15:42 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Hà Nội chưa tính phương án phong tỏa diện rộng, sẵn sàng trạm y tế lưu động

09:05 16/12/2021

(THPL) - Ngày 15/12, tại Hội nghị Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã có một số chỉ đạo trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

Ông Đinh Tiến Dũng cho biết, Thành ủy, UBND đã chỉ đạo tập trung tối đa cho tuyến cơ sở để phòng, chống dịch; đặt y tế cơ sở là trọng tâm để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 128-NQ/CP của Chính phủ.

Ban Cán sự đảng UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo phân cấp, giao quyền rõ ràng cho các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm về phòng, chống dịch; cụ thể là xác định cấp độ và triển khai các biện pháp áp dụng tương ứng trên địa bàn. Từng quận, huyện, thị xã phải chỉ đạo đánh giá và xác định nhu cầu bố trí các trạm y tế lưu động theo số dân và từng cấp độ dịch.

Ngành Y tế phải có hướng dẫn về chuyên môn, nhất là trang thiết bị và con người cho các trạm y tế. Từng phường, xã, thị trấn phải có phương án cụ thể để chuẩn bị cơ sở vật chất và nhân lực tương ứng với số lượng trạm y tế lưu động sẵn sàng triển khai khi số ca F0 tăng mạnh. Nơi nào cần phải tổ chức thiết lập vận hành ngay; nơi nào chưa cần ngay phải có tập huấn, diễn tập để khi có động lệnh là triển khai, bố trí nhanh nhất.

Ông Đinh Tiến Dũng nêu rõ: "Chúng ta phải quyết định tổ chức thực hiện theo hướng lấy y tế cơ sở làm nòng cốt để chiến thắng dịch bệnh. Quá trình thực hiện vừa làm, vừa đánh giá, rút kinh nghiệm để tổ chức diện rộng toàn thành phố".

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng. Ảnh: Internet

Theo báo VietNamnet, Bí thư Thành ủy giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo toàn diện việc tổ chức phương án bố trí trạm y tế lưu động, tăng cường năng lực y tế cơ sở đáp ứng các cấp độ dịch, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Trước mắt, Ban Cán sự đảng UBND thành phố và Đảng đoàn HĐND thành phố phối hợp tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách mua sắm vật tư, máy xét nghiệm, thiết bị y tế… để tăng cường cho bệnh viện cấp huyện nâng cao năng lực xét nghiệm khắc phục việc trả mẫu chậm, quá tải; xây dựng cơ chế, chính sách trả thù lao cho lực lượng y, bác sĩ về hưu, sinh viên ngành y được huy động...

“Cơ chế, chính sách phải đi trước một bước, là vấn đề mấu chốt phải triển khai làm ngay”, Bí thư Hà Nội nhấn mạnh.

Bí thư Thành ủy đề nghị toàn hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở và người dân Thủ đô tiếp tục vào cuộc quyết tâm bảo vệ Thủ đô trước dịch bệnh, đặc biệt, không để vì chủ quan trong những dịp lễ lớn như Noel, Tết Dương lịch làm dịch lây lan rộng trên địa bàn.

Các phường, xã, thị trấn tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò của các tổ, nhóm COVID-19 cộng đồng, tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm COVID-19 tại nhà. Cán bộ, đảng viên gương mẫu chấp hành quy định, lan tỏa trong cộng đồng ý thức tự giác, tinh thần sẻ chia và quyết tâm cùng thành phố đẩy lùi và chiến thắng dịch bệnh. Mặt trận Tổ quốc làm đầu mối các tổ chức chính trị xã hội tham gia công tác phòng, chống dịch. 

Theo báo VTC News, liên quan đến việc đưa học sinh trở lại trường học, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị do tình hình dịch bệnh chuyển biến xấu, nên các địa phương chưa tổ chức đi học cho học sinh chưa được tiêm vắc xin.

“Hiện tại, thành phố cũng chưa có phương án phong tỏa diện rộng vì tình hình vẫn đang trong tầm kiểm soát, đặc biệt là khi mức độ tiêm phủ vắc xin phòng COVID-19 đủ 2 mũi đã khá cao. Các quận, huyện, thị xã sẽ thực hiện các biện pháp theo Nghị quyết số 128-NQ/CP của Chính phủ bảo đảm linh hoạt theo diễn biến của dịch và từng địa bàn cụ thể”, ông Đinh Tiến Dũng nói.

Về tình hình dịch bệnh, theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, số ca mắc mới từ 18h ngày 14/12 đến 18h ngày 15/12 của Hà Nội ghi nhận là 1357 ca bệnh; trong đó: cộng đồng (611), khu cách ly (609), khu phong tỏa (137). Công tác điều tra truy vết tiếp tục ghi nhận thêm 2915 trường hợp F1, 1568 trường hợp F2. Các ca bệnh và khu vực liên quan đến các bệnh nhân đều được tổ chức điều tra dịch tễ, xử lý theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tính từ đầu năm đến nay, toàn thành phố ghi nhận 21.502 ca bệnh, trong đó có 8233 ca cộng đồng và 13.269 ca đã được cách ly. Trong giai đoạn thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP từ 11/10 đến nay, toàn thành phố ghi nhận 17.395 ca mắc, trong đó 6691 ca ngoài cộng đồng, 8165 ca tại khu cách ly, 2539 ca tại khu phong tỏa.

Trong ngày, toàn thành phố xét nghiệm 40.493 mẫu, phát hiện 1357 trường hợp dương tính. Cụ thể, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội thực hiện xét nghiệm 9681 mẫu, phát hiện 643 trường hợp dương tính; các bệnh viện xét nghiệm 30.812 mẫu, phát hiện 714 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.

Số F0 đang được điều trị là 9886, cụ thể tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (82), Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (175) và 29 bệnh viện của Hà Nội (2018), 4 các cơ sở thu dung điều trị (3235), các trạm y tế lưu động (3312) và 1064 bệnh nhân cách ly điều trị tại nhà.

Công tác tiêm vắc xin cho người trên 18 tuổi, trong ngày toàn thành phố thực hiện được 14.997 mũi tiêm, nâng tổng số mũi tiêm thực hiện được ở đối tượng này là 12.508.952 mũi. Kết quả tiêm vắc xin cho trẻ từ 15-17 tuổi, trong ngày thực hiện được 111 mũi tiêm, nâng tổng số mũi tiêm từ ngày 23/11 đến nay lên 295.577 mũi/302.346 trẻ đạt 97,7%. Kết quả tiêm vắc xin cho trẻ từ 12-14 tuổi, trong ngày thực hiện được 576 mũi tiêm, nâng tổng số mũi tiêm từ ngày 27/11 đến nay là 355.206 mũi/386.444 trẻ, đạt tỷ lệ 91,9%.

Hiện tại, các hoạt động phòng chống dịch như giám sát người về từ các tỉnh, thành phố trong cả nước; điều tra truy vết các trường hợp tiếp xúc gần; xét nghiệm; tiếp nhận và điều trị cách ly tại bệnh viện các trường hợp F0, cách ly điều trị tại nhà và đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vẫn đang được ngành y tế tích cực triển khai.

Bảo An (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu