17:11 ngày 25/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Hơn 2 thập kỷ vướng quy hoạch tại Gia Lai: Khoảng 100 hộ dân phải sống trong cảnh tạm bợ

08:37 03/08/2022

(THPL)- Có đất nhưng không thể xây dựng. Đi không được, ở cũng không xong. Đó là tình cảnh trớ trêu suốt hơn 2 thập kỷ của khoảng 100 hộ dân hiện đang sinh sống tạm bợ dưới chân núi Hàm Rồng, thuộc phường Chi Lăng, TP.Pleiku (tỉnh Gia Lai).

Đi không được, ở không xong!

Từ lâu, định nghĩa “quy hoạch treo” được người dân coi là một vấn nạn. Bởi, “quy hoạch treo” đã gây ra nhiều khó khăn, thiệt hại và kéo theo đó là vô số những hệ lụy cho người dân. Sự chậm trễ một cách vô trách nhiệm đã gây ra tình cảnh nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị khi người dân phải sống trong cảnh tạm bợ, lụp xụp qua ngày. Cùng với đó, việc “quy hoạch treo” đã kìm hãm sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương khiến Nhà nước thất thu thuế và gây ra lãng phí đất đai, tài nguyên…

Hơn 20 năm qua, khoảng 100 hộ dân sinh sống dưới chân đồi Hàm Rồng và những du khách thập phương khi đến với phố Núi đều phải ngao ngán và phải thốt lên rằng: “Tại sao chân đồi Hàm Rồng được ví như “cửa ngõ” của TP.Pleiku, nhưng người dân ở đây thì luôn phải sống trong cảnh tạm bợ, lụp xụp, nhếch nhác?”

Lý giải cho những thắc mắc đó, phóng viên Thương hiệu và Pháp luật đã tìm về chân núi Hàm Rồng, thuộc phường Chi Lăng. TP.PleiKu (tỉnh Gia Lai) để tìm câu trả lời.

Từ dưới chân núi Hàm Rồng mộng mơ và tuyệt đẹp, không ai nghĩ khi nhắc đến việc an cư, lạc nghiệp thì người dân lại thở dài và ngao ngán đến như vậy.

Để sống qua ngày, nhiều hộ dân đã phải chấp nhận dựng vách tôn tạo thành một cảnh nhếch nhác, tạm bợ (Ảnh: HÀN HƯNG/THPL).

Chia sẻ với chúng tôi, anh Nguyễn Tiến Sơn (anh trai của anh Nguyễn Tiến Linh), trú tại thôn Hàm Rồng, phường Chi Lăng, TP.Pleiku, ngao ngán: “Năm 2009, gia đình em tôi (anh Nguyễn Tiến Linh-PV) có mua 1hecta ngay chân đồi Hàm Rồng để canh tác. Tuy nhiên, sau này các hộ dân trong khu vực này được phường Chi Lăng thông báo nằm trong khu vực quy hoạch đất Quốc Phòng và không thể xây dựng nhà ở kiên cố. Chính vì điều này, nhiều lần gia đình có ý định chuyển đổi một phần đất nằm sát QL19, nhưng vì vướng quy hoạch nên không thể chuyển đổi. Từ khi chúng tôi được thông báo là nằm trong diện đất quy hoạch cho đến nay, nhưng lại không hề thấy cơ quan chức năng triển khai kế hoạch theo quy hoạch đã phê duyệt”.

“Nếu đã không cho người dân chuyển đổi mục đích sử dụng đất, không cho xây dựng nhà ở kiên cố thì chính quyền địa phương cũng nên có phương án bồi thường, hỗ trợ người dân và sớm di dời người dân ra khỏi vùng quy hoạch để người dân có thể ổn định cuộc sống”, anh Sơn, than thở.

Một khung cảnh nhếch nhác, cỏ mọc um tùm ngay tại "cửa ngõ" phố Núi (Ảnh: HÀN HƯNG/THPL).

Cũng trong tình cảnh trớ trêu như vậy, bà Nguyễn Thị Tân, cho biết: “Gia đình sinh sống tại chân đồi Hàm Rồng từ năm 1986 và đến năm 2001 trong các đợt tiếp xúc cử tri, chính quyền địa phương có thông báo là đất của gia đình tôi nằm trong vùng quy hoạch đất Quốc Phòng nên không thể xây dựng nhà ở kiên cố. Tất cả các hộ dưới chân đồi Hàm Rồng hiện đang sinh sống và kinh doanh đều trong cảnh tạm bợ, lụp xụp. Chúng tôi cũng mong muốn, nếu quy hoạch không có khả thi thì chính quyền tỉnh Gia Lai sớm có phương án bỏ quy hoạch tránh việc “quy hoạch treo” quá lâu hoặc bồi thường và di dời các hộ dân tới một vị trí mới để người dân có thể an cư, lạc nghiệp”.

Cần sự vào cuộc quyết liệt và trách nhiệm của chính quyền?

Khi phóng viên Thương hiệu và Pháp luật tiếp xúc và gặp gỡ hàng chục hộ dân tại chân đồi Hàm Rồng thì đều nhận được chung một câu: “Nếu chính quyền địa phương không sớm thực hiện kế hoạch Quốc phòng- An ninh như đã phê duyệt thì nên có phương án bỏ quy hoạch để người dân có thể đóng nghĩa vụ Thuế đất cho Nhà nước để chuyển đổi mục đích sử dụng đất thành đất ở và yên tâm ổn định cuộc sống”.

Theo tìm hiểu của phóng viên Thương hiệu và Pháp luật, Ngày 31/12/2001, UBND tỉnh Gia Lai ban hành Quyết định số 119/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch khu vực núi Hàm Rồng với tính chất chủ yếu thành khu Quốc phòng và rừng phòng, xác định ranh giới khu vực nghiêm cấm xây dựng các công trình kiến trúc ngoài mục đích quân sự.

Khoảng 100 hộ dân sống trong tình cảnh tạm bợ, lụp xụp dưới chân núi Hàm Rồng vì vướng quy hoạch.

Đến ngày 4/6/2019, UBND tỉnh Gia Lai ban hành Quyết định số 292/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất năm đầu của điều chỉnh quy hoạch thành phố Pleiku thì vị trí khu vực Hàm Rồng không thuộc hạng mục đất ở (thuộc hạng mục đất nông nghiệp, đất Quốc phòng và đất rừng phòng hộ).

Trước những kiến nghị của người dân về việc tỉnh Gia Lai và các cấp ban ngành nên nghiên cứu, xem xét để bỏ quy hoạch nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân tại khu vực chân đồi Hàm Rồng, thì đại diện UBND TP.Pleiku, lý giải: “Căn cứ các Quyết định phê duyệt quy hoạch đất Quốc phòng và đất rừng phòng hộ tại khu vực đồi Hàm Rồng, chính vì thế, người dân tại khu vực này không được phép xây dựng nhà ở. Nhằm sớm ổn định cuộc sống của người dân, UBND TP.Pleiku đã chỉ đạo các cơ quan liên quan và UBND phường Chi Lăng tiến hành cung cấp thông tin, công bố quy hoạch cho toàn thể nhân dân tại khu vực thôn Hàm Rồng biết để thực hiện theo đúng quy hoạch”.

Nhiều hộ dân không thể chuyển đổi đất và xây dựng nhà ở kiên cố do vướng quy hoạch đồi Hàm Rồng (Ảnh: HÀN HƯNG/THPL).

Bên cạnh đó, thành phố cũng chỉ đạo cho Phòng quản lý đô thị trong quá trình lập quy hoạch chi tiết núi Hàm Rồng rà soát hiện trạng sử dụng đất, trên cơ sở quy định của ngành, định hướng phát triển của Thành phố, nghiên cứu bố trí quỹ đất tái định cư tại chỗ để tạo điều kiện cho người sử dụng đất di dời về nơi ở mới ít bị ảnh hưởng đến đời sống.

Đồng thời, giao phòng Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm phát triển quỹ đất Thành phố nghiên cứu phương án thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng làm cơ sở triển khai các bước theo quy định.

Mặc dù, theo lý giải của UBND TP.Pleiku thì sẽ bồi thường, di dời và bố trí tái định cư cho khoảng 100 hộ dân tại khu vực núi Hàm Rồng. Tuy nhiên, đằng đẵng hơn 2 thập kỷ qua, 100 hộ dân tại khu vực núi Hàm Rồng vẫn đang phải sống trong cảnh tạm bợ, lụp xụp và nhếch nhác.

Hơn 2 thập kỷ, điều mà 100 hộ dân tại khu vực núi Hàm Rồng mòn mỏi ngóng đợi là được xây dựng nhà cửa kiên cố trên chính mảnh đất của mình, được ổn định cuộc sống, chứ không phải để ngồi nghe những “lời hứa” bằng giấy trắng, mực đen.

 

 

HÀN HƯNG - TRẦN QUỲNH

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu