07:01 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Hợp tác giáo dục Việt - Lào: Kỳ vọng về một trường đại học Việt Nam tại Lào

13:42 28/11/2023

(THPL) - Quan hệ Việt - Lào là mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện từ lịch sử tới hiện tại, đã được Đảng, Nhà nước 2 quốc gia coi trọng. Xuyên suốt chặng đường hơn 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất trên mọi lĩnh vực, bao gồm lĩnh vực giáo dục.

Việt Nam đã đưa chuyên gia về giáo dục sang giúp Lào biên soạn giáo trình giảng dạy, đào tạo các hệ tại chỗ, tài trợ về tài liệu, sách vở, mở rộng các hình thức đào tạo tại nhiều địa phương ở Lào, góp phần đào tạo và nâng cao trình độ văn hóa con em các bộ tộc vùng sâu, vùng xa của Lào. Hợp tác giáo dục giữa hai nước trong thời gian qua đã đạt các thành tựu nổi bật như:

Giai đoạn 1958 - 1975: Việt Nam đã có những hỗ trợ rất cụ thể giúp Lào xây dựng nền giáo dục quốc dân, xóa mù chữ và tiếp nhận lưu học sinh Lào.

Giai đoạn từ năm 1986 – 2010: Việt Nam đã đào tạo cho Lào khoảng 12.000 lưu học sinh.

Giai đoạn 2022 – 2020: Có trên 30.000 lưu học sinh Lào tại Việt Nam;

Dự kiến giai đoạn 2021-2030 sẽ có 21.300 lưu học sinh Lào (diện hiệp định), ngoài hiệp định thì chưa có số liệu chính xác (nhưng qua theo dõi từ năm 1991 đến nay có khoảng 13.000 sinh viên, như vậy giai đoạn 2021-2030 có khoảng 34.300 lưu học sinh Lào tại Việt Nam). Số liệu thống kê tháng 02/2023 cho thấy: Lưu học sinh Lào chiếm 80% sinh viên quốc tế tại Việt Nam, được phân bổ học tập tại 177 cơ sơ giáo dục.

Sinh viên Lào trong một sự kiện văn hóa tại Việt Nam

Không chỉ có vậy, Việt Nam đã đầu tư xây dựng nhiều công trình tại nhiều tỉnh thành tặng Lào phục vụ hơp tác giáo dục như: Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú ở 4 khu vực: U-đôm-xay, Xa-va-na-khẹt, Chăm-pa-xăc, Xê-công; Trường Trung cấp dạy nghề tỉnh Bó kẹo; Trường Năng khiếu và dự bị đại học dân tộc thuộc Đại học Quốc gia Viêng Chăn. Và Trường PTTH Pông Khăm tỉnh Luang Pha Bang năm 2012, Trường Dân tộc nội trú tỉnh Xiêng Khoảng năm 2013, Khoa Tiếng Việt trường Đại học Chăm Pa Sak và đại học SuPhaNuVong năm 2018, Trường PTTH hữu nghị Việt - Lào thủ đô Viêng Chăn năm 2018, Trường Trung học nghề kiểu mẫu Hữu nghị Việt - Lào tỉnh Savanakhet năm 2019, mới nhất là ngày 29/9/2023, Bộ Công an Việt Nam đã xây dựng và bàn giao Học Viện Chính trị cho Bộ Công An Lào.

Các con số trên đã thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm và có ý nghĩa quan trọng trong lĩnh vực hợp tác giáo dục của hai Đảng, hai nhà nước Việt Nam - Lào trong suốt thời gian qua. Hai ngành giáo dục Việt - Lào đã phối hợp tổ chức tuyển chọn học sinh Việt Nam và Lào sang học tập tại mỗi nước, theo tinh thần hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau vì mục tiêu nâng cao trình độ dân trí và thắt chặt tình hữu nghị đặc biệt Việt - Lào. Bộ GD&ĐT Việt Nam thường xuyên trao đổi các đoàn công tác, đoàn chuyên gia sang giúp đỡ Lào, tổ chức hội nghị bàn về công tác nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực giúp Lào, thúc đẩy hợp tác, giao lưu lĩnh vực giáo dục và đào tạo giữa các tỉnh, thành phố và các trường của hai nước. Trong Chiến lược hợp tác toàn diện những năm vừa qua, có 6 chương trình hợp tác lớn mà hai bên tập trung thực hiện thì giáo dục - đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được xếp hàng đầu, chất lượng giáo dục được nâng lên đáng kể, số lượng sinh viên khá, giỏi tăng.

Các hoạt động của sinh viên Lào

Số sinh viên và nghiên cứu sinh của Lào được Việt Nam đào tạo, khi trở về nước đã phát huy được năng lực. Nhiều lưu học sinh Lào sau khi tốt nghiệp tại Việt Nam trở về nước công tác, nắm giữ những trọng trách trong các cơ quan nhà nước, các cơ sở giáo dục và các doanh nghiệp Lào, đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế-xã hội Lào. Đội ngũ này còn là nhân tố vô cùng ý nghĩa trong việc vun đắp và thắt chặt tình đoàn kết, tăng cường mối quan hệ hợp tác đặc biệt giữa hai dân tộc Việt Nam và Lào.

Hiện nay, Việt Nam đã có quan hệ hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và một số quốc gia khác như Vương Quốc Anh, Mỹ hay Australia.  Các trường đã đầu tư cả cơ sở vật chất và chương trình đào tạo tại Việt Nam rất quy mô và bài bản, như: trường Đại học Anh Quốc (BUV) với 100% vốn đầu tư nước ngoài, trường Đại học GreenWich đã hình thành trên nền tảng hợp tác giữa tổ chức giáo dục FPT và GreenWich. Hay RMIT một cái tên rất nổi tiếng trong lĩnh vực đào tạo đại học của Úc tại Việt Nam. Và gần đây nữa là việc ra mắt Trường Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) năm 2018 với 100% vốn đầu tư từ Mỹ, mà xuất phát điểm chỉ là một chương trình học bổng đào tạo về hành chính công cho khoảng hơn trăm cán bộ công chức Việt Nam sau hơn 10 năm hoạt động. Nếu so sánh với quan hệ giữa Việt Nam - Lào về các mặt thì không thể so sánh, nhưng các nước đã không dừng lại ở việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đào tạo (trường lớp, giáo trình, máy móc trang thiết bị...), mà còn đưa các độ ngũ quản lý, điều hành và đặc biệt là đội ngũ giảng viên bản địa có trình độ cao sang trực tiếp làm việc để nâng cao chất lượng đào tạo và hợp tác giáo dục.

Việt Nam - Lào là mối quan hệ đặc biệt không gì có thể so sánh được như hai Đảng, hai nhà nước khẳng định. Lào cũng đang có chính sách mở rộng hợp tác giáo dục với nhiều nước trên thế giới. Thế nhưng trong suốt thời gian qua, quan hệ giáo dục của hai nước chỉ là việc xây dựng cơ sở vật chất, trao đổi du học sinh, đưa giáo viên sang tăng cường giáo dục,... Hy vọng trong thời gian sớm nhất có thể, Việt Nam nói chung, ngành giáo dục nói riêng, sẽ có những hành động, việc làm mang lại hiệu quả, thiết thực hơn nữa, tạo dấu ấn tương xứng với tình hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt mà hai Đảng, hai Nhà nước đã dày công vun đắp, mong ước tăng cường hơn nữa về hợp tác giáo dục của nhân dân hai nước Việt – Lào, dù có chậm hay khó khăn đến mấy thì cũng phải tích cực thúc đẩy, có thể xã hội hóa hoặc kêu gọi các nguồn lực xã hội, để chung tay sớm hình thành ngay ít nhất một “campus” hoặc ít nhất một trường đại học Việt Nam hiện đại tại Vientiane, Lào.

PHƯƠNG NAM

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu