13:12 ngày 28/10/2024 | HOTLINE : 094.210.6666 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Hoa Kỳ áp thuế sơ bộ với tôm nhập khẩu từ Việt Nam

17:44 24/10/2024

(THPL) - Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa ban hành quyết định trong vụ việc điều tra chống trợ cấp đối với tôm nước ấm đông lạnh đối với tôm nhập khẩu của Ấn Độ, Ecuador, Việt Nam và Indonesia.

Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), ngày 22/10/2024, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng trong các cuộc điều tra thuế chống bán phá giá (AD) với tôm nước ấm đông lạnh từ Ecuador và Indonesia và các cuộc điều tra thuế chống trợ cấp (CVD) với tôm nước ấm đông lạnh từ Ecuador, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam.

Theo đó, thuế CVD đối với tôm Ấn Độ là 5,77%, cao hơn của Việt Nam (2,84%). Đối với các nước khác, tôm Ecuador nhận được kết quả tích cực với thuế AD tuy nhiên phải nhận mức thuế CVD trung bình là 3,78%.

Ngược lại, với Indonesia kết quả tích cực với thuế CVD nhưng phải nhận mức thuế AD trung bình là 3,90%. Đối với tôm Việt Nam, ngành tôm Việt Nam có kết quả tích cực hơn 3 nước còn lại trong đợt công bố này của DOC.

Theo VASEP, sau đợt công bố kết quả cuối cùng của DOC, Uỷ ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (ITC) sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng vào ngày 5/12/2024. Nếu có phán quyết cuối cùng từ ITC, thì việc ban hành lệnh sẽ diễn ra vào ngày 12/12/2024.

Hoa Kỳ áp thuế sơ bộ với tôm nhập khẩu từ Việt Nam. Ảnh minh hoạ

Tại thị trường Mỹ, tôm Việt Nam chủ yếu cạnh tranh với Ấn Độ và Ecuador và đứng thứ ba về kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này, năm ngoái đạt 665 triệu USD so với mức 2,7 tỷ USD của Ấn Độ hay 1,4 tỷ USD của Ecuador.

Tôm cũng như nhiều mặt hàng xuất khẩu Việt Nam vào Mỹ càng có thị phần thì nguy cơ xảy ra các vụ kiện hay tranh chấp thương mại càng dễ xảy ra. Vì vậy, bên cạnh việc kiểm soát tốt chất lượng, các doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam được cho là cần luôn linh hoạt thích ứng, có những kịch bản cho nhiều tình huống xảy ra.

Hiện nay, tôm Việt có chỗ đứng ở nhiều thị trường ưa chuộng các sản phẩm chế biến sâu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Anh, Mỹ, EU... Theo các chuyên gia, tôm Việt chế biến rất phong phú, trình độ chế biến chung của doanh nghiệp được thị trường ngoại đánh giá cao, tạo nên lợi thế cạnh tranh lớn. Việt Nam có nhiều sản phẩm tôm giá trị gia tăng nổi bật như tôm bao bột, tôm chiên, tôm tẩm gia vị, tôm xẻ bướm, tôm xiên que, tôm tempura, tôm nobashi, há cảo tôm, sủi cảo tôm gừng...

Đặc biệt, hàng giá trị gia tăng của Việt Nam tại thị trường Nhật vẫn giữ được lợi thế cạnh tranh tốt hơn so với các nguồn cung khác như Ấn Độ, Ecuador. Đó là chưa kể người tiêu dùng ngày càng tiết kiệm thời gian nên sản phẩm tiện lợi, dễ chế biến ngày càng được chú ý.

Theo VASEP, tính đến cuối tháng 9, xuất tôm sang Mỹ tăng 8%, sang châu Âu tăng 15%, sang Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) tăng 26%. Giá trung bình tôm xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ và châu Âu đã ghi nhận tăng kể từ tháng 6.

Theo đó, giá tôm nguyên liệu của Việt Nam ghi nhận có chuyển biến tích cực hơn kể từ tháng 7 cho đến nay. Cụ thể, giá tôm chân trắng nguyên liệu các cỡ 50, 80, 100 con/kg tăng đều kể từ tháng 7 đến tháng 9. Giá trung bình tôm xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ và châu Âu cũng ghi nhận tăng từ tháng 6. Giá xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản cũng ghi nhận tăng nhẹ.

Dự kiến giá tôm nguyên liệu vẫn sẽ tiếp tục khả quan trong quý IV/2024. Tuy nhiên, sẽ có khả năng thiếu nguyên liệu cục bộ do đây là giai đoạn Trung Quốc sẽ tăng mua cho nhu cầu lễ Tết Nguyên đán và đón năm mới, doanh nghiệp cần nguồn nguyên liệu để đẩy mạnh sản xuất các đơn hàng cuối năm, đại diện Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam cảnh báo.

Tú Linh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu