17:41 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Khẩn trương ngăn chặn dịch COVID-19 bùng phát trên diện rộng

Quốc Cường | 07:54 04/12/2020

(THPL) - Với mục tiêu nhanh chóng triển khai công tác hướng dẫn cán bộ y tế truy vết người tiếp xúc với ca bệnh để tổ chức cách ly, kịp thời ngăn chặn dịch COVID-19 bùng phát trên diện rộng, Bộ Y tế đã xây dựng và đưa ra Sổ tay Hướng dẫn thực hành, thần tốc, triệt để, truy vết người tiếp xúc với người có xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính.

Nội dung “Sổ tay Hướng dẫn” nêu rõ, Ban chỉ đạo phòng chống dịch cấp tỉnh, huyện, xã, các cơ quan, đơn vị có liên quan có nhiệm vụ huy động tối đa mọi nguồn lực, đảm bảo cho công tác truy vết nhanh, hiệu quả.  Không được để sót người tiếp xúc với người có xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính. Trên cơ sở những kinh nghiệm có được từ việc ứng phó với các vụ dịch tại Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hải Dương, Đà Nẵng và các địa phương khác trong thời gian qua, Bộ Y tế đã rất nhanh chóng xây dựng nội dung Sổ tay này để phổ biến tới các cơ quan, địa phương thực hiện.

(Hình minh họa) 

Việc truy vết người tiếp xúc với người có xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính được thực hiện với 7 điểm quan trọng cơ bản và cụ thể. Thứ nhất, tiến hành truy vết càng sớm càng tốt, ngay khi có thông tin ca bệnh. Thứ hai,   xác định các “mốc dịch tễ” trước, sau đó mới truy vết đến từng người tiếp xúc. Thứ ba, sử dụng đồng thời nhiều lực lượng truy vết để tiến hành truy vết thật nhanh theo các “mốc dịch tễ” phát hiện được. Thứ tư, áp dụng nhiều biện pháp truy vết; các biện pháp có thể thu thập được các thông tin trùng lặp nhau nhưng bổ sung cho nhau, giúp truy vết người tiếp xúc một cách đầy đủ và có hệ thống. Thứ năm, đầu tư nguồn lực và thời gian để hoàn thành truy vết F1 trước trong thời gian sớm nhất; việc truy vết F2 thực hiện sau khi đã cơ bản hoàn thành truy vết F1. Thứ sáu, các “mốc dịch tễ” và người tiếp xúc gần F1 cần được truy vết trong khoảng thời gian từ 3 ngày trước khi ca bệnh khởi phát cho đến khi ca bệnh được cách ly y tế. Thứ bảy, người tham gia truy vết khi thực hiện nhiệm vụ phải thực hiện các biện pháp phòng tránh lây nhiễm.

“Sổ tay Hướng dẫn” cũng phân định rõ, F1 là người có tiếp xúc gần trong vòng 2 mét với ca bệnh xác định trong khoảng thời gian từ 3 ngày trước khi khởi phát của ca bệnh cho đến khi ca bệnh được cách ly y tế. Khởi phát của ca bệnh được tính là ngày có triệu chứng bất thường đầu tiên về sức khỏe mà bệnh nhân cảm nhận được, có thể là một trong các triệu chứng sau: sốt, mệt mỏi; đau người, gai người ớn lạnh; giảm hoặc mất vị giác, khứu giác; sốt; ho; đau họng... Nếu là người lành mang trùng (người không có bất cứ triệu chứng gì) thì ngày khởi phát được tính là ngày lấy mẫu bệnh phẩm có xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

 F2 là người tiếp xúc gần trong vòng 2 mét với F1 trong khoảng thời gian từ ngày đầu tiên F1 tiếp xúc với ca bệnh (kể từ 3 ngày trước khi ca bệnh khởi phát) cho đến khi F1 được cách ly y tế. Mốc dịch tễ: Là địa điểm, sự kiện mà ca bệnh đã đi đến hoặc đã tham gia trong khoảng thời gian từ 3 ngày trước khi khởi phát bệnh cho đến khi bệnh nhân được cách ly y tế.

Đồng thời, nội dung “Sổ tay Hướng dẫn”  thực hành truy vết người tiếp xúc với người có xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính cũng nêu rõ 5 bước truy vết F1 bao gồm.  Bước một,  xác định các “mốc dịch tễ". Bước hai,  thông báo các “mốc dịch tễ" cho bộ phận điều phối truy vết (bộ phận điều phối). Bước ba, triển khai truy vết F1. Bước bốn, rà soát và hoàn thiện danh sách F1. Bước năm, tổ chức cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm.

Sau khi đã cơ bản hoàn thành truy vết F1, tiến hành truy vết F2 theo các cách sau đây. Cách một, phát Biểu mẫu tự cung cấp thông tin về F2 cho người F1 tự khai báo. Cách hai, cơ sở cách ly tập trung, chính quyền địa phương và y tế cơ sở tiếp tục điều tra truy vết F2 tại cộng đồng cũng như hỏi khai thác F2 từ người F1 tại cơ sở cách ly tập trung. Cách ba, chuyển danh sách F2 truy vết được cho địa phương để tổ chức cách ly y tế tại nhà theo quy định.

Quốc Cường

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu