06:57 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Hà Nam: Hàng trăm ngôi mộ bị xâm phạm bởi dự án "ma"

07:34 28/12/2016

(THPL) - Những ngôi mộ tọa lạc trên cánh đồng của Thôn Nghè Thượng, xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm có niên đại hàng chục năm, trong đó có những ngôi mộ tổ của một số gia tộc lớn có niên đại hàng trăm năm lịch sử bỗng chốc “bị ép” di dời bởi một dự án “mập mờ”, không rõ tên, không bản quy hoạch chi tiết…khiến người dân vô cùng bức xúc.

Thời gian qua, tòa soạn Thương hiệu & Pháp luật liên tiếp nhận được đơn thư phản ánh của người dân thôn Nghè Thượng, xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, tố cáo về hành vi xam phạm mồ mả của một dự án "ma" trên địa bàn xã. Bên cạnh việc tố cáo trên, người dân nơi đây cũng không khỏi "bức xúc" về các đoàn xe có tải trọng lớn, ngày đêm "quần thảo" dẫn đến tình trạng xuống cấp về hạ tầng giao thông, nhưng lại hiếm thấy sự can thiệp, hay xử lý từ các cấp chính quyền.

Người cựu chiến binh đội đơn kêu cứu

Ngôi mộ nhỏ nằm lọt thỏm giữa công trường rộng lớn, từng bãi đất nhô cao nhấn chìm ngôi mộ của gia đình ông Đỗ Văn Nghĩa. Lội bì bõm trong nước, ông Nghĩa cắm nén hương thơm lên nấm mồ của người người thân quá cố. Rồi ông ôm mặt khóc nức nở như một “đứa trẻ”, ông đau đớn, tủi nhục khi để người thân nằm giữa vũng nước đục bao ngày. Ông Nghĩa, vốn sinh ra và lớn lên tại thôn Nghè, xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm, Hà Nam. Khi lớn lên ông theo tiếng gọi của Tổ Quốc “xẻ dọc” dãy trường sơn đi cứu nước.

Đơn của kêu cứu của người cựu chiến binh gửi đến các cơ quan chức năng. Ảnh: T.S

Sau khi giải ngũ trở về quê hương làm kinh tế, nhưng đồng chiêm chủng, đất đai ít, trong khi gia đình đông anh em, ông đành từ biệt quê hương lên Sơn La lập nghiệp. Ngày ông đi, ông căn dặn các em ông ở nhà phải chăm sóc phần mộ cho người thân thật tốt…dù nghèo, dù đói nhưng không được để mộ lạnh, phải hương khói đủ đầy… Ấy vậy mà, mấy ngày vừa qua, ông đau đớn, buồn tủi khi nghe tin nơi an nghỉ của người thân mình đang sắp bị nhấn chìm bởi “biển đất”.

Nghe tin vậy, ông liền bắt xe từ Sơn La chạy về quê xem tình hình thế nào. Và giờ đây, trong giây phút nhìn ngôi mộ của người thân sinh nằm lọt thỏm giữa hố sâu đầy nước, ông Nghĩa không thể kìm nén cảm xúc. Chia sẻ với chúng tôi, ông Nghĩa cho biết: “Tôi xa nhà lập nghiệp cũng đã lâu nhưng không năm nào tôi quên, tôi bận mà không dành thời thắp cho người thân một nén hương. Dù nghèo đói, anh em chúng tôi vẫn gom góp mỗi người một ít để xây dựng lại mộ cho các cụ mồ yên, mả đẹp. Vậy mà giờ đây tôi thấy xót quá…chẳng hiểu, chuyện gì đang xảy ra…ai lại nỡ lòng đổ đất vùi lấp mồ mả gia tiên của gia đình chúng tôi như vậy”, ông Nghĩa nói.

Xe chở đất, đá để phục vụ cho công tác san lấp. Ảnh: T.S

Thực tế, ngôi mộ của gia đình ông Nghĩa chỉ là một trong hàng chục ngôi mộ phải di dời cho một dự án triển khai vài tháng nay tại xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm. Theo người dân địa phương, dự án này được triển khai trên diện tích hàng chục héc-ta trên khắp địa bàn xã. Tuy nhiên, điều lạ lùng, ở thôn Nghè Thượng chẳng mấy ai biết được đó là dự án gì và như thế nào? Mọi thứ mà người dân biết về dự án chỉ là tin đồn rằng “đó la dự án của tư nhân và chủ dự án là một doanh nhân có tên Nguyễn Đình Lợi”…

Dự án "ma" xâm phạm những ngôi mộ cổ

Theo ông Đỗ Văn Thực, để triển khai dự án, doanh nghiệp này đã tổ chức một cuộc thu mua đất nông nghiệp với quy mô lớn xung quanh khu vực Tam Bố, thôn Nghè Thượng. Để sân lấp mặt bằng, doanh nghiệp huy động hằng trăm lượt xe tải mỗi ngày mang hàng nghìn khối đến. “Dự án triển khai quá nhanh nhưng lại thiếu thông tin khiến chúng tôi trở tay không kịp. Bây giờ đất đổ khắp nơi, cao hơn 2 m so với trước đó khiến nhiều ngôi mộ chìm xuống, gây khó khăn cho việc chuyển mộ.

Ngôi mộ bị vùi lấp bởi hàng trăm khối đất đá khi san lấp. Ảnh: T.S

Trong đó, có ngôi mộ tổ của dòng họ Đỗ chúng tôi đã án táng hơn 300 năm. Khi triển tiến hành san lấp, máy xúc đã xâm phạm đến một số ngôi mộ nhưng doanh nghiệp không thông báo cho người dân cũng như chính quyền địa phương biết để người thân của những ngôi mộ đó biết, làm thủ tục di dời mà lại tự do đào chuyển sang chôn tạm bên nghĩa trang hung táng của thôn, gây phản cảm, bức xúc cho người dân”.

Ngoài ra, ông Thực còn cho biết, doanh nghiệp đã tự ý đổ đất, san lấp mắt bằng trước hằng tháng trời rồi mới thông qua Hội đồng GPMB của huyện Thanh Liêm. “Họ san lấp cả tháng rồi mới tổ chức Hội đồng GPMB mặt cách gấp gáp vào tháng 12/2016. Tại cuộc họp Hội đồng, chính quyền địa phương bỗng yêu cầu các hộ dân phải di chuyển mồ mả tại khu vực Tam Bố trước tết để bàn giao mặt bằng cho doanh nghiệp, trong khi chúng tôi chưa biết một chút thông tin nào về dự án.

Hơn nữa, ngay bên cạnh, thôn Lầy cũng có tình trạng phải di chuyển mồ mả nhưng các hộ dân bên đó được đưa mộ lên núi còn thôn Nghè lại phải chuyển mộ đã ổn định từ nhiều đời nay trên đất núi, đất ruộng ử Tam Bố đến nơi khác khi chưa có mặt bằng đất quy hoạch nghĩa trang hợp pháp cho việc di chuyển mộ”, ông Thực nói.

Ông Đỗ Văn Bảng, Chi hội phó Chi hội Người cao tuổi thôn Nghè Thượng cho biết: “ Thực tế, người dân không hề biết đó là dự án gì, như thế nào, mục đích của dự án… để chúng tôi con biết nó có tác động như thế nào đến môi trường, kinh tế - xã hội của địa phương. Ngay tại hội nghị GPMB, nhiều ý kiến đề nghị công khai dự án nhưng không được chủ tọa đáp ứng. Trong khi đó, mồ mả của cha ông bao đời nay bỗng chốc bị đề nghị dọn đi. Không được thì gây sức ép để thế này thế kia. Như vậy là họ khinh thường người dân, không có tính dân chủ… Liệu như vậy có đúng hay không? Một dự án không tên tuổi, không biết phục vụ lợi ích cho ai, tác động môi trường như thế nào…người dân chúng tôi không được biết dù một chút thông tin. Liệu có điều gì khuất tất?

Quang cảnh công trường đang được san lấp nhanh "bất thường". Ảnh: T.S

Theo ông Phạm Văn Sơn, Chi hội phó Chi hội Cựu chiến binh thôn Nghè Thượng thì: “ Trước đây, họ thông báo cần thu mua đất của người dân trên núi để trồng cây nhưng sau họ thu mua hết các ruộng xung quanh khu vực Tam Bố. Các hộ dân tưởng vậy nên bán đất ruộng cho họ nhưng sau khi mua được họ bắt dời mộ đi…Tuy nhiên, khi tiến hành dồn điền đổi thửa thì các ngôi mộ nằm trên đất ruộng được trừ ra khoảng 10 m2. Như vậy, họ có mua đất ruộng thì diện tích của các ngôi mộ cũng nằm ngoài việc thu mua.

Mặc dù rất búc xúc trước ngôi mộ của gia đình bị vùi dưới hố sâu nhưng ông Nghĩa vẫn thể hiện tinh thần của người lính Trường Sơn năm xưa: “ Nếu dự án là các công trình phúc lợi, vì lợi ích quốc gia, hợp pháp thì chúng tôi sẵn sàng chấp hành, tìm nơi an nghỉ mới cho người thân. Tuy nhiên, nếu dự án phục vụ lợi ích cá nhân và không chấp hành các quy định của pháp luật thì chúng tôi không thể chấp nhận. Vì vậy, chúng tôi yêu cầu chính quyền địa phương, chủ dự án phải minh bạch thông tin dự án để người dân được biết" .

.

Thương hiệu & Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.

Thanh Sơn

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu