07:42 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Hà Nội phát lệnh báo động lũ trên sông Cầu, sông Bùi trong đêm

Tú Linh (t/h) | 08:15 10/09/2024

(THPL) - Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP.Hà Nội đã ban bố lệnh báo động 3 trên sông Cầu, sông Bùi ngay trong đêm 9/9.

Đêm 9/9, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP.Hà Nội đã ban bố lệnh báo động lũ trên sông Cầu tại các xã ven đê thuộc địa bàn huyện Sóc Sơn. Theo đó, tại thời điểm này, mực nước ghi nhận tại sông Cầu là 8,02m (mức báo động 3 là 8m).

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP.Hà Nội yêu cầu Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Sóc Sơn, các đơn vị thuộc địa phận cùng các ngành, cán bộ đã được giao thi hành nhiệm vụ nghiêm chỉnh thực hiện những quy định khi có lệnh báo động 3.

Khuya 9/9, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP.Hà Nội cũng lệnh báo động 3 trên sông Bùi. Theo Ban Chỉ huy, mực nước trên sông Bùi tại trạm thủy văn Yên Duyệt lúc 17 giờ ngày 9/9 là 7m (mực nước báo động 3 là 7m). Do đó, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP lệnh báo động 3 trên sông Bùi tại địa phận các xã ven đê thuộc huyện Chương Mỹ và Mỹ Đức.

Mực nước sông Cầu dâng cao. Ảnh: báo Công Thương

Trước đó, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP.Hà Nội cũng đã phát lệnh báo động lũ cấp 1 trên sông Đáy hồi 20 giờ 40 phút ngày 8/9 tại địa phận các xã ven đê thuộc các huyện: Phúc Thọ, Đan Phượng, Quốc Oai, Hoài Đức, Chương Mỹ, Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức và quận Hà Đông; lệnh báo động lũ cấp 3 trên sông Tích vào hồi 23 giờ 20 phút ngày 8/9 tại địa phận các xã ven đê thuộc các huyện: Quốc Oai và Chương Mỹ; lệnh báo động lũ cấp 1 trên sông Cầu vào hồi 23 giờ 40 phút ngày 8/9 tại địa phận các xã ven đê thuộc huyện Sóc Sơn.

Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng và trung du Bắc Bộ dự báo, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với áp cao lục địa tăng cường nên từ đêm 9/9 đến sáng 11/9, thành phố Hà Nội mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông; tổng lượng mưa phổ biến 50 - 100mm, có nơi cao hơn 150mm. Chiều và đêm 11/9, thành phố Hà Nội mưa vừa, có nơi mưa to và dông; lượng mưa phổ biến 15 - 30mm, có nơi lớn hơn.

Đề phòng thiệt hại do mưa lớn, lũ lụt gây ra, người dân Thủ đô, đặc biệt là các các huyện có địa hình thấp trũng, ảnh hưởng lũ rừng ngang lưu ý: Trước khi xảy ra mưa lớn, người dân thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo tình hình mưa lũ tại nơi đang sống để chủ động đối phó; chuẩn bị thuyền, phao, bè, mảng, vật nổi; gia cố nhà làm gác lửng, lối thoát trên mái nhà để ở tạm, cất giữ đồ đạc đề phòng lũ lên cao. Dự trữ nước uống, lương thực, thực phẩm để đủ dùng ít nhất trong 7 ngày.

Trong khi xảy ra mưa lớn, người dân cần theo dõi, cập nhật các thông tin liên quan đến lũ, lụt. Khi có cảnh báo lũ, lụt, sạt lở đất, người dân cần tránh xa các khu vực bị ngập lụt, nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ngay cả khi nước đang rút. Không đi bộ, bơi lội, vớt củi, đánh cá hoặc lái xe qua vùng nước đang chảy xiết, không di chuyển qua các vùng đang sạt lở, có nguy cơ sạt lở...

Được biết, do ảnh hưởng của bão số 3, trong ngày 9/9 nhiều khu vực các huyện ngoại thành đã bị ngập nặng như một số khu vực xã Vật Lại (huyện Ba Vì), xóm Vôi (xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai)... Hiện các địa phương đã bố trí lực lượng trực 24/24h để phát hiện và xử lý sớm khi có sự cố xảy ra.

Cũng do ảnh hưởng của cơn bão số 3 gây mưa lớn nhiều ngày, các hồ thủy điện phải mở một số cửa xả đáy khiến mực nước sông Hồng qua khu vực Hà Nội dâng lên sát mức báo động. Tối ngày 9/9/2024, tại một số vùng trũng thấp ven bờ thuộc địa phận quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã bị ngập úng. Theo đó, nhiều vị trí trên con phố Chương Dương Độ thuộc phường Chương Dương chìm trong "biển nước".

Lũ trên sông Thao vượt mức lịch sử năm 1968

Theo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, mực nước lúc 19 giờ ngày 9/9, trên sông Thao tại Lào Cai 87,12 m, trên báo động 3 (BĐ3) 3,62 m - trên mức lũ lịch sử năm 1971 (86,85 m) 0,27 m. Tại Bảo Hà 60,98 m, trên BĐ3 3,98 m - trên mức lũ lịch sử năm 2008 (60,93m) 0,05 m; tại Yên Bái 34,28 m, trên BĐ3 là 2,28 m, dưới mức lũ lịch sử năm 1968 (34,42m) là 0,14 m.

Trên sông Cầu tại Cầu Gia Bảy 28,71 m, trên BĐ3 1,71m - trên mức lũ lịch sử năm 1959 (28,14m) 0,57 m. Trên sông Lục Nam tại Lục Nam 6,62 m, trên BĐ3 0,32 m;

Trên sông Hồng tại Hà Nội 7,56 m, dưới BĐ1 1,94 m.

Dự báo trong 6 giờ tới, lũ trên sông Thao tại Lào Cai, Yên Bái tiếp tục lên và duy trì ở trên mức BĐ3, trên mức lũ lịch sử năm 1968 và 2008.

Lũ trên sông Cầu tiếp tục lên trên mức BĐ2, sông Thương lên mức BĐ3 và sông Thái Bình tiếp tục lên trên mức BĐ1.

Lũ trên sông Hồng tại Hà Nội tiếp tục lên nhanh nhưng vẫn ở mức dưới BĐ1.

98 người chết và mất tích, 746 người bị thương do bão lũ

Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Tính đến 22 giờ ngày 9/9, bão số 3 và hoàn lưu bão gây mưa lũ, sạt lở đất tại các tỉnh, thành phố miền Bắc đã làm 98 người chết, mất tích (58 người chết, 40 người mất tích).

Trong đó, do bão là 12 người; do sạt lở đất và lũ quét 72 người; do lũ cuốn là 6 người; do sập cầu Phong Châu là 8 người.

Cụ thể, tỉnh Cao Bằng có 17 người chết, 16 người mất tích; tỉnh Lào Cai có 17 người chết, 12 người mất tích; tỉnh Quảng Ninh có 8 người chết do bão, 1 người chết do lũ cuốn; thành phố Hải Phòng có 2 người chết do bão; tỉnh Hải Dương 1 người chết do bão; thành phố Hà Nội có 1 người chết do bão; tỉnh Hòa Bình có 4 người chết do sạt lở đất; tỉnh Yên Bái có 3 người chết và 2 người mất tích do sạt lở đất; tỉnh Lạng Sơn có 2 người chết; tỉnh Bắc Giang có 1 người mất tích do lũ cuốn; tỉnh Tuyên Quang có 2 người mất tích do lũ cuốn; tỉnh Hà Giang có 1 người chết do lũ cuốn; tỉnh Phú Thọ có 8 người mất tích do sự cố sập cầu Phong Châu.

Bão, lũ còn làm 746 người bị thương, trong đó tỉnh Quảng Ninh 536 người, thành phố Hải Phòng 81 người, tỉnh Hải Dương 5 người, thành phố Hà Nội 10 người, tỉnh Bắc Giang 5 người, tỉnh Bắc Ninh 52 người, tỉnh Lạng Sơn 10 người, tỉnh Lào Cai 14 người, tỉnh Yên Bái 4 người, tỉnh Cao Bằng 12 người, tỉnh Phú Thọ 5 người, tỉnh Bắc Kạn 1 người, tỉnh Hòa Bình 1 người, tỉnh Vĩnh Phúc 8 người, tỉnh Thanh Hóa 2 người.

Bão, mưa lũ làm 85 tàu thuyền các loại bị chìm tại nơi neo đậu ở Quảng Ninh; 148.170 ha lúa và 25.649 ha hoa màu, 11.038 ha cây ăn quả bị thiệt hại; 1.577 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; 1.107 gia súc, 678.945 gia cầm bị chết.

Do thời gian lưu bão dài và duy trì cường độ gió bão, gió giật rất mạnh đã làm 47.566 ngôi nhà ở bị hư hỏng (tập trung tại tỉnh Quảng Ninh 20.245 nhà, thành phố Hải Phòng 13.927 nhà, tỉnh Bắc Ninh 3.450 nhà, tỉnh Lạng Sơn 2.929 nhà...).

Nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng; rất nhiều biển hiệu quảng cáo, cột viễn thông, trạm phát sóng di động bị gãy đổ; cây xanh đô thị bị bật gốc, gãy đổ la liệt trên các tuyến đường tại các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội...

Hiện các địa phương vừa căng sức ứng phó mưa lũ lớn, vừa khắc phục hậu quả, khẩn trương thống kê, xác minh để làm căn cứ hỗ trợ người dân...

Tú Linh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu