05:45 ngày 20/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Giá xăng hạ nhiệt góp phần kiểm soát lạm phát và phục hồi kinh tế

14:56 16/08/2022

(THPL) - Giá xăng dầu trong nước giảm mạnh trong bối cảnh giá dầu thế giới suy yếu kể từ giữa tháng 6 đến nay, kết hợp với nhiều mặt hàng lương thực thực phẩm trên thị trường hạ nhiệt giúp cuộc sống người dân và việc kinh doanh của doanh nghiệp (DN) bớt khó khăn.

Hiện nay, giá xăng dầu hạ nhiệt tạo điều kiện cho cơ quan quản lý nhà nước dễ thực thi các chính sách hỗ trợ nền kinh tế phát triển.

Báo Pháp luật TP.HCM đưa tin, sau 5 lần giá xăng dầu giảm liên tiếp, ông Anh Tú, chủ một công ty vật liệu xây dựng tại TP.HCM, cảm thấy việc kinh doanh dễ thở hơn. Trước đó, giá xăng dầu liên tục leo thang, khiến ông phải chuyển một phần giá tăng cho khách hàng thông qua sản phẩm. Nhưng khi giá sản phẩm hàng hóa quá cao, khách hàng bắt đầu ngừng mua hàng, dẫn đến việc kinh doanh đình đốn.

“Tôi đã nghĩ đến chuyện sa thải bớt nhân viên, thậm chí đóng cửa một số cửa hàng nếu giá xăng tiếp tục tăng cao. Nhưng rất may, hiện giá xăng dầu giảm mạnh so với thời điểm trước, giúp chi phí của đội xe vận chuyển của chúng tôi giảm theo. Điều này cho phép chúng tôi giảm giá bán sản phẩm cho khách để tăng sức mua, cạnh tranh trên thị trường” - ông Tú chia sẻ.

Chuyên gia tài chính Trần Đình Phương đánh giá nỗ lực ổn định giá xăng dầu của Nhà nước thông qua giảm một số loại thuế như thuế bảo vệ môi trường đang giúp rất nhiều cho nền kinh tế và người dân. Ví dụ, khi giá xăng giảm mạnh, hàng triệu người lái xe, người dân chứng kiến hóa đơn mua xăng dầu của họ giảm mạnh. Đặc biệt, xăng dầu giảm giá thì chắc chắn nhiều loại hàng hóa, dịch vụ sẽ phải hạ giá thành sản phẩm, từ đó góp phần giảm gánh nặng cho ví tiền của người tiêu dùng.

Giá xăng dầu giảm không chỉ tác động tích cực tại Việt Nam mà còn đang giúp lạm phát của Mỹ giảm tốc, giúp thị trường kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nới lỏng các biện pháp thắt chặt tiền tệ. Điều này không chỉ tác động đến thị trường thế giới mà còn tác động đến các công ty Việt.

Giá xăng hạ nhiệt góp phần kiểm soát lạm phát và phục hồi kinh tế. Ảnh: Internet

Ông Phạm Hải Long, Tổng giám đốc Công ty Agrex Sài Gòn, cho biết thời gian gần đây, hàng xuất khẩu Việt gặp rất nhiều khó khăn do các nước Mỹ, châu Âu đối diện với lạm phát tăng cao vì giá năng lượng tăng quá mạnh. Hệ quả là người tiêu dùng các nước buộc phải giảm chi tiêu, dẫn đến hàng xuất khẩu của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng.

“Với việc giá năng lượng giảm giúp lạm phát tại các nước hạ nhiệt, trong thời gian tới hàng xuất khẩu của Việt Nam có thể sẽ tăng tốc trở lại. Nguyên nhân do thu nhập thực tế của người tiêu dùng Mỹ tăng lên, tạo ra mức chi tiêu cao hơn và không phải tiết kiệm, dè sẻn như trước” - ông Long dự báo.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, lạm phát 7 tháng đầu năm của Việt Nam tăng 2,54% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù vẫn nằm trong vòng kiểm soát nhưng áp lực lạm phát từ nay đến cuối năm vẫn còn lớn, do đó cần có giải pháp hợp lý, kịp thời và thiết thực đối với cả doanh nghiệp cũng như người dân để kiểm soát lạm phát.

Báo Hải quan đưa tin, tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam liên tục được nâng mức dự báo, trong khi thế giới và nhiều quốc gia khác liên tục hạ mức dự báo tăng trưởng. Gần đây nhất IMF dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2022 là 7% (tăng so với mức dự báo 6% tại thời điểm 16/5/2022). Việt Nam được đánh giá cao trong xếp hạng Chính phủ tốt, đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ về chỉ số bình đẳng thu nhập và thu hút đầu tư (lần lượt tăng 33 bậc và 18 bậc so với năm 2021).

Tuy nhiên, rủi ro, thách thức đối với phục hồi kinh tế còn rất lớn, nhất là giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, cộng hưởng với đà phục hồi tiêu dùng trong nước, tạo áp lực lạm phát, tăng chi phí sản xuất. Do đó, kiểm soát lạm phát vẫn là mục tiêu ưu tiên, cần phải có thêm các giải pháp trọng tâm để hỗ trợ kịp thời, tránh suy giảm sản xuất trong nước, nhất là sản xuất nông nghiệp, từ đó tác động dây chuyền đến nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế, đời sống người dân.

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định, thách thức của Việt Nam hiện nay là bảo đảm cân bằng giữa phục hồi kinh tế và kiểm soát lạm phát, linh hoạt điều phối giữa chính sách tài chính và tiền tệ. Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển, trong đó việc thúc đẩy các gói hỗ trợ kinh tế là rất phù hợp với phát triển kinh tế số, phát triển mới bền vững. Trong đó, trọng tâm là phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trên cơ sở phục hồi kinh tế để kiểm soát lạm phát.

Đánh giá về vấn đề này, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, áp lực lạm phát với kinh tế Việt Nam tới từ 5 yếu tố gồm: gia tăng về giá cả; gia tăng yếu tố bất định như chiến tranh, dịch bệnh; gia tăng rủi ro tài chính tiền tệ, rủi ro cho hệ thống ngân hàng khi nợ tư nhân và nghĩa vụ trả nợ tăng cao; gia tăng về rủi ro an ninh lương thực và an ninh năng lượng; giảm đà phục hồi tăng trưởng trên toàn cầu.

Tuy nhiên, TS Cấn Văn Lực cũng cho rằng, Việt Nam vẫn có 3 lý do để yên tâm về lạm phát những tháng cuối năm. Thứ nhất, giá xăng dầu đã có dấu hiệu “hạ nhiệt”, đỉnh lạm phát cũng được dự báo đã ở quý 2/2022. Ngoài ra, nhiều nguồn tin cho biết, năm tới, giá xăng dầu sẽ giảm khoảng 10%, theo đó các mặt hàng khác sẽ “dịu” lại. Lạm phát toàn cầu năm 2022 được dự báo bình quân khoảng 6%, nhưng sang năm 2023 chỉ còn 4,5%. Yếu tố thứ hai và thứ ba để Việt Nam yên tâm về lạm phát là Việt Nam vẫn đảm bảo tốt các vấn đề liên quan đến nguồn cung và phối hợp ngân sách tương đối tốt giữa tài khoá và tiền tệ. Đây là những yếu tố hỗ trợ tích cực để Việt Nam kiểm soát lạm phát những tháng cuối năm.

Để kiểm soát lạm phát, tạo dư địa cho tăng trưởng kinh tế, ông Cấn Văn Lực cũng cho rằng, Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định 153/2020/NĐ-CP sửa đổi về quy định tham gia thị trường trái phiếu của doanh nghiệp, vì nếu không ban hành nhanh thì nợ đến hạn phải trả của khối này tương đối lớn, dự kiến năm nay khoảng 123 nghìn tỷ đồng, năm 2023 khoảng 120 nghìn tỷ đồng và năm 2024 dự kiến khoảng 230 nghìn tỷ đồng, như vậy nếu các tổ chức tín dụng không cho vay vì rủi ro nợ và kiểm soát lạm phát thì sẽ có nhiều doanh nghiệp đóng cửa, điều này vô cùng nguy hiểm cho nền kinh tế.

Bên cạnh các giải pháp trên, việc đảm bảo liên tục nguồn cung hàng hoá tiêu dùng trong nước, kiểm soát giá cả các mặt hàng hoá giảm chậm so với giá xăng dầu thì việc giữ nguyên lãi suất và ổn định tỷ giá cũng cần tính đến. Đồng thời, tranh thủ cơ hội để tận dụng thu hút đầu tư và chuyển đổi số để thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững…

Tuấn Minh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu