp cho việc áp dụng các công nghệ mới có tính đột phá.

Phương Linh (ghi)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu