07:46 ngày 29/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Hàng loạt cựu lãnh đạo Đại học Đông Đô hầu tòa

10:56 23/12/2021

(THPL) - Ngày 23/12, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử vụ án giả mạo trong công tác, xảy ra tại Trường Đại học Đông Đô.

Các bị cáo bị đưa ra xét xử về tội giả mạo trong công tác gồm: Dương Văn Hòa, cựu Hiệu trưởng ĐH Đông Đô; Trần Kim Oanh và Lê Ngọc Hà, cùng là Hiệu phó; Trần Ngọc Quang, Phó trưởng Phòng Đào tạo và Quản lý sinh viên; Nguyễn Thị Huệ, Trưởng phòng Tài vụ…

Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 3 ngày. HĐXX gồm ba thành viên, do thẩm phán Phạm Năng Thành là chủ tọa.

Theo báo Pháp luật TP.HCM, để phục vụ việc xét xử, tòa án triệu đại diện Bộ GD&ĐT, đại diện Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ GD&ĐT), đại diện Trường Đại học Đông Đô và hơn 200 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (chủ yếu là các học viên được cấp văn bằng giả)…

Tuy nhiên, theo thông báo, phần lớn những người được triệu tập đều không đến tòa. Trong đó, đại diện Bộ GD&ĐT có đơn xin xét xử vắng mặt. Trong số các học viên được triệu tập, chỉ có hai người đến tòa.

HĐXX cho biết đã quyết định thay đổi tư cách tham gia tố tụng phiên tòa của hơn 200 người này từ nhân chứng sang người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Sau ít phút hội ý, HĐXX quyết định tiếp tục xét xử. Lý do: tòa đã triệu tập hợp lệ những người liên quan, dù họ vắng mặt nhưng đã có lời khai tại cơ quan điều tra, cùng đó là tình hình dịch bệnh COVID-19 đang phức tạp, nếu tiếp tục hoãn thì chưa biết khi nào có thể mở lại phiên xử…

10 bị cáo có mặt tại phiên tòa sáng nay. Ảnh: VTC News

Báo VietNamnet cho hay, theo cáo trạng, quá trình tuyển sinh đào tạo của Trường Đại học Đông Đô, ông Trần Khắc Hùng (Chủ tịch HĐQT kiêm Viện trưởng Viện Đào tạo Trường Đại học Đông Đô) nhận thấy một số cá nhân có nhu cầu lấy văn bằng 2 ngôn ngữ Anh văn để dùng làm nghiên cứu sinh, học thạc sĩ, thi tuyển công chức, thi nâng ngạch.

Vì vậy, cựu Chủ tịch HĐQT đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để chỉ đạo Ban Giám hiệu, Viện Đào tạo và các đơn vị liên quan làm, cấp văn bằng 2 giả của hệ chính quy ngành ngôn ngữ Anh cho những người có nhu cầu.

Cáo buộc cho rằng, từ tháng 4/2018- 3/2019, ông Hùng và đồng phạm đã làm, cấp bằng, giấy chứng nhận giả cho 431 trường hợp, thu lợi bất chính số tiền hơn 7,1 tỷ đồng. 

Đến nay, CQĐT làm rõ 210 trường hợp được cấp văn bằng, giấy chứng nhận giả và việc sử dụng bằng giả để kiến nghị xử lý theo quy định; 221 trường hợp khác được cấp văn bằng giả xác định được họ tên, tuổi người nhận bằng, nhưng không xác định được nơi cư trú, đơn vị công tác.

Bị can Trần Khắc Hùng được xác định là người có vai trò chủ mưu, nhưng đã bỏ trốn. Đến nay, việc truy nã chưa có kết quả nên CQĐT đã ra quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can, khi nào bắt được sẽ xử lý sau.

Trước đó, trong quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án giả mạo trong công tác xảy ra tại Trường Đại học Đông Đô Hà Nội, VKSND Tối cao cho rằng, cần yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý hậu quả những trường hợp đã sử dụng bằng giả để thi tuyển công chức, bảo vệ luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ và sử dụng vào những việc khác.

Trong đó, ngoài xử lý việc dùng bằng giả, cần đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý trách nhiệm của đảng viên, công chức, viên chức khi sử dụng bằng giả.

Yêu cầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị nêu trên thực hiện nghiêm túc và thông báo kết quả xử lý bằng văn bản trước khi kết thúc điều tra, để có căn cứ xử lý vụ án theo quy định của pháp luật.

Phương Anh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu