10:09 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Hóa đơn tiền điện nhiều tháng giống hệt nhau: Lãnh đạo EVN giải thích thế nào?

21:45 01/07/2020

(THPL) - Hiện nay xảy ra nhiều trường hợp khách hàng nhận hóa đơn tiền điện giống hệt nhau trong các tháng liên tiếp ở nhiều địa phương, khiến dư luận băn khoăn đặt câu hỏi về tính chính xác của việc ghi chỉ số?

Hóa đơn tiền điện bị ghi nhầm, tăng tới vài chục lần và diễn ra ở nhiều địa phương khác nhau, điển hình như một khách hàng điện tại tỉnh Tiền Giang đã phản ánh về việc tiền điện 6 tháng giống hệt nhau. Theo đó, từ tháng 11/2019 đến tháng 4/2020, chỉ số điện năng tiêu thụ của gia đình này cùng là 162 kWh, số tiền phải trả là 325.000 đồng.

Hay, một khách hàng tại tỉnh Ninh Bình cũng phản ánh việc hóa đơn tiền điện 3 tháng giống hệt nhau. Theo đó, từ tháng 12/2019 đến tháng 2/2020, mức tiêu thụ của gia đình này cùng là 228 kWh, số tiền phải thanh toán là 487.000 đồng.

Ghi công tơ điện. Ảnh minh họa.

Việc ghi nhầm chỉ xảy ra ở chiều tăng mà không nhầm ở chiều giảm đã trở thành vấn đề gây bức xúc trong dư luận vừa qua.

Cùng đó, sự nghi ngờ về tính chính xác của công tơ điện tử cũng như cách thức tính giá điện bậc thang một lần nữa tiếp tục được dư luận nêu ra, được các chuyên gia và người trong ngành đặt ra một cách nghiêm túc.

Để làm rõ hơn về vấn đề này, báo Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với ông Võ Quang Lâm – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN). Trả lời báo chí về việc hóa đơn tiền điện nhiều nơi có số tiền, chỉ số sử dụng điện giống hệt nhau trong nhiều tháng, ông Võ Quang Lâm cho hay, để đảm bảo quy trình kinh doanh minh bạch, EVN có quy định một cán bộ nhân viên chỉ được ghi chỉ số liên tiếp trong 6 tháng, sau đó luân chuyển sang tuyến khác, không có việc làm quen với địa bàn nhằm đảm bảo công bằng trong ghi chỉ số. Việc để ra sai sót trong ghi chỉ số, cập nhật cơ sở dữ liệu, phát hành thông báo, lập hóa đơn… tức là sai quy trình kinh doanh và ngành điện sẽ tiếp tục nâng cao hiện đại hóa hệ thống điện và xử lý hành chính để nâng cao trách nhiệm công vụ công nhân viên, quản lý trên cơ sở cài đặt giám sát chỉ số.

Lãnh đạo EVN cũng cho hay, để kịp thời hạn chế tối đa sai sót trong việc ghi chỉ số tiền điện tăng đột biến như tại Quảng Bình, Quảng Ninh, Nghệ An… cũng như việc hóa đơn lặp lại nhiều lần như ở Tiền Giang, ngày 29/6, EVN đã bổ sung quy định việc thiết lập các ngưỡng kiểm soát trong quy trình xác nhận số liệu, lập hóa đơn tiền điện và công tác dịch vụ khách hàng.

Theo đó, EVN bổ sung 2 bước trong quy trình ghi chỉ số và lập hóa đơn tiền điện, theo đó khi sản lượng tăng trưởng quá cao, vượt ngưỡng được thiết lập thì sẽ không cho xác nhận chỉ số để tính hóa đơn và không cho xác nhận kết quả tính để lập hóa đơn. Để thực hiện được việc lập hóa đơn, lãnh đạo đơn vị tổ chức kiểm tra số liệu và ký xác nhận điện tử số liệu trên chức năng của chương trình quản lý khách hàng sau khi kiểm tra.

Các điện lực cũng thiết lập cảnh báo tự động gửi danh sách các khách hàng tăng/giảm bất thường theo các ngưỡng thiết lập (ví dụ: 3 lần, 4 lần, … 10 lần) và tương ứng gửi email, SMS đến các vị trí quản lý của đơn vị từ Tổ trưởng, Trưởng phòng, Phó giám đốc, Giám đốc và các Phòng, Ban đơn vị cấp trên.

Hiện tại các công tơ điện tử được thu thập chỉ số tiêu thụ điện hoàn toàn tự động và thực hiện từ xa. Đối với công tơ cơ khí được áp dụng việc ghi chỉ số bằng phần mềm trên máy tính bảng có các tính năng cảnh báo vượt sản lượng, các tính năng hỗ trợ phát hiện các số liệu bất thường để nhân viên ghi chỉ số thực hiện kiểm tra đảm bảo hạn chế tối đa việc xảy ra sai sót (nếu có) trong công tác ghi chỉ số và lập hóa đơn tiền điện. Khách hàng sử dụng điện có quyền giám sát việc ghi chỉ số công tơ.

Lịch ghi chỉ số công tơ được quy định trong hợp đồng mua bán điện và được đơn vị Điện lực công khai, đảm bảo khách hàng biết, kiểm tra chỉ số công tơ và sản lượng điện tiêu thụ. Trên cơ sở lịch ghi chỉ số của từng khu vực được công bố công khai, khách hàng có thể giám sát công tác ghi chỉ số công tơ của Điện lực.

Theo Vietnamnet, với câu chuyện trước mắt là những nhầm lẫn trong công tác ghi số điện, làm tăng hóa đơn tiền điện, ông Võ Quang Lâm lý giải, “ Chúng tôi thấy rằng, việc thực hiện các bước trong quá trình ghi chỉ số cũng như lập hóa đơn đang có một số sai sót xảy ra rất đáng tiếc.

Ngay lập tức, Tập đoàn đã chỉ đạo các Tổng công ty điện lực và các Công ty điện lực thiết lập các nấc kiểm tra, kiểm soát trong quy trình xác nhận số liệu chỉ số công tơ, lập hoá đơn tiền điện, phúc tra và công tác dịch vụ khách hàng, từ đó, tăng cường trách nhiệm của cán bộ nhân viên. Quy định này đã được chúng tôi ban hành ngày 29/6 và thực hiện ngay từ 1/7/2020.

Toàn bộ việc ghi chỉ số và lập hóa đơn tiền điện sau ngày 1/7 sẽ được kiểm soát theo các ngưỡng khác nhau. Với quy trình này, sẽ đảm bảo hạn chế tối đa sai sót như ghi chỉ số tiêu thụ điện tăng đột biến hoặc tình trạng hóa đơn lặp lại nhiều lần.

Tôi hi vọng rằng, với các biện pháp quyết liệt của Tập đoàn, công tác ghi chỉ số, lập hoá đơn cũng như công tác phúc tra, kiểm tra sẽ được thực hiện tốt hơn, đúng theo quy định, quy trình mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam ban hành".

Phương Nhi

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu