10:02 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Hà Giang: Xây dựng chuỗi giá trị Mật ong Bạc hà

11:27 02/01/2018

(THPL) - Mật ong Bạc hà là một trong những sản phẩm nông nghiệp đặc thù của Hà Giang được phát triển tại 4 huyện Cao nguyên đá (gồm Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh và Quản Bạ).

Thời điểm khai thác Mật ong Bạc hà chỉ diễn ra từ tháng 9 đến tháng 1 dương lịch của năm sau, do cây hoa Bạc hà chỉ sinh trưởng duy nhất trong thời gian này.

Mật ong Bạc hà đã được đồng bào các dân tộc trên vùng Cao nguyên đá phát triển từ lâu đời nhằm khai thác để phục vụ cho sinh hoạt của gia đình vào những dịp lễ tết. Từ khi người tiêu dùng trong tỉnh và khách du lịch trên Cao nguyên đá phát hiện ra những đặc tính quý giá của Mật ong Bạc hà (Mật ong Bạc hà có màu vàng đặc sánh mang hương vị hoa bạc hà và có tác dụng dược lý trong phòng trừ một số bệnh), phong trào nuôi ong khai thác mật hoa bạc hà trong tự nhiên được phát triển mạnh theo quy mô tập trung.

Bên cạnh đó, trong năm 2013, “Mật ong Bạc hà Mèo Vạc” của Hà Giang đã được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Chứng nhận Chỉ dẫn địa lý. Theo Chỉ dẫn địa lý, địa điểm sản xuất Mật ong Bạc hà của Hà Giang bao gồm 47 xã, thị trấn thuộc 4 huyện vùng Cao nguyên đá với số lượng đàn ong trên 20.000 đàn và sản lượng mật đạt khoảng 90 tấn/năm.

Một mô hình nuôi ong mật Bạc hà tại xã Lũng Pù huyện Mèo Vạc, Hà Giang
Một mô hình nuôi ong mật Bạc hà tại xã Lũng Pù huyện Mèo Vạc, Hà Giang.

Từ khi được cấp Chỉ dẫn địa lý, Mật ong Bạc hà của Hà Giang không ngừng được nâng cao giá trị cũng như tạo dựng được thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế. Với giá bán bình quân hiện nay từ 750 đến 800 nghìn đồng/lít, có thời điểm trên 900 nghìn đồng/lít, nghề nuôi ong khai thác mật hoa cây bạc hà đã góp phần nâng cao thu nhập, tạo tiền đề thúc đẩy quá trình xóa đói giảm nghèo đối với đồng bào các dân tộc trên vùng Cao nguyên đá.

Nhằm đẩy mạnh xây dựng chuỗi giá trị của Mật ong Bạc hà, tỉnh Hà Giang đã đề ra nhiều chính sách hỗ trợ như: Xây dựng và trình các cơ quan chức năng của Trung ương trong công tác bảo tồn giống ong nội địa phương tại 4 huyện Cao nguyên đá; xây dựng, phát triển và quy hoạch vùng trồng cây hoa bạc hà nhằm cung cấp nguồn phấn hoa cho đàn ong; đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học trong quá trình nhân đàn và phòng trừ dịch bệnh cho đàn ong; chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong quá trình khai thác và bảo quản Mật ong Bạc hà; đề ra các chính sách nhằm hỗ trợ người dân mở rộng quy mô phát triển đàn ong (điển hình là Nghị quyết 209/2015/NQ – HĐND, ngày 10/12/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Giang về Chính sách Hỗ trợ phát triển chăn nuôi trâu, bò và đàn ong theo hướng hàng hóa giai đoạn 2016 – 2020)….

Ngoài ra, các cấp chính quyền tại 4 huyện Cao nguyên đá cũng đề ra các chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp, các HTX đẩy mạnh phát triển nghề nuôi ong khai thác mật hoa bạc hà… Nhờ đó, nghề nuôi ong mật bạc hà trên vùng Cao nguyên đá của Hà Giang từ phát triển nhỏ lẻ, manh mún dần được chuyển sang quy mô lớn tập trung.

Sản phẩm Mật ong Bạc hà huyện Mèo Vạc đã được bảo hộ bằng Chỉ dẫn địa lý
Sản phẩm Mật ong Bạc hà huyện Mèo Vạc đã được bảo hộ bằng Chỉ dẫn địa lý.

Để nâng cao hiệu quả của công tác quảng bá thương hiệu “Mật ong Bạc hà”, trong 2 ngày từ 30 – 31/10/2017, UBND tỉnh Hà Giang đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức Hội nghị “Giải pháp phát triển bền vững nghề nuôi ong mật đảm bảo an toàn thực phẩm năm 2017” tại huyện Đồng Văn. Đây chính là diễn đàn để các hộ nuôi ong mật Bạc hà giao lưu chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời thông qua Diễn đàn để tỉnh Hà Giang tiếp tục xây dựng và phát triển Chỉ dẫn địa lý cũng như xây dựng chuỗi giá trị của sản phẩm Mật ong Bạc hà.

Bên cạnh đó, nằm trong chuỗi hoạt động của Lễ hội Hoa tam giác mạch lần thứ 3, năm 2017, UBND tỉnh Hà Giang đã tổ chức Hội thi “Sản phẩm Mật ong Bạc hà năm 2017” được tổ chức vào ngày 25/11/2017 tại huyện Mèo Vạc. Hội thi chính là sân chơi bổ ích cho người sẩn xuất và kinh doanh sản phẩm Mật ong Bạc hà; là nơi giao lưu, học hỏi kinh nghiệm về nuôi ong và khai thác, bảo quản mật. Thông qua Hội thi cũng góp phần giúp các doanh nghiệp, các HTX và người tiêu dùng có cơ hội nhận biết sản phẩm Mật ong Bạc hà qua các tiêu chuẩn, chất lượng, kết quả phân tích sản phẩm và bằng trực quan; góp phần kết nối và hỗ trợ tích cực cho công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm Mật ong Bạc hà trên thị trường.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết: Mật ong Bạc hà là một trong 6 sản phẩm đặc thù trong Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2016 – 2020. Vì vậy, để bảo vệ uy tín và không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm Mật ong Bạc hà, các cơ quan chức năng của Hà Giang cần tập trung áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong quá trình bảo tồn và phát triển giống ong nội khai thác mật hoa cây bạc hà tại 4 huyện Cao nguyên đá.

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu