12:56 ngày 25/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Hà Nội: Ngôi làng có truyền thống tiện gỗ hàng trăm năm tuổi

09:29 14/07/2021

(THPL) - Không chỉ nổi tiếng với truyền thống văn hiến, khoa bảng, làng Nhị Khê (Thường Tín, Hà Nội) còn được biết tới với nghề tiện gỗ có lịch sử phát triển hàng trăm năm tuổi. Đặc biệt, làng Nhị Khê còn khắc sâu vào ký ức tuổi thơ của mỗi người dân nơi đây bằng không gian làng quê rất đặc trưng của Bắc bộ mái đình, cây đa, bến nước…

Làng nghề cổ Nhị Khê tên Nôm là làng Dũi, nổi tiếng với nghề tiện gỗ nên dân gian thường gọi là làng Dũi Tiện. Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km về phía Nam, làng tiện gỗ Nhị Khê được nhiều người gần xa biết đến với làng nghề truyền thống và tham quan du lịch. Tại đây, du khách được tận mắt chứng kiến bàn tay khéo léo của những người thợ tài hoa khi “biến” những khúc gỗ xù xì trở thành những sản phẩm tinh xảo.

Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng: Tương truyền Tổ tiên Thánh sư Đoàn Tài là người đã có công khai sinh ra làng nghề. Dưới thời vua Lê chúa Trịnh, có một người thợ tiện tài hoa tên là Đoàn Tài. Đoàn Tài có khả năng tiện được nhiều sản phẩm độc đáo như: cái điếu 18 lỗ hút, có thể để 18 trai tráng cùng hút một lúc...

Bằng bàn tay khéo léo, những người thợ tài hoa đã “biến” những khúc gỗ xù xì trở thành những sản phẩm tinh xảo.
Đồ tiện ở Nhị Khê có hai chủng hàng chính là đồ thờ cúng và đồ gia dụng

Nhiều sản phẩm do ông tiện đã được đem tiến vua. Bằng tài nghệ của mình, ông đã được vua phong sắc “Lê Triều sắc tứ mộc tượng”. Ông đến Nhị Khê và truyền nghề tiện cho dân làng nơi đây. Từ đó người dân tôn ông là tổ nghề tiện.

Hỏi thăm các nghệ nhân, chúng tôi được biết: Nguyên liệu dùng để tiện gồm hai loại chính là gỗ và sừng. Gỗ có đủ loại từ gỗ mít, gỗ de, lim, gụ, trắc, pơmu. Sừng thì có sừng trâu, bò, hươu, nai... Xưa kia còn tiện cả ngà voi để làm vật phẩm quý cho triều đình và nhà quyền quý.

Đồ tiện ở Nhị Khê có hai chủng hàng chính là đồ thờ cúng và đồ gia dụng. Đồ thờ cúng gồm có ống hương, lọ hoa, mâm bày, giá nến... Đồ gia dụng thì có giỏ đựng ấm tích, bánh gỗ, điếu bát, con quay, quả cầu...

Ngày nay, bằng sự sáng tạo, người thợ Nhị Khê đã sản xuất ra hàng trăm mặt hàng có mẫu mã khác nhau. Sản phẩm của Nhị Khê ngày một tinh xảo, chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài.

Không những thế, người thợ Nhị Khê còn khéo léo kết hợp nghề mộc cao cấp với sơn mài, điêu khắc, khảm trai để tạo ra những sản phẩm tiện tinh xảo, được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng, đặc biệt là các mặt hàng trang trí, mỹ nghệ cao cấp.

Thôn Nhị Khê có gần 600 hộ dân thì có tới 90% số hộ theo nghề

Thôn Nhị Khê có gần 600 hộ dân thì có tới 90% số hộ theo nghề. Toàn bộ các hộ làm nghề đã sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất. Mỗi hộ lại tập trung vào một mẫu sản phẩm riêng, không ai giống ai. Hộ chuyên làm đồ thờ, hộ làm hàng sừng, hàng mỹ nghệ, hàng chiếu, rèm, móc treo áo… Ai không sản xuất thì đi buôn gỗ hoặc giao dịch sản phẩm…

Nghề tiện không chỉ tạo công ăn việc làm cho người dân trong làng, mà còn thu hút được nhiều lao động từ các địa phương khác, với mức thu nhập bình quân 4-5 triệu đồng/người/tháng. Nhờ vậy, đời sống của người dân được nâng cao, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.

Những ngày này có dịp về thăm làng Nhị Khê, đi sâu vào trong làng không khó để bắt gặp quá trình tạo ra những sản phẩm từ gỗ và những món quà lưu niệm được bày bán tại các cửa hàng. Kèm theo đó, là những âm thanh mộc quen thuộc nơi làng nghề Nhị Khê khiến ta chợt nhớ lại câu ca dao quen thuộc:

 “Hỡi cô con gái bên sông

Có về Dũi Tiện với anh thì về

Dũi Tiện có cây bồ đề

Có sông tắm mát, có nghề tiện mâm”.

Huyền Chi

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu