04:10 ngày 24/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Hà Nội: Cần làm sáng tỏ nhiều khúc mắc tại một bản án

08:15 31/05/2021

(THPL) - TAND quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã ban hành Bản án số 217/2020/HS-ST ngày 22/9/2020, về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” đối với bị cáo Phạm Tiến Dũng. Trong quá trình tranh tụng tại phiên tòa, luật sư bào chữa cho bị cáo chỉ ra nhiều vấn đề vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng của các cơ quan tố tụng quận Nam Từ Liêm trong giai đoạn điều tra, truy tố, cũng như nhiều tình tiết chưa được các cơ quan tố tụng làm sáng tỏ.

Vụ án trên liên quan đến một chiến sĩ công an đang công tác tại Công an tỉnh Nam Định, được cử đi học tại Học viện Cảnh sát nhân dân, nên đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Vụ án này trước khi có quyết định đưa ra xét xử sơ thẩm thì đã kéo dài 2 năm (2019 - 2020), và trải qua 04 lần trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Vì vậy, theo Luật sư Nguyễn Văn Tú - Công ty Luật TNHH Fanci (thuộc Đoàn Luật sư Bắc Giang), vụ án còn nhiều tình tiết chưa được các cơ quan tố tụng làm sáng tỏ.

Cũng theo luật sư Tú, các cơ quan tố tụng quận Nam Từ Liêm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng nên bản chất của vụ án đã bị thay đổi, ảnh hưởng đến quyền lợi của bị cáo Phạm Tiến Dũng. Cụ thể, đối với cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT) - Công an quận Nam Từ Liêm đã vi phạm vào Khoản 4 Điều 163 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định về thẩm quyền điều tra: "Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra những vụ án hình sự mà tội phạm xảy ra trên địa phận của mình. Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm thì việc điều tra thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt...”.

 Bản án số 217/2020/HS-ST ngày 22/9/2020

Đối với vụ án trên: Ngày 23/05/2019, cơ quan CSĐT - Công an quận Nam Từ Liêm có Công văn số 880/CQĐT(ĐTHS) gửi cơ quan CSĐT Công an quận Bắc Từ Liêm nêu rõ “Ngày 28/8/2018, Phạm Tiến Dũng yêu cầu Nguyễn Thị Bé Thương viết giấy biên nhân tiền tại căng tin K1-Học viện Cảnh sát nhân dân thuộc Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội”. Như vậy, theo luật sư Tú, công văn số 880/CQĐT(ĐTHS) do Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra Công an quận Nam Từ Liêm ký đã xác định thẩm quyền điều tra thuộc cơ quan điều tra quận Bắc Từ Liêm, nhưng không hiểu vì lý do gì cơ quan CSĐT - Công an quận Nam Từ Liêm vẫn “tích cực” giành quyền điều tra vụ án.

Việc “tích cực” này thể hiện bằng hàng loạt các văn bản sau: Ngày 23/05, điều tra viên Nguyễn Thành Đông (Công an quận Nam Từ Liêm) và điều tra viên Nguyễn Tiến Dũng (Công an quận Bắc Từ Liêm) cùng nhau ký Biên bản làm việc ngày 23/05/2019 để cơ quan CSĐT – Công an quận Nam Từ Liêm là đơn vị phát hiện tội phạm nên tiếp tục điều tra. Không những thế, ngày 5/9/2019, cơ quan CSĐT – Công an quận Nam Từ Liêm phát Công văn số 1584/CQĐT(ĐTHS) đã "gài" một tình tiết chỉ có lời khai của một mình Nguyễn Thị Bé Thương rằng: “Ngày 19/10/2018 chị Thương tiếp tục vay của Dũng số tiền 300 triệu đồng với lãi suất như trên tại Mỹ Đình, Nam Từ Liêm” (Không xác định rõ được thời gian, địa điểm cụ thể).

Theo Luật sư Tú: Hồ sơ vụ án không có bất kỳ tài liệu, chứng cứ nào ngoài lời khai của một mình Thương về việc vay tiền tại Mỹ Đình, Nam Từ Liêm.

Việc tiếp theo, Luật sư Tú cho rằng việc bắt người, giữ người của quận Nam Từ Liêm là sai quy định pháp luật. Người liên quan trong vụ án là ông Trần Quang Huy đã bị Công an quận Nam Từ Liêm về tận Nam Định, nhân danh giấy tờ triệu tập là giấy mời nhưng hành vi là dẫn giải, áp giải. Đối với bị can Phạm Tiến Dũng, khi cậu ruột mình bị bắt giữ không rõ lý do nên Dũng đã lên cơ quan Công an quận Nam Từ Liêm để liên hệ làm rõ, sau đó chính Dũng cũng bị giữ luôn từ ngày 21/5/2019 cho đến ngày 23/5/2019 mới có lệnh bắt chính thức và được VKSND quận Nam Từ Liêm phê chuẩn.

Luật sư Tú quan ngại việc giữ Huy và Dũng, “câu lưu” 2 người này tại cơ quan Công an quận Nam Từ Liêm 3 ngày 2 đêm đã hình thành nên bộ hồ sơ ban đầu là các biên bản lấy lời khai và sau này hợp thức hóa thành bản cung. Việc hợp thức hóa bản cung cho khớp với lời khai của người tố cáo cũng là căn cứ để cơ quan CSĐT - Công an quận Nam Từ Liêm kết tội Dũng. 

Đối với VKSND quận Nam Từ Liêm, cơ quan này đã 3 lần trả hồ sơ yêu cầu cơ quan CSĐT - Công an quận Nam Từ Liêm tiến hành đối chất những người có liên quan trong vụ án bao gồm Dũng, Thương, Trang và giữa Huy với Thương, nhằm làm rõ các khoản tiền chuyển đi chuyển lại giữa các tài khoản của những người này, nhưng chưa lần nào Công an quận Nam Từ Liêm thực hiện được việc đối chất này. Song thật lạ, cho dù cơ quan CSĐT - Công an quận Nam Từ Liêm chưa thực hiện được yêu cầu của mình, nhưng VKSND quận Nam Từ Liêm vẫn ban hành cáo trạng số 194/CT-VKS-NTL ngày 06/08/2020 truy tố bị can Phạm Tiến Dũng.

Về phía TAND quận Nam Từ Liêm, đây là một vụ án hình sự xuất phát từ những giao dịch dân sự giữa Dũng, Thương, Trang và giao dịch nhận tiền chạy việc cho ông Trần Quang Huy giữa ông Huy và Nguyễn Thị Bé Thương. Vì thế, trong quá trình xét xử sơ thẩm bị cáo Dũng, Huy, luật sư liên tục đề nghị triệu tập Nguyễn Thị Bé Thương và Nguyễn Huyền Trang ra trước Tòa để đối chất làm rõ bản chất số tiền là tiền gì. Đây cũng là nội dung được TAND quận Nam Từ Liêm trả hồ sơ điều tra bổ sung. Nhưng cho dù tại phiên tòa Nguyễn Thị Bé Thương và Nguyễn Huyền Trang không có mặt, phía luật sư và bị cáo Phạm Tiến Dũng liên tục yêu cầu tòa phải triệu tập Thương, Trang, nhưng tòa vẫn bác rồi tiến hành tuyên án.

Trong quá trình xét xử sơ thẩm, luật sư và Dũng đã trình bày những vi phạm tố tụng, hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp của cơ quan CSĐT- Công an quận Nam Từ Liêm, đề nghị Tòa án trả hồ sơ cho VKSND quận Nam Từ Liêm để chuyển cho Cơ quan CSĐT – Công an quận Bắc Từ Liêm điều tra đúng thẩm quyền và điều tra làm rõ nội dung tờ giấy biên nhận tiền xin việc mà Nguyễn Thị Bé Thương viết cho Trần Quang Huy, cùng nhiều nội dung quan trọng khác, nhưng cũng không được TAND quận Nam Từ Liêm xem xét. 

Luật sư Tú và Dũng đã có những lập luận, trình bày những tài liệu chứng cứ chứng minh vi phạm tố tụng cũng như những đề nghị: Trả hồ sơ điều tra bổ sung làm rõ những vi phạm tố tụng; Giám định chữ viết các bản cung để làm rõ vi phạm tố tụng của điều tra viên có dấu hiệu ngụy tạo các bản cung "ma" để buộc tội oan sai, làm sai lệch hồ sơ vụ án, nội dung này cũng không được HĐXX xem xét.

Tới đây, phiên tòa phúc thẩm sẽ được xét xử, dư luận đang trông ngóng vào một bản án công minh, thấu tình đạt lý, đúng người đúng tội, tránh oan sai

Thương hiệu và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.

Mạnh Nghiệp

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu