13:00 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Hà Nội: Ai ‘nhắm mắt’ xây nơi nghỉ dưỡng trong hành lang thoát lũ sông Đuống?

13:05 10/06/2019

(THPL) – Một công trình nằm trong hành lang đê thoát lũ sông Đuống được người dân cho là vi phạm luật đê điều và được xây dựng để phục vụ cho gia đình giám đốc một doanh nghiệp.

Vừa qua, người dân sinh sống ở thị trấn Yên Viên (Gia Lâm, Hà Nội) bàn tán xôn xao về một khu nghỉ dưỡng, nhà hàng xây dựng trên hành lang thoát lũ Sông Đuống chỉ để phục vụ cho một cá nhân. Điều này khiến họ bức xúc và lo lắng về tính mạng, tài sản của mình khi mùa mưa lũ cận kề.

Khu nghỉ dưỡng nằm trong hành lang đê thoát lũ sông Đuống gây nhiều bức xúc cho nhân dân.

Để tìm hiểu thực hư câu chuyện, PV Thương hiệu và Pháp luật đã tìm tới thị trấn Yên Viên (Gia Lâm, Hà Nội) và ngỡ ngàng khi được người dân nơi đây bày tỏ về khu nghỉ dưỡng này. Được người dân địa phương “chỉ đường, dẫn lối”, nhóm PV đi vào một con ngõ nhỏ. Nằm ở cuối con ngõ là một công trình bề thế, hoành tráng đó chính nơi khu nghỉ dưỡng được người dân nhắc tới.

Người dân nơi đây cho hay, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng này được xây dựng lên để phục vụ một lãnh đạo của doanh nghiệp. Các công trình hạng mục nơi đây được xây dựng trên hành lang thoát lũ sông Đuống. Và xây như vậy là sai phép, xâm phạm đê điều khiến chúng tôi lo lắng khi mùa mưa lũ sắp tới.

Điều đáng nói, các công trình này xâm phạm đê điều nhưng không được chính quyền địa phương, Sở Nông nghiệp xử lý dứt điểm mà vẫn để tồn tại. Phải chăng, họ coi trọng tính mạng, tài sản của vị lãnh đạo doanh nghiệp hơn hàng trăm, hàng ngàn người dân ‘thấp cổ bé họng’ như chúng tôi.

Ghi nhận của PV Thương hiệu và Pháp luật, trên khu đất rộng hàng ngàn m2 nằm ngay sát bờ sông Đuống có khá nhiều hạng mục được chủ đầu tư xây dựng kiên cố. Để theo dõi mọi hoạt động ra vào nơi đây, chủ đầu tư đã chịu chi mạnh tay bỏ tiền ra lắp hệ thống camera khắp mọi nơi.

Các hạng mục được chủ đầu tư xây dựng kiên cố.

Trong khuôn viên có một vài người tự xưng là nhân viên quản lý khu nghỉ dưỡng khang trang ‘có một không hai’ này. Người phụ nữ đứng tuổi xưng là quản lý và thẳng thắn chia sẻ với cánh PV chúng tôi rằng: “Đây là khu của ông Cường - Giám đốc Công ty TNHH Bắc Chương (gọi tắt là Công ty Bắc Chương Dương) và thỉnh thoảng ông Cường hay về đây nghỉ ngơi”.

Qua tìm hiểu của PV, Công ty Bắc Chương Dương có địa chỉ tại Phường Bồ Đề (Quận Long Biên, Hà Nội) và người đại diện pháp luật đó là bà Vũ Thị Thanh Thủy. Ngoài ra, trên trang website bacchuongduong.com (được nhiều người cho rằng là website của doanh nghiệp này) lại ‘tự nâng bi’ rằng đây là “Dự án khu sinh thái sông Đuống - Dự án có tổng mức đầu tư trên 70 tỷ đồng gồm tòa nhà đa chức năng cao 7 tầng và nhiều hạng mục khác…”.

Trao đổi với PV Thương hiệu và Pháp luật về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Lệ Quyên – Phó Chủ tịch UBND thị trấn Yên Viên cho biết: “khu đất mà báo chí đề cập không phải là khu sinh thái, đây là khu vườn hoa, sân chơi, cây xanh đã được UBND huyện Gia Lâm chấp thuận năm 2016. Trong văn bản chấp thuận của UBND huyện cho phép xây dựng nhà điều hành, nhà phụ trợ, nhà bảo vệ”.

Đại diện UBND thị trấn Yên Viên trao đổi với PV.

Ngoài ra, đại diện thị trấn thông tin rằng, khu đất đó thuộc hành lang thoát lũ đã được Sở Nông nghiệp chấp thuận phương án. Tuy nhiên, khi PV hỏi về phương án do cá nhân, tổ chức nào đưa ra thì bà Quyên nói: ‘phương án do công ty Bắc Chương Dương đưa ra trước đây, sau này doanh nghiệp này không hoạt động nữa thì cá nhân tiếp quản. Và phương án này do UBND huyện đưa ra”.

Sau một hồi vòng vo thì vị Phó Chủ tịch phúc đáp: “phương án do UBND thị trấn đưa ra và được UBND huyện chấp thuận”. Tuy nhiên, phương án này không xin ý kiến của Sở Nông nghiệp mà dựa vào văn bản chấp thuận do Sở này cấp cho Công ty Bắc Chương Dương trước đó.

“Hiện nay, UBND thị trấn ký hợp đồng cho cá nhân bà Phùng Thị Hồng Oanh là cá nhân thuộc TDP Đuống 7 (TT Yên Viên, Gia Lâm, Hà Nội) thuê theo hợp đồng hàng năm. Việc UBND thị trấn cho thuê khu đất trên đều được chấp thuận và phê duyệt giá của UBND huyện Gia Lâm. Người thuê nộp tiền vào ngân sách địa phương theo quy định có hóa đơn chứng từ rõ ràng”, bà Quyên nói. Thế nhưng, khi PV đề nghị cung cấp giấy tờ chứng minh sự rõ ràng này thì đại diện UBND thị trấn không cung cấp được.

PV đề nghị cung cấp các văn bản liên quan thì vị này thẳng thắn nói: “thị trấn chỉ được quyền cung cấp các văn bản mà thị trấn ban hành. Còn những văn bản của cơ quan nào ban hành thì PV liên hệ với cơ quan đó. Khi được hỏi lý do tại sao không thể cung cấp được cho báo chí thì bà Quyên nói rằng: “vì mình không phải cơ quan sản xuất ra văn bản này. Bây giờ, PV đề xuất cung cấp các văn bản đó thì chúng tôi có trách nhiệm báo cáo UBND huyện để xin ý kiến và hẹn PV cung cấp sau”.

Theo hợp đồng thuê mặt bằng trên đất vào các năm 2017 và 2019 do UBND thị trấn Yên Viên cung cấp, cho thấy căn cứ được đưa ra còn thiếu khách quan, thiếu tính minh bạch. Thông tin về vấn đề này, bà Quyên nói rằng: ‘chúng tôi sẽ kiểm tra lại’.

Khi được hỏi về việc, nếu hợp đồng cho thuê giữa UBND thị trấn và bà Oanh sai thì chính quyền địa phương có trả lại số tiền đã nhận trước đó cho công dân này hay không? Vị này không trả lời được.

Trước những câu trả lời của đại diện UBND thị trấn Yên Viên với báo chí, một công dân nhận định: “chắc có sự mập mờ nào đó nên lãnh đạo thị trấn không cung cấp văn bản, giấy tờ liên quan cho cơ quan báo chí. Phải chăng, chính quyền sở tại đang bao che, dung túng cho sai phạm”.

Một mùa mưa bão năm 2019 đang cận kề, liệu rằng UBND huyện Gia Lâm và Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Hà Nội sẽ có phương án xử lý, giải quyết như thế nào để nhân dân đảm bảo an toàn trong cuộc sống và sản xuất.

Thương hiệu và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin...

Minh Quang

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu