19:35 ngày 27/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Hơn 27.000 thuê bao bị khóa hai chiều đã chuẩn hóa thông tin

15:50 21/04/2023

(THPL) - Theo thống kê của Bộ TT&TT, tính đến ngày 19/4, có hơn 27.000 thuê bao bị khóa hai chiều đã chuẩn hóa thông tin cá nhân.

Liên quan đến chuẩn hoá thông tin, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết, sau ngày 31/3 đã có 1,76 triệu SIM bị khóa một chiều vì chưa chuẩn hóa lại thông tin cá nhân theo quy định. Tính đến ngày 19/4, có hơn 27.000 thuê bao bị khóa hai chiều đã chuẩn hóa thông tin cá nhân. Con số này chỉ chiếm khoảng 2,35% số thuê bao bị khóa hai chiều đi chuẩn hóa thông tin cá nhân theo quy định.

Sau khi bị khóa liên lạc hai chiều, khách hàng có thể tiếp tục thực hiện việc chuẩn hóa thông tin thuê bao bằng cách đến cửa hàng giao dịch của các nhà mạng để được hỗ trợ chuẩn hóa thông tin. Để được hỗ trợ mở khóa thuê bao, xác minh thông tin, khách hàng cần mang theo các giấy tờ tùy thân như căn cước công dân, hộ chiếu… khi đến thực hiện giao dịch. Nếu thuê bao không thực hiện chuẩn hóa thông tin sẽ bị thu hồi số sau 30 ngày kể từ thời điểm bị khóa hai chiều.

Các nhà mạng cho hay, sau thời điểm bị khóa thuê bao hai chiều, khách hàng sẽ không thể tự thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao qua website hoặc ứng dụng của nhà mạng.

Hơn 27.000 thuê bao bị khóa hai chiều đã chuẩn hóa thông tin cá nhân. Ảnh: Internet

Theo tìm hiểu, dù việc chuẩn hóa thông tin thuê bao đang được thực hiện nghiêm túc và quyết liệt, nhưng khách hàng phản ánh vẫn nhận được cuộc gọi rác và cuộc gọi lừa đảo. Đơn cử, chị Quỳnh Trang (TP.HCM) cho biết chỉ từ 9 giờ sáng tới gần 2 giờ chiều chị nhận được bốn cuộc gọi rác, điển hình có những cuộc gọi chỉ cách nhau chưa đầy 10 phút. Các số này gọi tới từ đầu số +18440xxxx574 hoặc 0598xxxxxx hoặc 0707xxxxxx mạo danh tổng đài, thông báo SIM của chị sẽ bị khóa trong vòng 2 giờ. Một số cuộc gọi giả mạo nhân viên siêu thị để tặng quà online...

Dưới góc độ bảo mật thông tin, chuyên gia công nghệ Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena, nhìn nhận việc chuẩn hóa thông tin thuê bao trùng khớp với cơ sở dữ liệu là một động thái tích cực góp phần ngăn chặn tin nhắn rác, cuộc gọi rác. Dẫu vậy, động thái trên chỉ thỏa mãn điều kiện cần nhưng chưa đủ để dẹp nạn SIM rác.

Theo ông Thắng, việc dẹp SIM rác đã diễn ra suốt bao nhiêu năm nay nhưng chưa làm được. Bởi cứ khóa lượng SIM này thì vẫn còn một lượng SIM rác mới xuất hiện, mà những SIM này chính là do nhà mạng sản xuất. Do đó, gốc rễ của vấn đề vẫn là quản lý nguồn SIM mới ở nhà mạng.

“Hiện nay, các quy định chế tài quá nương nhẹ, chưa quyết liệt, chưa xử lý đến cùng nếu đơn vị hay nhà mạng vi phạm nhiều lần. Tôi cho rằng phải nâng mức phạt các đơn vị viễn thông sai phạm trong quản lý thông tin SIM” - ông Thắng đề xuất.

Trong khi đó, ông Ngô Minh Hiếu, chuyên gia kỹ thuật tại Trung tâm Giám sát và an toàn không gian mạng quốc gia, cho rằng: Cuộc gọi rác, tin nhắn rác xuất phát từ hai nguyên nhân: Quản lý của nhà mạng và thói quen bảo mật thông tin của người dùng. Với nhà mạng, việc quản lý thông tin đăng ký thuê bao mới đang quá dễ dàng, phần nào gây khó xử lý dứt điểm vấn nạn SIM rác. Về phía người dân, việc vô tư đăng tải thông tin cá nhân lên mạng xã hội hoặc để lại số điện thoại khi mua hàng online… cũng khiến các cuộc gọi lừa đảo, tin nhắc, cuộc gọi rác tận dụng cơ hội để “khủng bố”.

Nhằm xử lý các vấn đề trên, mới đây Bộ trưởng Bộ TT&TT đã ký công văn đề nghị các tỉnh, thành và các sở TT&TT thực hiện thanh tra diện rộng quản lý thông tin thuê bao di động. Bộ TT&TT yêu cầu các sở TT&TT làm việc, yêu cầu các trung tâm, chi nhánh doanh nghiệp viễn thông di động cung cấp dữ liệu đăng ký sử dụng số lượng SIM điện thoại lớn, có dấu hiệu bất thường. Cụ thể, trường hợp các doanh nghiệp, tổ chức đăng ký sử dụng từ 50 SIM trở lên, cá nhân sử dụng từ 20 SIM trở lên. Bên cạnh đó sẽ thanh kiểm tra các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông trên địa bàn thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với số lượng SIM lớn nhất.

Bộ TT&TT cũng yêu cầu các sở TT&TT mời các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đăng ký sử dụng SIM điện thoại với số lượng lớn bất thường đến làm việc, cùng với sự tham dự của đại diện doanh nghiệp viễn thông di động. Trường hợp chủ thuê bao không làm rõ được các SIM này đang ở đâu hoặc việc sở hữu các số thuê bao, sẽ lập biên bản và yêu cầu doanh nghiệp viễn thông di động đình chỉ cung cấp dịch vụ, hoặc nhắn tin thông báo cho người sử dụng thực hiện lại việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông theo quy định nếu chủ thuê bao không thực hiện.

Như vậy, đây là lần thứ 2 Bộ TT&TT thanh tra cái đại lý trên diện rộng. Trước đó, từ ngày 1/10/2019 - 20/11/2019, Bộ TT&TT đã thanh tra diện rộng quản lý thông tin thuê bao di động. Sau quá trình thanh tra, các Sở TT&TT đã xử phạt 12 chi nhánh và 21 điểm cung cấp dịch vụ viễn thông với tổng số tiền là 417,25 triệu đồng.

Xuân Sang (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu