09:44 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Khai mạc triển lãm ‘Tết xưa’

PV | 15:32 15/01/2022

(THPL) - Ngày 14/01, tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, các hoạt động tương tác thú vị như phiên chợ ngày xuân, chơi hoa thủy tiên, trưng bày các loài hoa xuân và tranh ảnh… được tổ chức và khai mạc.

Phát biểu chào mừng tại Triển lãm, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng nhấn mạnh, Tết Nguyên đán của dân tộc là ngày lễ tết Cổ truyền lớn nhất của nước ta; cũng là thời khắc được mong đợi nhất trong năm, đây cũng là thời gian để các thành viên trong gia đình gặp gỡ, sum vầy và cùng nhau ôn lại những gì đã trải qua trong một năm; đồng thời, cũng là dịp để các thành viên trong gia đình báo hiếu, tri ân công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ.

 Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng phát biểu tại lễ khai mạc. (ảnh: Công thông tin Bộ Nội vụ)

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng hy vọng, thông qua Triển lãm này công chúng sẽ hiểu biết thêm và sâu hơn về nghi lễ cổ truyền; có những trải nghiệm và hoài niệm đẹp thông qua các di sản tư liệu quý giá, để các di sản này phát huy giá trị hơn nữa trong đời sống xã hội, góp phần giáo dục và phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc.

ông Đặng Thanh Tùng nhấn mạnh, Tết Nguyên Đán là ngày lễ có ý nghĩa đặc biệt đối với mỗi người dân Việt Nam. Đón Tết, vui Tết đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc của dân tộc với những thông điệp nhân văn sâu sắc. Triển lãm “Tết Xưa” với mục đích giới thiệu về Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam qua tài liệu lưu trữ. 
Lần đầu tiên, hơn 100 phiên bản tài liệu được lựa chọn từ khối Châu bản triểu Nguyễn – Di sản tư liệu thế giới và các phông tài liệu tiếng Pháp để trưng bày trong Triển lãm tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động tương tác thú vị của Phiên chợ ngày Xuân sẽ được tổ chức song song với Triển lãm nhằm mang lại những trải nghiệm đẹp cho khách tham quan.

Triển lãm cùng các sự kiện sẽ phác họa một phần không khí Tết xưa với phong tục “Ăn Tết”, “Lễ Tết” và “Chơi Tết” của cha ông. Mặc dù ngày nay, các phong tục trong dịp Tết có nhiều đổi thay nhưng Tết Nguyên đán vẫn giữ được hồn cốt riêng, vẫn là ngày lễ quan trọng nhất, ấm áp nhất của cả dân tộc. Mỗi mùa xuân về, Tết đến là mỗi lẫn truyền thống được tôn vinh để lưu giữ những nét đẹp vốn có của Tết Việt cho thế hệ mai sau. 

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, đây là Triển lãm hết sức ý nghĩa trước thềm năm mới Xuân Nhâm Dần 2022, giúp công chúng và đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu hơn về ngày Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Trước đây, người ta thường nói là “ăn Tết”, còn bây giờ là “chơi Tết”, không ít gia đình trẻ thích đi du lịch trong dịp Tết Nguyên đán, thay vì trở về quê hương. Nó cũng tác động đến suy nghĩ và nhận thức của các thế hệ sau này, khi họ muốn tách khỏi gia đình để đi chơi với bạn bè trong những ngày Tết cổ truyền. Chính sự tác động của đời sống văn hóa, xã hội, sự hội nhập quốc tế đã ảnh hưởng không nhỏ đến những nét đẹp văn hóa truyền thống của Tết Việt. 

Thông qua Triển lãm để thấy được những nét đẹp văn hóa cổ truyền cần gìn giữ, phát huy và hội nhập quốc tế; đồng thời cũng để loại bỏ những hủ tục, tệ nạn trong những ngày Xuân như: rượu chè, cờ bạc, đốt pháo…

Những nét đẹp văn hóa trong những ngày Tết cổ truyền dân tộc có vai trò rất quan trọng trong giáo dục nhân cách cho thế hệ trẻ. Vì vậy, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp là việc đặc biệt cần thiết, đồng thời lựa chọn, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa quốc tế để phù hợp với nhịp sống hiện đại, góp phần làm phong phú thêm tinh hoa văn hóa Việt Nam, tạo động lực mạnh mẽ để phát triển và nâng cao tầm vóc, vị thế của đất nước./.

PV

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu